Những năm gần đây, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật, những thuật ngữ như “chuyển đổi số”, “sàn thương mại điện tử” hay ứng dụng “công nghệ 4.0” trong sản xuất nông nghiệp đã không còn xa lạ đối với người dân. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có nhiều nông dân tiên phong mở lối đi này và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực, sức lan tỏa lớn cho nhiều nông dân khác trong việc thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Anh Bùi Văn Phương - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát ở xã Tống Trân (huyện Phù Cừ) được xem là một trong những người tiên phong của huyện Phù Cừ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát được thành lập và đi vào hoạt động với mục đích chuyên trồng và cung cấp các sản phẩm nông sản như dưa chuột, dưa lưới, ớt chuông… Anh Bùi Văn Phương cho biết, là sáng lập viên, anh đã vận động các hộ nông dân có cùng chí hướng, niềm đam mê và ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương để thành lập hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Hội nghị thành lập Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát được tổ chức vào tháng 12/2016, anh Phương vinh dự được các hộ thành viên Hợp tác xã tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã.
Dưới sự điều hành của anh Bùi Văn Phương, sự đồng lòng của các thành viên trong Hợp tác xã, sau một thời gian hoạt động, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát đã xây dựng và phát triển nhà màng ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa lưới. Năm 2019, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã vinh dự được UBND tỉnh Hưng Yên chứng nhận là sản phẩm Ocop của tỉnh hạng 3 sao; tạo thu nhập ổn định cho các thành viên Hợp tác xã và người lao động tại địa phương với mức lương từ 4,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng. Thời điểm này, Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong khi việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ đối với sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, anh Phương vẫn mạnh dạn đầu tư thực hiện đưa chuyển đổi số vào trong quá trình sản xuất. Hợp tác xã đã ứng dụng vào việc xây dựng nhà màng, ươm hạt trên hệ thống khay trồng, hệ thống tưới nước tự động, máy trộn giá thể, áp dụng máy móc trong kiểm soát nước tưới nhỏ giọt, dinh dưỡng cho cây trồng. Cùng với đó, khi sản phẩm nông sản đến thời kỳ thu hoạch, Hợp tác xã sử dụng máy đo độ đường, máy test hàm lượng tồn dư nitơrat để kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán ra ngoài thị trường. Đồng thời, Hợp tác xã đã sử dụng ứng dụng QR code để tích hợp các thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất và thông tin của Hợp tác xã để khách hàng có thể tìm hiểu và yên tâm về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm nông sản.
Do quá trình sản xuất đã từng bước được số hóa, nên sản phẩm của Hợp tác xã khi thu hoạch đều cả về kích thước, trọng lượng và chất lượng. Hiện nay, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã đã đạt Ocop 4 sao và sản phẩm dưa chuột Maya đạt Ocop 3 sao. Đây trở thành điểm cộng tuyệt đối về tiêu chuẩn giúp sản phẩm nông sản của Hợp tác xã được khách hàng tin tưởng và lựa chọn.
Anh Bùi Văn Phương - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát ở xã Tống Trân (huyện Phù Cừ)
Có thể nói, việc đưa chuyển đổi số vào sản xuất đã giúp anh Bùi Văn Phương và Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát giảm tối đa chi phí sử dụng nhân công, năng suất luôn đạt cao hơn so với những mô hình sản xuất truyền thống khác. Trong năm 2022, Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát đã xuất bán ra thị trường 75 tấn dưa lưới các loại, 42 tấn dưa chuột Maya và 7 tấn ớt chuông, doanh thu đạt trên 2,5 tỷ đồng. Được biết, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, mô hình đang được Hợp tác xã nhân rộng và từ 3.000 m2 ban đầu, đến nay đã mở rộng lên 8.000m2 và đang tiếp tục xây dựng thêm 5.000 m2 nhà màng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Không chỉ thành công trong phát triển sản xuất, anh Bùi Văn Phương và các thành viên Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát còn thường xuyên tham gia ủng hộ các hoạt động gây quỹ từ thiện tại địa phương như: Ngày Vì người nghèo, người cao tuổi neo đơn, Ngày Tết thiếu nhi...
Với những đóng góp tích cực của mình, anh Bùi Văn Phương đã vinh dự được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), anh Bùi Văn Phương đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, tôn vinh và tặng Bằng khen là điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Vũ Văn Thiện