Xác định “cán bộ là gốc của mọi công việc”, những năm qua, các cấp ủy địa phương chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo tiền đề thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Kết quả, nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, đạt các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh NGUYỄN TRUNG)
Bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới đông bắc Tổ quốc, tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ cơ sở được Tỉnh ủy đánh giá là nhiệt tình, trách nhiệm nhưng một số trong đó có năng lực, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn cử hơn 190 cán bộ đào tạo sau đại học, gần 450 cán bộ đào tạo cao cấp lý luận chính trị; hơn 2.800 cán bộ đào tạo trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng công tác đảng, đoàn thể, lý luận chính trị cho đảng viên, đối tượng kết nạp đảng, bồi dưỡng kiến thức về quốc phòng, an ninh… cho hơn 120 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Do vậy, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Lạng Sơn chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ các cấp. Căn cứ thực tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm và từng giai đoạn với nhiều hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng linh hoạt, đa dạng.
Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng luôn gắn với yêu cầu chuẩn hóa trình độ và tiêu chuẩn chức danh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, từng bước đạt chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp.
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sử dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy. Nội dung bài học lý thuyết gắn với thực tiễn công việc chuyên môn kết hợp đi thực tế.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh cử hơn 190 cán bộ đào tạo sau đại học, gần 450 cán bộ đào tạo cao cấp lý luận chính trị; hơn 2.800 cán bộ đào tạo trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng công tác đảng, đoàn thể, lý luận chính trị cho đảng viên, đối tượng kết nạp đảng, bồi dưỡng kiến thức về quốc phòng, an ninh… cho hơn 120 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng chí Giáp Thị Bắc, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết, công tác bồi dưỡng, đào tạo được chú trọng góp phần nâng cao chất lượng toàn diện, bền vững đối với đội ngũ cán bộ các cấp.
Ninh Thuận là tỉnh có đội ngũ cán bộ luôn được chăm lo, kiện toàn, nhưng trước yêu cầu cao của tình hình mới vẫn bộc lộ những hạn chế về năng lực, trình độ.
Để khắc phục, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu.
Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức nhiều lớp giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên; từ năm 2020 đến nay đã cử 6.735 lượt cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước.
Tỉnh đổi mới các hình thức đào tạo, tăng cường phối hợp đào tạo những lĩnh vực, ngành nghề phù hợp nhu cầu địa phương. Nhiều năm qua, đã ký chương trình hợp tác với Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, liên tục mở các khóa đào tạo cán bộ và học sinh, sinh viên ở các ngành nghề, như: công nghệ thông tin, nông học, nuôi trồng thủy sản, quản lý môi trường… nhằm kịp thời bổ sung cán bộ chất lượng cao vào các cơ quan, đơn vị.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 07, đội ngũ cán bộ tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết cán bộ các cấp đạt chuẩn, được bổ sung kịp thời các nhân tố mới, triển vọng.
Hiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 14 đồng chí đạt trình độ lý luận chính trị cao cấp và đại học trở lên; trong đó có 2 tiến sĩ (14,28%), 9 thạc sĩ (64,28%). Tại cơ sở, đội ngũ cán bộ Ban Thường vụ cấp ủy cấp xã có trình độ trên đại học là 23 đồng chí (9,83%), đại học là 208 đồng chí (88,89%). Tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm 22,65%, cán bộ nữ chiếm 22,22%.
Đổi mới công tác đánh giá cán bộ
“Lượng hóa” các tiêu chí đánh giá cán bộ là cách làm của nhiều cấp ủy địa phương trong nhiệm kỳ qua. Tháng 8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Việc đánh giá cán bộ được thực hiện trên nguyên tắc lấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, sự tín nhiệm của cán bộ và các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân.
UBND tỉnh ban hành quy chế thí điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng dựa vào công việc, sản phẩm được giao.
Bên cạnh triển khai đầy đủ các quy định về đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã nghiêm túc lãnh đạo, triển khai lấy phiếu tín nhiệm cán bộ theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.
Tại Ninh Thuận, hằng năm, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị giao việc cho từng cán bộ, trong đó chú trọng vai trò người đứng đầu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành khung tiêu chí đánh giá tập thể, cá nhân thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và khung tiêu chí đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Căn cứ cơ bản là kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phương thức đánh giá bằng thang bảng điểm.
Tỉnh ủy ban hành Bộ thủ tục hành chính về công tác tổ chức xây dựng Đảng; trong đó quy định rõ nội dung, trình tự thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Theo đồng chí Lâm Đông, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy, cách làm này đã “lượng hóa” trong đánh giá cán bộ; giúp cấp ủy, đơn vị lựa chọn, phân công, bổ nhiệm cán bộ thực chất, hiệu quả hơn.
Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều địa phương phát huy tốt vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, `Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Ninh Thuận tổ chức 208 cuộc giám sát, trong đó có nhiều cuộc liên quan việc đánh giá đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đổng Hoàn cho biết, từ năm 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức giám sát những cán bộ có dư luận trong cán bộ, nhân dân về thực hiện quy định trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu cấp huyện. Năm 2024, triển khai giám sát cam kết của các đại biểu dân cử.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp các cấp ủy, cơ quan tổ chức nhiều diễn đàn góp ý đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường kiểm tra, giám sát và siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ trong thi hành công vụ.
Ban Thường vụ Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm triển khai thực hiện quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thực tế cho thấy, việc tăng cường đổi mới trong công tác cán bộ đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các địa phương. Từ đó, nhiều chương trình, kế hoạch được triển khai thực hiện hiệu quả, tạo bứt phá mạnh mẽ, giúp các địa phương hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Tỉnh Ninh Thuận hoàn thành 16/18 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 8,74%, đưa Ninh Thuận vươn lên nhóm các tỉnh có thu nhập trung bình.
Tỉnh Lạng Sơn trong năm 2024 thực hiện đạt và vượt 15/18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội; toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Lạng Sơn tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số; được nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 và giải thưởng “Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam 2024".
Nguồn: https://nhandan.vn/