KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 14/04/2025 - Lượt xem: 20
Cơ hội đáp ứng nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn

Trước làn sóng đầu tư công nghiệp bán dẫn đổ vào Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư vi mạch từ nay đến năm 2030. Hàng loạt trường đại học mở ngành mới, nhiều chính sách ưu đãi được triển khai, thu hút sinh viên. Đây được xem là cơ hội vàng cho cả người học lẫn cơ sở đào tạo.

Sinh viên Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực hành tại phòng thí nghiệm.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn vẫn còn khá mới mẻ, chủ yếu thực hiện khâu thiết kế, kiểm thử và đóng gói chip, chưa có nhà máy chế tạo quy mô lớn. Thời gian qua, Việt Nam liên tục đón nhận các dự án có vốn đầu tư lớn từ những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron... Đã có hơn 50 doanh nghiệp quốc tế tham gia thị trường, tiêu biểu như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Marvell, Synopsys, Cadence (thiết kế chip)... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước như Viettel, FPT, VNChip… cũng đã tham gia. Việt Nam đang dồn sức cho ngành công nghệ bán dẫn, được coi là “xương sống” của kinh tế số với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực.

Làn sóng mở ngành đào tạo bán dẫn

Tận dụng cơ hội vàng từ làn sóng đầu tư, xác định yếu tố then chốt là nguồn nhân lực, tháng 9/2024, Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”, đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50 nghìn nhân lực trình độ đại học trở lên cho lĩnh vực bán dẫn. Trong số này, khoảng 15 nghìn người sẽ phục vụ cho thiết kế vi mạch, 35 nghìn người sẽ đảm trách các lĩnh vực sản xuất, đóng gói và kiểm thử sản phẩm. Ngoài ra, sẽ có thêm 5.000 chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ và nâng tầm lĩnh vực bán dẫn, cùng 1.300 giảng viên tại các trường đại học và viện nghiên cứu được bồi dưỡng chuyên sâu, tạo nên đội ngũ giảng dạy tinh hoa, sẵn sàng đưa Việt Nam vươn lên trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học đã và đang tham gia đào tạo lĩnh vực này, dự kiến số lượng sẽ tăng đáng kể trong 2-3 năm tới khi các trường cao đẳng nghề, các dự án hợp tác đào tạo với doanh nghiệp cùng lúc vào cuộc. Ba trường thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Công nghệ thông tin và Trường đại học Khoa học tự nhiên) chính thức mở nhóm ngành công nghệ vi mạch bán dẫn, dự kiến đến năm 2027 đào tạo thêm 1 nghìn kỹ sư, nâng tổng số sinh viên ngành liên quan lên khoảng 6 nghìn người.

Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát triển hai chuyên ngành trực tiếp và bảy ngành gần liên quan tới nhóm ngành công nghệ vi mạch bán dẫn, với hơn 3.300 sinh viên. Đại học Quốc gia Hà Nội mỗi năm đào tạo khoảng 1.500 sinh viên và sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới. Đáng chú ý, từ năm 2025, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ mở 3 trên 4 ngành về bán dẫn như Công nghệ kỹ thuật điện tử-viễn thông định hướng thiết kế vi mạch; Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử); Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu). Đại học Đà Nẵng tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch từ năm 2024 tại các đơn vị như Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn.

Làn sóng này lan rộng tới cả khối trường tư và công lập khác. Các trường như Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Trường đại học FPT, Trường đại học Phenikaa, Trường đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường đại học Cần Thơ đều mở ngành mới từ năm 2024. Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) hợp tác với Đại học Yang Ming Chiao Tung (Đài Loan, Trung Quốc) mở ngành cử nhân công nghệ bán dẫn. Trường đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng tuyển sinh 100 chỉ tiêu kỹ sư bán dẫn mới từ năm 2025.

Bên cạnh cơ hội lớn, làn sóng này đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là vấn đề bảo đảm chất lượng đào tạo. Các chuyên gia cảnh báo rằng ngành bán dẫn đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, với công nghệ cập nhật liên tục theo chu kỳ 6 đến 12 tháng, trong khi việc đổi mới chương trình đào tạo đại học thường chậm hơn rất nhiều. Điều này khiến sinh viên ra trường dễ thiếu hụt các kỹ năng thực tiễn, không bắt kịp yêu cầu của thị trường quốc tế . Đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất cũng là những nút thắt lớn đối với các cơ sở đào tạo. Giáo sư, Tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng (Trường đại học Nam Florida, Hoa Kỳ) nhận xét: “Muốn đào tạo bán dẫn số lượng lớn, trước hết cần đội ngũ giảng viên hiểu biết sâu sắc lĩnh vực này - điều mà hiện nay chúng ta đang thiếu trầm trọng” . Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, không lo đào tạo thừa mà chỉ sợ thiếu . Vấn đề cốt lõi là các trường phải nâng chuẩn đào tạo để đầu ra có chất lượng, cạnh tranh được trên thị trường lao động toàn cầu . Nếu làm được điều đó, ngay cả khi số lượng sinh viên ngành vi mạch tăng nhanh, họ vẫn sẽ hấp dẫn được các công ty trong và ngoài nước.

Yêu cầu cao đối với sinh viên

Theo ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư thiết kế vi mạch rất lớn, nguồn cung hiện tại chưa đáp ứng đủ. Thực tế, ngay cả sinh viên năm thứ 3 cũng đã được các doanh nghiệp săn đón về làm việc, nhất là ở lĩnh vực thiết kế vật lý và kiểm thử chip. Tuy nhiên, cơ hội rộng mở nhưng ngành vi mạch bán dẫn cũng đòi hỏi rất cao ở người học về năng lực và tố chất. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Không phải trường đại học nào cũng đủ điều kiện đào tạo và không phải sinh viên nào cũng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của lĩnh vực này. Sinh viên cần nền tảng Toán, Lý, Hóa, Tin vững, tư duy logic, đam mê công nghệ, ngoại ngữ (đặc biệt tiếng Anh) và kỹ năng mềm (làm việc nhóm, thuyết trình, quản lý dự án) tốt, đồng thời phải ham học hỏi, sáng tạo và chịu được áp lực cao.

Cơ hội rộng mở nhưng ngành vi mạch bán dẫn cũng đòi hỏi rất cao ở người học về năng lực và tố chất. (Ảnh minh họa)

Thực tế, hiện chỉ khoảng 30% sinh viên đại học ở Việt Nam theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Nhiều năm qua, đa số thí sinh THPT chọn khối xã hội thay vì tự nhiên, khiến khối kỹ thuật-công nghệ khó tuyển đầu vào. Nghịch lý là lĩnh vực rất “khát” nhân lực nhưng các trường lại không tuyển đủ sinh viên. Dù vậy, trước triển vọng lương cao và môi trường làm việc hấp dẫn của ngành chip, xu hướng này được dự báo sẽ sớm thay đổi khi ngày càng nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ chọn thiết kế vi mạch là mục tiêu tương lai.

Tuy nhiên, sinh viên cũng cần lường trước những khó khăn đặc thù của ngành. Học thiết kế chip không hề dễ, chương trình rất nặng thực hành, trong khi Việt Nam chưa có nhiều dự án và công ty bán dẫn để sinh viên thực tập, cộng thêm chi phí làm đồ án chip mẫu rất cao. Vì vậy, người học phải chủ động tìm kiếm cơ hội thực hành thông qua các đề tài nghiên cứu, các cuộc thi thiết kế chip quốc tế hoặc thực tập tại doanh nghiệp nước ngoài; đồng thời, tận dụng tối đa hỗ trợ từ phía nhà trường và doanh nghiệp (học bổng, trang thiết bị...). Hiện mức học phí các chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn tại Việt Nam dao động khá lớn, từ khoảng 16 đến 78 triệu đồng/năm tùy trường nên việc có thêm hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp được xem là “đòn bẩy” cần thiết để thu hút người học tiềm năng.

Mùa tuyển sinh đại học 2025-2026 đang đến gần, là thời điểm then chốt định hình tương lai và sự nghiệp của hàng nghìn bạn trẻ. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đây không chỉ là cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn mà còn là “tấm vé vàng” cho những ai thật sự đam mê công nghệ và khát vọng vươn xa. Dù vậy, cánh cửa này sẽ chỉ mở ra với những người đủ bản lĩnh, kiên trì và sẵn sàng bước vào một hành trình vừa vinh quang, vừa khắt khe để trở thành kỹ sư trong ngành công nghệ mũi nhọn của thế kỷ 21.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan