KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 19/04/2025 - Lượt xem: 12
Có thể xử lý hình sự tổ chức, cá nhân để "lọt" sữa giả vào trong bệnh viện

Liên quan đến việc để “lọt” sữa giả vào trong bệnh viện, luật sư cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi, vai trò và hậu quả để xem xét trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan. Không loại trừ trường hợp sẽ xử lý bằng chế tài hình sự.

 

Công nhân đóng hộp thành phẩm tại cơ sở sản xuất sữa bột giả quy mô lớn vừa bị Công an thành phố Hà Nội triệt phá. (Ảnh: Báo Công an nhân dân)

Nhiều bệnh viện thu hồi sản phẩm của công ty sản xuất sữa giả

Ngày 17/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, bệnh viện đã rà soát và phát hiện sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục các sản phẩm sữa do một trong các công ty trên sản xuất sữa giả vừa bị cơ quan chức năng triệt phá.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được sử dụng trong bệnh viện đã trải qua quá trình đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus nếu được cơ quan chức năng của Nhà nước kết luận là sản phẩm giả, thì bệnh viện và người bệnh là bên bị hại của vụ việc này.

Sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. (Ảnh minh hoạ)

Bệnh viện này cũng khẳng định đã thu hồi sản phẩm này để trả lại đơn vị cung ứng; đồng thời đồng hành cùng người bệnh yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả số tiền đã mua sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người bệnh.

Tương tự, ngày 18/4, thông tin tới báo chí, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết, qua rà soát, xác định sản phẩm sữa Hapomil được cung ứng trong bệnh viện do Công ty CP Dinh dưỡng quốc tế Happy World cung ứng thuộc danh mục các sản phẩm sữa do Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma [công ty sản xuất sữa giả - PV] sản xuất.

Sản phẩm này được đưa vào sử dụng sau quá trình đấu thầu đúng quy định pháp luật. Bệnh viện không ký kết hợp đồng trực tiếp với Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma.

Bệnh viện cũng cho hay, dù chưa có thông tin của cơ quan chức năng về sản phẩm sữa Hapomil là sữa giả hay không, nhưng để bảo đảm quyền lợi và sự an toàn cho người bệnh từ ngày 12/4, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn dừng tư vấn sử dụng và thu hồi sản phẩm này để trả lại đơn vị cung ứng.

Được biết, giá bán lẻ của những loại sữa này không rẻ, thậm chí ngang ngửa với nhiều thương hiệu sữa ngoại. Một hộp sữa bột thấp nhất từ 500.000 - 600.000 đồng, có loại 800.000 - 900.000 đồng. Dư luận đặt ra câu hỏi, bệnh viện có trách nhiệm như thế nào khi để “lọt” sữa giả, tư vấn cho bệnh nhân?

Bệnh viện chịu trách nhiệm như thế nào khi để “lọt” sữa giả?

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, trường hợp loại sữa này là một trong các loại sữa giả đã được cơ quan điều tra xác định thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm việc với bệnh viện để làm rõ quá trình tiêu thụ sản phẩm được thực hiện như thế nào. Việc bán sản phẩm vào bệnh viện này theo cơ chế nào, có tuân thủ quy định pháp luật hay không?

Từ đó, Công an sẽ xác định bệnh viện hưởng lợi gì từ hoạt động bán hàng này; việc các bệnh nhân mua sản phẩm có theo sự chỉ định, hướng dẫn hay yêu cầu của bác sĩ bệnh viện hay không? Bệnh viện có được trích lại phần trăm hoa hồng theo thỏa thuận với đơn vị cung cấp hay không?...

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

“Trường hợp có sai phạm trong việc hợp tác kinh doanh, mua bán hàng hóa gây thiệt hại cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì bệnh viện phải liên đới chịu trách nhiệm mà cụ thể là những cán bộ có sai phạm (nếu có)”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết cho biết, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ số lượng sữa bột đã tiêu thụ ở bệnh viện này, làm rõ cơ chế kinh doanh cũng như nhận thức, thông tin của những người trực tiếp làm việc với đơn vị cung cấp sữa để xác định trách nhiệm pháp lý.

Trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tất cả trách nhiệm vai trò của tất cả các tổ chức có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, trường hợp tiếp tay, giúp sức cho hành vi tiêu thụ hàng giả thì cũng sẽ bị xử lý.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy cửa hàng kinh doanh, siêu thị, bệnh viện biết rõ là sữa giả nhưng vẫn tiêu thụ vì ham chiết khấu cao, bán được nhiều thì có thể người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng. Còn trường hợp đơn vị bán hàng không biết thì có thể không phải chịu trách nhiệm pháp lý, tuy nhiên có trách nhiệm phải hoàn tiền cho khách hàng khi mua phải loại sữa giả này.

“Trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tất cả trách nhiệm vai trò của tất cả các tổ chức có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, trường hợp tiếp tay, giúp sức cho hành vi tiêu thụ hàng giả thì cũng sẽ bị xử lý”, luật sư Đặng Văn Cường lập luận.

Luật sư Cường cũng chia sẻ, có những thông tin bước đầu cho thấy các đơn vị bán hàng có thể được chiết khấu từ 40 đến 60% giá trị sản phẩm, đây là giá trị chiết khấu rất lớn cho thấy chất lượng và chi phí sản xuất không bảo đảm, nếu trung thực thì hàng này không thể bán được ở thị trường.

“Vấn đề này liên quan đến đạo đức kinh doanh và yếu tố trục lợi từ hoạt động kinh doanh bất lương. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ yếu tố lỗi, hành vi, vai trò, trách nhiệm và hậu quả để xem xét trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan, trong đó không loại trừ trường hợp sẽ xử lý bằng chế tài hình sự”, luật sư Đặng Văn Cường thông tin thêm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng chủ mưu cầm đầu là Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà cùng 6 bị can khác về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Nhằm tạo ra một mạng lưới phân phối rộng khắp, các đối tượng đã thành lập và điều hành 11 công ty khác để sản xuất và phân phối 573 loại sữa giả.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan