Được thành lập và trưởng thành cùng với sự nghiệp chung của Ngành Tài chính Việt Nam, 70 năm qua, Ngành Tài chính Hưng Yên luôn phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngành Tài chính Việt Nam (Ảnh: Đức Long)
Giai đoạn những năm 1945 – 1954, sau khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp vô vàn khó khăn, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, trong khi những nhiệm vụ cấp bách về xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang, chống thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt… đòi hỏi một ngân sách rất lớn. Trong bối cảnh ấy, công tác tài chính ở tỉnh Hưng Yên đã cùng cả nước tích cực hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ phát động nhằm tạo ngân sách cho đất nước. Tháng 5/1947, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ I đã đề ra nhiệm vụ kinh tế và tài chính của địa phương là phải tích cực đánh phá thế bao vây kinh tế của địch, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để đảm bảo kháng chiến lâu dài, thực hiện đúng chế độ thu, chi tài chính. Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã chuẩn bị thành lập Ty Kinh tài, bước đầu thành lập 2 phòng trực thuộc ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh để theo dõi các khoản thu thuế và cấp phát kinh phí chi tiêu cho các cơ quan hành chính của tỉnh. Đến năm 1951, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh thành lập Ty Tài chính trên cơ sở 2 phòng nói trên để giúp ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh thực hiện thống nhất quản lý tài chính, đảm bảo sử dụng hợp lý và tiết kiệm ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn những năm 1955 – 1975, ngành Tài chính Hưng Yên đã cùng các lực lượng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tích cực góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Từ năm 1968 đến năm 1975, tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, Ngành Tài chính Hải Hưng đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, cố gắng tăng nguồn thu để góp phần bảo đảm nhu cầu chi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giai đoạn những năm 1976 đến năm 1985, ngành Tài chính Hưng Yên đã cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ là khôi phục, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, ở giai đoạn này nguồn thu của tỉnh tuy có tăng lên nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu to lớn về xây dựng, quốc phòng và đời sống. Thu ngân sách địa phương giai đoạn 1976-1980 liên tục giảm sút, tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 1976-1980 của toàn quốc nói chung và của tỉnh Hải Hưng nói riêng gặp nhiều khó khăn. Năm 1982, Ty Tài chính đổi thành Sở Tài chính. Đến năm 1985, cơ chế quản lý kinh tế của nước ta có bước biến đổi đáng kể, chế độ quản lý tập trung quan liêu bao cấp từng bước được xóa bỏ, chế độ hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lấy kế hoạch hóa làm trung tâm bắt đầu được áp dụng.
Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1996, những đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế và chính sách tài chính đã có những tác động tích cực đến kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 1986-1990. Các khoản thu chủ yếu của ngân sách tăng lên bắt nguồn từ chính sách động viên tài chính được sửa đổi, các Luật thuế mới được ban hành. Chi ngân sách thực hiện các mục tiêu của kế hoạch kinh tế - xã hội được huy động từ nhiều nguồn: nguồn vốn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nguồn vốn liên doanh, hợp tác đầu tư với nước ngoài. Số thu ngân sách hàng năm của tỉnh đều vượt so với dự toán Trung ương giao, tỉnh Hải Hưng đã tự cân đối được ngân sách và có phần đóng góp cho Ngân sách Trung ương. Năm 1988, Ủy ban vật giá sáp nhập với Sở Tài chính thành lập Sở Tài chính Vật giá tỉnh.
Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, Ngành Tài chính Hưng Yên đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, phát huy trí tuệ, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách, giá cả. Thực hiện tốt chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền và tài sản được nhà nước giao quản lý. Chi ngân sách đã bám sát tiêu chuẩn chế độ, định mức của Trung ương và địa phương, đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị, kể cả việc thực hiện các chế độ, chính sách nhà nước mới ban hành (tiền lương, an sinh, xã hội). Áp dụng đúng và đủ các định mức chi của Chính phủ và HĐND tỉnh trong thời kỳ ổn định ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện chính sách an sinh xã hội của địa phương.
Từ năm 2010-2015, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó khăn dưới sự tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Cán bộ, công chức ngành Tài chính Hưng Yên đã tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới thể chế tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các giải pháp, chính sách tài chính gắn với hiện đại hóa ngành Tài chính, đặc biệt là sự đột phá trong công tác đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế và Hải quan đã hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, ổn định đời sống người lao động, qua đó nhận được sự đồng thuận và phản ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, tạo cải thiện, duy trì và tạo đà phát triển môi trường sản xuất, kinh doanh. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, đã có hàng ngàn dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh, thu ngân sách của tỉnh năm sau cao hơn năm trước, chi ngân sách bảo đảm kịp thời, đúng qui định, góp phần tạo đà tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Với những kết quả và thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành, đã có nhiều tập thể, cá nhân trong Ngành Tài chính Hưng Yên đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và các cấp tặng nhiều danh hiệu thi đua, trong đó năm 2000 và năm 2002, Sở Tài chính Hưng Yên được Chính phủ tặng cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua.
Lưu Vân