KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 23/04/2025 - Lượt xem: 8
Cần lộ trình phù hợp khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trước “cú sốc” thuế đối ứng của Hoa Kỳ, các chính sách về thuế cần tiếp tục phát huy tốt vai trò vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng, tránh gây sốc cho thị trường cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp.

Các đại biểu tại hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc tháng 5/2025. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, dự luật này sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối, dịch vụ. Để làm rõ những tác động của sắc thuế này tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chiều 22/4, Báo Nhân Dân tổ chức hội thảo với chủ đề “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Giãn lộ trình thực hiện

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Tình hình thế giới gần đây liên tiếp biến động phức tạp, khó lường, nhất là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan đối ứng cao đối với Việt Nam và nhiều đối tác thương mại khác. Ở trong nước, dù kinh tế vẫn duy trì xu hướng tích cực, song tốc độ tăng GDP 6,93% của quý I vẫn chưa đạt mục tiêu theo kịch bản điều hành đã được Chính phủ điều chỉnh tại Nghị quyết số 25/NQ- CP.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn kéo dài, kể từ sau đại dịch Covid-19, thể hiện ở số doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động có thời điểm tăng cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới.

Mục tiêu phấn đấu tăng trưởng năm 2025 đạt mức từ 8% trở lên vì thế càng trở nên thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu cấp bách. “Đây là thời điểm chúng ta cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất và có chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết: Giai đoạn 2009- 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành bia đạt 9,76%/năm, nhưng sau khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2016 đã suy giảm đáng kể, chỉ còn 3,3%/năm giai đoạn 2016-2024, thấp hơn tốc độ tăng GDP cùng thời kỳ. Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt lần này tiếp tục đề xuất mức tăng thuế với mặt hàng rượu, bia ở mức rất cao, liên tục. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tăng thuế như vậy sẽ gây ảnh hưởng không chỉ ngành rượu bia, mà còn tác động tới hơn 20 ngành kinh tế khác, đồng thời làm sụt giảm tăng trưởng GDP và thu ngân sách trong dài hạn.

Tăng thuế rượu bia quá cao, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thay thế với giá thành thấp hơn như bia thủ công hay rượu tự nấu chất lượng chưa được kiểm chứng, kéo theo rủi ro về sức khỏe người tiêu dùng và thất thu thuế. “VBA đề xuất lùi hiệu lực thi hành Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tới năm 2028 và giãn lộ trình thực hiện hợp lý (tăng 5%/năm trong 5 năm) để doanh nghiệp có đủ thời gian thích nghi, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời tránh tác động tăng sốc thị trường”, ông Việt kiến nghị.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: Ngoài các khó khăn chung, doanh nghiệp ngành đồ uống còn phải đối mặt với những khó khăn riêng như không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn; chi phí, giá nguyên vật liệu tăng từ 15-30%; tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng trôi nổi đối với rượu, bia phức tạp,... Thực trạng này khiến kết quả kinh doanh toàn ngành không ổn định nhiều năm và gần đây mới có phần hồi phục.

Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tác động mạnh đến sự phục hồi của ngành đồ uống, đồng thời cũng mâu thuẫn với các chính sách giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp như hiện nay. Việc tăng thuế có thể giúp tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng giảm tổng hòa lợi ích đối với ngành đồ uống và nền kinh tế về trung, dài hạn. “Tăng thuế càng nhanh, càng cao, tổng hòa lợi ích giảm càng nhiều”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

“Khoan sức” doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu

Theo tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đã khiến các doanh nghiệp trong nước rất lo lắng bởi nguy cơ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng, thậm chí là sự tồn vong của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, một bộ phận doanh nghiệp còn phải đối diện với thách thức mới từ trong nước là Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Dự thảo Luật thuế này được đánh giá có ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp và hàng nghìn người lao động trong ngành bia rượu cũng như các ngành hàng liên quan, cũng như người tiêu dùng và nền kinh tế.

Trong bối cảnh cả nền kinh tế, các doanh nghiệp vừa cố gắng ứng phó với khó khăn hiện hữu, vừa nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao trong những năm tới, sự suy giảm về đầu tư trong ngành bia rượu cùng sự suy giảm tiêu dùng của người dân đối với sản phẩm rượu bia đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng tới tổng cầu, từ đó tác động trực tiếp tới mục tiêu tăng trưởng GDP ngay trong năm nay.

“Một lộ trình tăng thuế hợp lý về cả mức thuế và thời gian áp dụng sẽ giúp hài hòa các mục tiêu của sắc thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời giúp “khoan sức doanh nghiệp”, hỗ trợ họ hồi phục và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong thời gian tới”, tiến sĩ Lê Duy Bình nhận xét.

Chuyên gia về thuế Nguyễn Văn Phụng chia sẻ: Đối với dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, các bên liên quan cần nghiên cứu, tham khảo các thông tin, số liệu trong “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia” và các kiến nghị của VBA, đặc biệt cần ghi nhận những thực tế khó khăn của ngành đồ uống khi lực cầu giảm, thị trường chưa hoàn toàn phục hồi,...

Với nguyên tắc “hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân, mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế”, ông Phụng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất, kiến nghị của VBA gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng: Quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là vấn đề quan trọng khi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cũng như sức khỏe người tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia và nước uống có đường. Tuy nhiên, câu chuyện này cần nhìn kỹ hơn từ mọi góc độ, tìm kiếm giải pháp hài hòa giữa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó xác định lộ trình cũng như thời điểm phù hợp.

“Hội thảo hôm nay rất có ý nghĩa với các đại biểu Quốc hội để có cái nhìn toàn diện hơn về thuế tiêu thụ đặc biệt, hiểu rõ hơn thực tế của doanh nghiệp nhằm cân nhắc, đưa ra các quyết định trước Quốc hội”, ông Tạ Văn Hạ nói.

Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO-do Sabeco sở hữu 100%) Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ: Toàn ngành bia đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19; xung đột thương mại, địa chính trị thế giới thời gian qua,... làm gián đoạn chuỗi cung ứng, kéo tổng chi phí sản xuất tăng theo. Không chỉ vậy, sản lượng bia tiêu thụ ngày càng giảm do tác động từ một số chính sách liên quan. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp ngành bia vượt qua khó khăn, SABECO kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức tăng và lộ trình tăng thuế theo đề nghị của VBA.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Bia- Rượu-Nước giải khát Hà Nội (HABECO) Trần Đình Thanh cho hay: Hiện nay rượu lậu, rượu do người dân tự nấu và các loại bia “cỏ” trốn thuế của các nhà máy bia tư nhân vẫn tràn lan trên thị trường. Nếu thuế tăng, chắc chắn sẽ đẩy người dân ưu tiên sử dụng các sản phẩm kém chất lượng này. Do đó, ông Thanh tán thành và thống nhất với kiến nghị của VBA là giãn thuế, nhưng thời điểm năm 2028 có thể còn khá sớm vì khi doanh nghiệp thực sự tăng lợi nhuận mới nên áp dụng tăng thuế.

Giám đốc Quan hệ đối ngoại HEINEKEN Việt Nam Nguyễn Thanh Phúc thông tin: HEINEKEN Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với mạng lưới doanh nghiệp trong nước. Năm 2023, tổng giá trị mua hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của công ty đạt hơn 17.000 tỷ đồng, chiếm 82% tổng chi tiêu mua sắm trong nước.

Việc sản lượng sụt giảm do thuế tăng cao sắp tới sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của HEINEKEN Việt Nam, mà còn đến sinh kế của hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa khác. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, doanh nghiệp và người dân vẫn phải xoay xở với chi phí sản xuất gia tăng, sức mua suy yếu và mức độ bất định cao trên thị trường, việc thúc đẩy thông qua Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt tại Kỳ họp Quốc hội tới chưa phù hợp về thời điểm, nó sẽ khiến tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp - vốn đang phải ứng phó đồng thời với các thách thức từ thị trường quốc tế lẫn nội địa.

Phó Cục trưởng Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Lưu Đức Huy thông tin: Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (năm 2024). Theo quy định, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan tiếp thu giải trình để chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Sau những biến động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Bộ Tài chính đã báo cáo với Chính phủ, sau đó có văn bản gửi cơ quan thẩm tra của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế- Tài chính), đề nghị giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiều mặt hàng (trong đó có rượu, bia) và lùi hiệu lực thi hành Luật từ năm 2027.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan