Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đánh dấu sự chuyển dịch mạnh mẽ trong tư duy đầu tư cho khoa học và công nghệ. Khu vực doanh nghiệp tư nhân được xác định là động lực chính cho sự phát triển bền vững của đất nước, đóng góp 60% tổng nguồn lực đầu tư vào khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tương xứng.

Sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại nhà máy của Công ty cổ phần nhựa An Phát Xanh, tỉnh Hải Dương. (Ảnh TUỆ NGHI)
Trong một thời gian dài, đầu tư cho khoa học và công nghệ chủ yếu dồn vào khu vực công, trong khi khu vực tư nhân lại gặp không ít rào cản từ cơ chế, chính sách đến tư duy tiếp cận. Kết quả là nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền mua công nghệ nhưng chưa đủ động lực để đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu và phát triển. Để thay đổi cục diện này, điều đầu tiên cần thay đổi chính là tư duy coi đầu tư cho khoa học công nghệ của doanh nghiệp tư nhân là một phần tất yếu, song hành với phát triển quốc gia.
Thay đổi tư duy trong chính sách khoa học, công nghệ
Theo kết quả điều tra của Cục Thông tin, thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ), những doanh nghiệp có quy mô lao động càng lớn thì càng có khả năng thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo, và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ có tỷ lệ giảm dần; hoạt động đổi mới sáng tạo diễn ra dưới hình thức mua sắm công nghệ máy móc, thiết bị và phần mềm để sản xuất sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm cũ chiếm tỷ lệ cao nhất là 17% số doanh nghiệp; hoạt động nghiên cứu và phát triển để đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm chỉ có 9,6% số doanh nghiệp. Sự chênh lệch này cho thấy, doanh nghiệp tư nhân còn thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, tài chính và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy các hoạt động R&D.
Trong bối cảnh nêu trên, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có các chính sách gián tiếp hỗ trợ cho kinh tế tư nhân thông qua cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là việc huy động nguồn lực tư nhân để thúc đẩy đổi mới công nghệ, tiếp thu và làm chủ công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tối thiểu 2% GDP quốc gia sẽ được dành cho nghiên cứu phát triển, trong đó khu vực ngoài công lập, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, phải chiếm hơn 60%.
Theo các doanh nghiệp, Nhà nước cần rà soát cơ chế chính sách, hoàn thiện quy định để tránh phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, quan trọng là sự đóng góp của doanh nghiệp cho phát triển kinh tế, lợi ích xã hội; cần công bằng giữa các nhóm doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho rằng, trong khảo sát năm 2023 của Cục Thông tin, thống kê thì doanh nghiệp nhỏ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều hơn so với các doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp vừa chưa nhận được sự quan tâm nhiều. Xu hướng này cần điều chỉnh theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để có đội ngũ các doanh nghiệp lớn vượt trội lên. Ngay như Tập đoàn ThaiBinh Seed là doanh nghiệp có ảnh hưởng trong ngành nông nghiệp, nhưng trong kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất vẫn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước như: hỗ trợ đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, số hóa quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, công nhận giống mới. Hay như Công ty cổ phần Sao Thái Dương mong đợi những chính sách hỗ trợ mới của Nhà nước để dự án đầu tư công nghệ cao của công ty tiếp tục được khởi động.
Gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học, công nghệ Việt Nam, hiện có tới 80-90% số doanh nghiệp khoa học, công nghệ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn hỗ trợ của Nhà nước do thủ tục hành chính phức tạp. 70% số doanh nghiệp được Hiệp hội hỗ trợ để được công nhận là doanh nghiệp khoa học, công nghệ đều bỏ cuộc bởi họ cho rằng các hỗ trợ không hấp dẫn, thủ tục lại rườm rà.
Trước thực trạng nêu trên, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng cần sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện tại, theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ được dành tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư vào phát triển khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, trong hơn 15 năm qua, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân đều không thực hiện việc này, một phần vì không bắt buộc, một phần hạn chế về mức trích lập chỉ 10% lợi nhuận. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoản tiền này rất nhỏ, không đủ để tạo ra sản phẩm mới hoặc đổi mới công nghệ. Hơn nữa, việc sử dụng khoản 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư vào khoa học, công nghệ lại bị quản lý quá chặt chẽ, như thể là ngân sách nhà nước, làm nản lòng các doanh nghiệp.
Hiện có tới 80-90% số doanh nghiệp khoa học, công nghệ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn hỗ trợ của Nhà nước do thủ tục hành chính phức tạp. 70% số doanh nghiệp được Hiệp hội hỗ trợ để được công nhận là doanh nghiệp khoa học, công nghệ đều bỏ cuộc bởi họ cho rằng các hỗ trợ không hấp dẫn, thủ tục lại rườm rà.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học, công nghệ Việt Nam
Trong Nghị quyết 193/2015/QH15 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có hướng mở khi quy định doanh nghiệp không bị hạn chế 10% và tất cả các chi tiêu cho khoa học, công nghệ sẽ được Nhà nước miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Một bất cập khác trong Nghị định 80/2024/NĐ-CP và Nghị định 13/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 80/2024/NĐ-CP là miễn giảm thuế chỉ áp dụng một lần, nghĩa là khi hết thời gian miễn giảm (4 năm miễn thuế, 9 năm giảm thuế), doanh nghiệp sẽ không còn được hưởng nữa, dù vẫn tiếp tục nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Do đó, theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học, công nghệ Việt Nam, cần thiết có chính sách ưu đãi liên tục cho các doanh nghiệp khoa học, công nghệ thực hiện liên tục công tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để khích lệ quá trình sáng tạo và đổi mới diễn ra nhanh hơn và bền vững hơn.
Bên cạnh đó, sản phẩm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang bị cản trở tham gia vào hoạt động mua sắm công. Thí dụ, đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế đòi hỏi có ít nhất ba nhà thầu chào giá, trong khi sản phẩm phát triển từ sáng chế, giải pháp hữu ích được Nhà nước bảo hộ 10-20 năm cho một nhà sáng chế duy nhất, do đó, không đủ điều kiện để tham gia đấu thầu.
Đăng ký sáng chế ra nước ngoài cũng là một cách giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị tài sản trí tuệ, nhưng chi phí cao đang cản trở doanh nghiệp. Nhà nước nên hỗ trợ chi phí đăng ký sáng chế quốc tế, giúp doanh nghiệp và nhà khoa học dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu.
(còn nữa)
Nguồn: https://nhandan.vn/