Bảo hiểm nông nghiệp không chỉ là công cụ bảo vệ tài chính, mà còn là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp các hợp tác xã quản trị rủi ro, nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp trong sản xuất.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại hội thảo.
Tại Hội thảo “Bàn giải pháp bảo hiểm cho Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh” do Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây, Bảo hiểm Agribank (ABIC) đã đề xuất mô hình bảo hiểm tổng thể cho Hợp tác xã Quảng Ninh. Hội thảo không chỉ là diễn đàn trao đổi chuyên môn, mà còn là nơi khơi nguồn cho những mô hình thử nghiệm thực tiễn – nhằm tiến tới xây dựng một hệ sinh thái bảo hiểm nông nghiệp bền vững.
Nhóm lại thì giàu, chia ra thành khó
Dẫn lời Bác Hồ năm 1946: “Nhóm lại thì thành giàu, chia ra thì thành khó”, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân trong bài phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh: Bảo hiểm chính là biểu hiện cụ thể của tinh thần “nhóm lại” trong sản xuất nông nghiệp – nơi mỗi người cùng chia sẻ rủi ro để ổn định và phát triển lâu dài. Theo đó, trong sản xuất nông nghiệp, mua bảo hiểm là để phòng ngừa những rủi ro, bất ngờ có thể gặp phải. Vì vậy, nếu ai cũng mua bảo hiểm sẽ tạo nên một “tấm khiên” vững chắc giúp hợp tác xã không bị đe dọa trước những cú sốc thiên tai, dịch bệnh, thị trường. Và muốn làm được điều đó, điều kiện tiên quyết là sự tự giác.
“Cách đây 79 năm, vào ngày 11/4/1946, Bác Hồ viết thư kêu gọi điền chủ, nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Vì sao là thư kêu gọi chứ không phải sắc lệnh? Bởi hợp tác xã là biểu hiện của tinh thần tự nguyện, tự giác. Chính yếu tố này đã và đang mở ra nhiều tiềm năng để bảo hiểm nông nghiệp trong hợp tác xã có thể phát triển sâu rộng hơn”, bà Cao Xuân Thu Vân chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, chúng ta không thể ngồi chờ chính sách từ trên xuống. Muốn có chính sách, trước hết phải có mô hình thực tế để minh chứng. Hãy bắt đầu từ các mô hình hợp tác xã đủ điều kiện, phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để thí điểm, từ đó tạo căn cứ xây dựng chính sách chính thức.
Nêu thí dụ từ Nhật Bản – quốc gia có hệ thống hợp tác xã phát triển bậc nhất thế giới – theo bà Vân, chỉ những hợp tác xã tuân thủ đúng sản lượng, quy trình sản xuất và tiêu chuẩn mới đủ điều kiện được hưởng bảo hiểm. Việc áp dụng các điều kiện chặt chẽ giúp bảo đảm tính bền vững, trách nhiệm và minh bạch trong sản xuất – yếu tố tiên quyết để chính sách bảo hiểm phát huy hiệu quả.
“Bảo hiểm không dành cho những người "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào". Sản xuất phải ổn định, có kỷ luật thì mới có thể triển khai bảo hiểm hiệu quả”, bà Cao Xuân Thu Vân cũng thẳng thắn chỉ rõ.
Đề xuất mô hình bảo hiểm tổng thể cho hợp tác xã
Tại hội thảo, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) – đại diện doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ – đã trình bày tham luận với bốn phần chính, bao gồm bài học quốc tế, thực tiễn trong nước và nhất là đề xuất một chương trình bảo hiểm tổng thể dành riêng cho hợp tác xã tại Quảng Ninh.

Ông Đỗ Minh Hoàng – Thành viên Hội đồng Quản trị Bảo hiểm Agribank chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Bảo hiểm Agribank đã tổng kết bài học từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Những điểm chung của các mô hình bảo hiểm nông nghiệp thành công sẽ tập trung vào việc Chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong việc ban hành khung pháp lý, trợ cấp phí bảo hiểm và giám sát triển khai. Bảo hiểm được tích hợp vào chiến lược phát triển nông nghiệp tổng thể, gắn với chuỗi giá trị và các vùng sản xuất tập trung. Ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám định tổn thất và thanh toán bồi thường để bảo đảm minh bạch, nhanh chóng.
Tại Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp đã từng được thí điểm (Quyết định 315) và mở rộng (Nghị định 58), song kết quả còn hạn chế do sản phẩm bảo hiểm chưa sát thực tế, chính sách hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn và quy trình thủ tục còn rườm rà. Dù vậy, Bảo hiểm Agribank vẫn là một trong những đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm bảo hiểm cho khu vực “Tam nông”, với doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng/năm, bảo vệ hơn 3 triệu hộ nông dân.
Theo ông Đỗ Minh Hoàng – Thành viên Hội đồng Quản trị Bảo hiểm Agribank, các hợp tác xã cần được đặt trong chuỗi liên kết sản xuất, có sự tham gia chặt chẽ của ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, đơn vị cung ứng đầu vào, đầu ra và cả hệ thống quản lý nhà nước. Trong đó, bảo hiểm trở thành một “mắt xích” không thể thiếu, bảo vệ toàn diện: cây trồng, vật nuôi, tài sản, sức khỏe và thu nhập của thành viên hợp tác xã.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền và người dân tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế, Bảo hiểm Agribank đề xuất chương trình bảo hiểm cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với năm nhóm giải pháp cụ thể nhằm triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho hợp tác xã tại Quảng Ninh. Cụ thể: xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp, trong đó hợp tác xã là hạt nhân, doanh nghiệp bảo hiểm là một thành tố; xây dựng chương trình bảo hiểm tổng thể, không chỉ bảo vệ cây trồng, vật nuôi mà cả tài sản, con người – yếu tố nền tảng của sản xuất nông nghiệp; phối hợp chia sẻ phí bảo hiểm giữa ngân sách Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và hợp tác xã – để người dân giảm gánh nặng tài chính; tận dụng vai trò của ngân hàng thương mại như Agribank, kết hợp tín dụng và bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro tín dụng trong nông nghiệp; thành lập quỹ dự phòng rủi ro tại địa phương, dùng để hỗ trợ phần tổn thất vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm.
Những kiến nghị này hướng đến xây dựng một hệ sinh thái bảo hiểm nông nghiệp toàn diện, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Từ thí điểm đến chính sách – cần sự đồng hành bền vững
Bảo hiểm nông nghiệp không còn là khái niệm xa vời, mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong quản trị rủi ro và phát triển nông nghiệp hiện đại. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn, tính đến tháng 4/2025, tỉnh Quảng Ninh đã có 1.087 hợp tác xã, trong đó 768 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm hơn 70%), tạo việc làm cho gần 75.000 lao động (chiếm 10,9% lực lượng lao động toàn tỉnh) – minh chứng cho định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế hợp tác.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn nhấn mạnh sự cấp thiết phải xây dựng chính sách bảo hiểm riêng cho hợp tác xã.
Tuy nhiên, ông Phạm Đức Ấn cũng cho biết, thực tiễn gần đây như hậu quả nặng nề từ cơn bão số 3 - Yagi năm 2024 đã phơi bày rõ những lỗ hổng trong việc quản trị rủi ro tại các hợp tác xã. “Phần lớn các hợp tác xã bị thiệt hại đều không nhận được hỗ trợ cần thiết do thiếu đồng bộ trong quản lý, cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận điều này để có bước đi thực chất hơn,” ông Phạm Đức Ấn nêu rõ.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh sự cấp thiết phải xây dựng chính sách bảo hiểm riêng cho hợp tác xã, đề nghị Liên minh hợp tác xã tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo hiểm Agribank để thiết kế các sản phẩm phù hợp với đặc thù từng ngành hàng. Trước mắt cần ưu tiên cho các lĩnh vực có thế mạnh như thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp.
Tại Quảng Ninh, nơi hợp tác xã đang trên đà phát triển mạnh mẽ, bảo hiểm cần được triển khai song hành với quy trình sản xuất và tín dụng – để hình thành một hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, bền vững.
Bà Cao Xuân Thu Vân chia sẻ thêm: "Chúng ta cần một mô hình thực tế có dữ liệu, có người thật, việc thật – để thuyết phục trung ương ban hành cơ chế chính thức. Và để bảo hiểm không chỉ là giấy tờ, mà trở thành “tấm khiên” vững chắc bảo vệ sinh kế, cần một điều kiện tiên quyết – sự tự giác và cam kết thực chất từ chính các hợp tác xã và người nông dân".
Tại Hội thảo, các diễn giả cũng đã thống nhất cao về việc cần sớm thí điểm mô hình bảo hiểm nông nghiệp tại Quảng Ninh, trước khi nhân rộng và đề xuất chính sách cấp quốc gia. Với hạ tầng hợp tác xã phát triển, sự đồng hành của doanh nghiệp như Bảo hiểm Agribank và định hướng quyết liệt từ chính quyền địa phương, Quảng Ninh hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu đi đầu cả nước về triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong hợp tác xã.
Nguồn: https://nhandan.vn/