Phát triển thủy sản bền vững theo hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển ngành thủy sản giai đoạn hiện nay. Mặc dù vậy quá trình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt ở các địa phương.

Phát triển thủy sản bền vững theo hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển ngành thủy sản giai đoạn hiện nay. (Ảnh: HIỀN CỪ)
Vấn đề này được đưa ra thảo luận tại Hội nghị “Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm” ngày 11/4 do Cục Thủy sản và Kiểm ngư tổ chức. Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Phát triển thủy sản bền vững còn nhiều hạn chế
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện nay có hơn 82.000 tàu cá và 2.000 cơ sở chế biến thủy, hải sản; 78 cảng cá, 80 khu neo đậu. Nghề khai thác thủy sản đã và đang tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động; tăng trưởng trung bình đạt 3%/năm, giai đoạn 2010-2024; đóng góp 10% GDP ngành nông nghiệp; sản lượng khai thác đứng thứ 7 thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay còn một số tồn tại chủ yếu như nguồn lợi khai thác thủy sản giảm; tình trạng khai thác quá mức, hiệu quả kinh tế thấp; hoạt động khai thác bất hợp pháp phổ biến; hạ tầng dịch vụ hậu nghề cá còn yếu kém; sản xuất manh mún, tự phát thiếu chuỗi liên kết.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng nguồn lợi; đội tàu quy mô nhỏ, trình độ khai thác lạc hậu; đầu tư phát triển hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực còn hạn chế; khai thác thiếu trách nhiệm, tận diệt…

Hội nghị diễn ra tại Thanh Hóa.
Để đạt được mục tiêu phát triển ngành thủy sản đến năm 2030 với các chỉ tiêu cụ thể như, tăng trưởng giá trị ngành từ 3-4%/năm, sản lượng khai thác 2,8 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD…, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương triển khai các giải pháp giảm khai thác, tăng cường nuôi trồng thủy sản trên biển. Tăng cường bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; triển khai thực hiện có hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương có tiềm năng phát triển nghề nuôi biển; chuyển đổi sinh kế cho người dân...
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Vũ Xuân Hải, Cục Phó Cục Thủy sản và Kiểm ngư cho biết: Chương trình phát triển khai thác thủy sản bền vững và Chuyển đổi nghề sau gần 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản, gần 3 năm thực hiện Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030 và hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế đã triển khai xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược, chương trình, đề án chuyển đổi nghề và thực hiện một số mô hình chuyển đổi sinh kế tại các cộng đồng ngư dân ven biển theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Sau gần 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản, gần 3 năm thực hiện Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030 và hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế đã triển khai xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược, chương trình, đề án chuyển đổi nghề và thực hiện một số mô hình chuyển đổi sinh kế tại các cộng đồng ngư dân ven biển theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. |
Một số mô hình chuyển đổi nghề đã phát huy hiệu quả tích cực, thu hút được sự quan tâm tham gia của cộng đồng ngư dân và các thành phần kinh tế, xã hội khác tại các địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang,... tạo hiệu ứng, động lực, tính lan toả để tiếp tục triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Giải pháp phát triển thủy sản bền vững
Ông Hải khẳng định, chủ trương, định hướng chuyển đổi các nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí là hướng đi đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trên thế giới và định hướng phát triển nghề cá của Việt Nam.
Thực tiễn, tại một số địa phương ven biển đã bắt đầu manh nha phát triển nghề cá giải trí mang tính tự phát, đặc biệt là tại các khu bảo tồn biển hoặc các khu vực biển có cảnh quan và sinh cảnh tự nhiên thí dụ dịch vụ đi bộ dưới biển ngắm san hô, ngắm cá, ngắm mực đẻ trứng; dịch vụ xem rùa đẻ trứng; dịch vụ câu cá giải trí....
Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất mới, chưa có nhiều nghiên cứu, đánh giá và tổ chức triển khai thực tế tại Việt Nam. “Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển, việc chuyển đổi các nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí chưa được nghiên cứu và tổ chức triển khai thực hiện”, ông Hải nói.
Lãnh đạo Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề xuất trong thời gian tới, cần chú trọng nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi các nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí và các nghề khác bảo đảm tính khả thi cao và có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế nghề cá của các vùng, miền.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện
Định hướng về những giải pháp để phát triển ngành thủy sản bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng trong thời gian tới ngành thủy sản cần tập trung phát triển 2 trụ cột chính của ngành đó là khai thác và bảo tồn.
Trong thời gian tới ngành thủy sản cần tập trung phát triển 2 trụ cột chính của ngành đó là khai thác và bảo tồn.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến
|
“Hiện nay, hoạt động khai thác tại các địa phương đều đã có tàu biển bến bãi, nhiệm vụ này luôn phải gắn chặt với công tác chống IUU, bảo đảm tuân thủ đúng 4 khuyến nghị của châu Âu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần thực hiện nghiêm quản lý, giám sát đội tàu; thực hiện đăng ký, đăng kiểm VMS; truy xuất nguồn gốc thủy sản.
“Hoạt động nuôi biển đã phát triển nhanh với nhiều đối tượng nuôi, tuy nhiên việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Thời gian tới, để phát huy hiệu quả, công tác bảo tồn cần gắn chặt với du lịch, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, các bộ, ngành trung ương và địa phương lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ, hoạt động của đề án vào các hoạt động, đề án, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch giảm khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, tăng cường bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.
Nguồn: https://nhandan.vn/