KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tuyên truyền-Báo chí - Xuất bản
Đăng ngày: 03/05/2025 - Lượt xem: 10
Côn Đảo – Hùng ca ý chí Việt Nam

Tối 3/5, tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Côn Đảo (1/5/1975-1/5/2025) với chủ đề “Côn Đảo – Hùng ca ý chí Việt Nam”.

 

Trước giờ lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thắp nến tri ân tại phần mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. (Ảnh: VŨ TÂN)

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước;

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội;

Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ; 600 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và thân nhân; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Chương trình do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp tổ chức thực hiện.

Cách đây 50 năm, ngày 1/5/1975, Côn Đảo – mảnh đất từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” – đã hoàn toàn được giải phóng, khép lại một chặng đường đau thương nhưng oanh liệt trong lịch sử dân tộc. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày lá cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Côn Đảo, đánh dấu thời khắc thiêng liêng mà cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui thống nhất.

Những ký ức bi tráng, tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường của những người con ưu tú nơi đây vẫn luôn trường tồn với thời gian, sống mãi trong trái tim các thế hệ hôm nay và mai sau.

Chương trình không chỉ là lời tri ân sâu sắc đến các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do, mà còn là dịp để tôn vinh những con người đã biến chốn lao tù thành biểu tượng sáng ngời của khí phách Việt Nam, và để khắc ghi hành trình hồi sinh mạnh mẽ của Côn Đảo hôm nay – một “Hòn ngọc xanh” giữa Biển Đông, mang khát vọng hòa bình và phát triển bền vững.

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Côn Đảo hoàn toàn được giải phóng nhưng những ký ức bi tráng, tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường của những người con ưu tú nơi đây vẫn luôn trường tồn với thời gian.

Chương trình “Côn Đảo – Hùng ca ý chí Việt Nam” được tổ chức không chỉ để tri ân những thế hệ đi trước, mà còn để khắc sâu vào tâm khảm mỗi người hôm nay về một Côn Đảo thiêng liêng – nơi từng là địa ngục trần gian nhưng cũng là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng tự do.

Qua từng câu chuyện lịch sử, từng giai điệu hào hùng, chương trình tôn vinh những con người đã biến lao tù thành trường học cách mạng, biến đau thương thành sức mạnh, kiên trung bảo vệ khí tiết người cộng sản.

Đồng thời, đây cũng là dịp để nhìn lại hành trình hồi sinh của Côn Đảo – từ một vùng đất thấm đẫm máu xương trở thành Hòn ngọc xanh vươn mình phát triển giữa Biển Đông, trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh chất lượng cao, tầm cỡ khu vực và quốc tế, đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tới dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: VŨ TÂN)

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Côn Đảo, chúng ta không chỉ tưởng nhớ những người đã ngã xuống, mà còn khẳng định tinh thần hào hùng bất diệt, để ngọn lửa của lòng yêu nước và ý chí kiên trung tiếp tục soi đường cho hôm nay và mai sau.

Côn Đảo không chỉ là một phần của lịch sử, mà còn là nguồn cảm hứng trường tồn cho các thế hệ tiếp nối, để niềm tự hào dân tộc mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người con đất Việt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. (Ảnh: VŨ TÂN)

Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương, trong đó, Chương 1: Bi tráng vùng đất thiêng. Côn Đảo – mảnh đất thiêng liêng, nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, đã khắc sâu trong lịch sử dân tộc những dấu ấn bi tráng.

Hơn một thế kỷ, nơi đây là chốn giam cầm biết bao chiến sĩ yêu nước, những con người mang trong tim lý tưởng lớn, sẵn sàng hy sinh vì tự do. Nhưng giữa vòng lao lý, Côn Đảo không chỉ có xiềng xích và đau thương, mà còn có khí phách kiên cường, những bản anh hùng ca bất diệt vang lên từ ngục tối.

Những vần thơ như Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh đã trở thành lời tuyên ngôn mạnh mẽ, thể hiện ý chí bất khuất của những con người nơi đây. Và trong muôn vàn câu chuyện đấu tranh, hình ảnh chị Võ Thị Sáu – người tử tù đầu tiên của nơi đây, người nữ anh hùng ra pháp trường với nụ cười kiêu hãnh – đã trở thành biểu tượng sáng ngời cho tinh thần Côn Đảo.

Chương 2: Khí phách giữa ngục tù. Côn Đảo không chỉ là chốn lao tù tăm tối, mà còn là một trường học cách mạng lớn, nơi hun đúc ý chí kiên trung của những người cộng sản.

Trong khắc nghiệt của xiềng xích, những người tù chính trị không chỉ đấu tranh bằng tinh thần sắt đá mà còn bảo vệ khí tiết của mình, biến nơi đây thành mái nhà chung, nơi sẻ chia từng bát cơm, từng giọt nước, từng niềm hy vọng. Chính giữa chốn lao tù, những tình yêu vẫn nảy nở, những mầm sống vẫn sinh sôi – những đứa trẻ ra đời trong gian khổ đã trở thành biểu tượng cho khát vọng và niềm tin vào ngày mai.

Và rồi, thời khắc vĩ đại đã đến – ngày Côn Đảo được giải phóng, những người con kiên trung năm xưa vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nhưng giữa niềm vui ấy, chúng ta không thể quên những người đã ngã xuống, những người mãi mãi nằm lại với đất mẹ Côn Đảo, để tinh thần và lý tưởng của họ sống mãi cùng quê hương, dân tộc. Tất cả đã trở thành một bản hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và khát vọng tự do.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: NHẬT BẮC/VGP)

Chương 3: Bừng sáng khát vọng tương lai. Côn Đảo hôm nay là biểu tượng cho sự hồi sinh mạnh mẽ. Sau ngày giải phóng, nhiều cựu tù đã chọn ở lại, không chỉ để tri ân mảnh đất đã tôi luyện ý chí kiên cường của họ, mà còn để chung tay dựng xây một tương lai tươi sáng.

Côn Đảo đã vươn mình trở thành Hòn ngọc xanh giữa Biển Đông, một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và những giá trị lịch sử thiêng liêng.

Tinh thần quật cường năm xưa vẫn đang chảy trong từng mạch nguồn phát triển, đưa Côn Đảo bước vào một hành trình mới – hành trình của hòa bình, thịnh vượng và khát vọng vươn xa.

Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo tham dự sự kiện. (Ảnh: VŨ TÂN)

Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tại Côn Đảo, địa danh linh thiêng, với niềm tự hào và vô cùng xúc động, chúng ta tham dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Côn Đảo, dấu mốc lịch sử hào hùng khép lại biết bao đau thương, mất mát mà rất đỗi tự hào về khí phách, quật cường, anh dũng của Côn Đảo trong 113 năm.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng gửi đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và địa phương; đồng bào, đồng chí lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Trong giờ phút thiêng liêng và cao đẹp này, chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ công lao to lớn và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc tiền bối cách mạng, các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, chiến sĩ cách mạng, đồng chí, đồng bào đã bị giam cầm, hành hạ khổ sai tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo với tinh thần chiến đấu, hy sinh cao cả, bất khuất vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Trong hơn một thế kỷ, thực dân, đế quốc đã biến Côn Đảo từ một hòn đảo thanh bình, thiên nhiên tươi đẹp thành “địa ngục trần gian” để giam giữ, tra tấn dã man những người yêu nước, cách mạng Việt Nam. Bất chấp mọi thủ đoạn thâm độc, hình phạt tra tấn cực hình, lao dịch khắc nghiệt, khổ sai, tàn bạo nhất, các chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước vẫn sáng ngời khí tiết một lòng vì nước, chiến đấu, hy sinh, bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Các đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân tại phần mộ các anh hùng liệt sĩ. (Ảnh: VŨ TÂN)

Côn Đảo đã trở thành địa danh lịch sử thiêng liêng, bất hủ, biểu tượng cao đẹp của ý chí đấu tranh, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam và là “trường học cách mạng lớn, đặc biệt” góp phần tôi luyện, đào tạo nhiều lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta trong các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Dù bị kẻ địch kiểm soát gắt gao, các tù chính trị Côn Đảo vẫn vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng, tổ chức học tập văn hóa, lý luận, sáng tạo tiến hành các hoạt động chính trị…; xây dựng lực lượng, nắm bắt thời cơ đấu tranh giành thắng lợi vào những thời điểm quan trọng; đặc biệt đã tự giải phóng Côn Đảo, vĩnh viễn xóa bỏ “địa ngục trần gian”, “lao tù, khổ sai” đã tồn tại suốt 113 năm.

Một tiết mục được biểu diễn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: NHẬT BẮC/VGP)

Thủ tướng nhấn mạnh, sau 50 Ngày giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng kiên trung, bất khuất của các thế hệ cha anh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Côn Đảo luôn đoàn kết một lòng, chung tay cùng vượt qua khó khăn, thách thức; cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quyết tâm, chủ động nắm bắt thời cơ, tìm ra cách đi phù hợp để phát triển và đạt được những kết quả nổi bật, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt 8,86%/năm; cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại với du lịch, dịch vụ, thương mại trên 92%; hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, hiện đại hơn, đời sống của nhân dân được nâng cao. Đặc biệt, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống sản phẩm chủ đạo, đặc sắc, chất lượng cao.

Côn Đảo ngày nay là vùng đất thanh bình, yên tĩnh, là hòn ngọc xanh giữa biển khơi rộng lớn, đang bừng sáng và có sức sống mạnh mẽ. Những con số trên đã khẳng định sự phát triển vượt bậc sau 50 năm giải phóng. Côn Đảo của một thời “địa ngục trần gian” “lao tù, khổ sai”, nay được thế giới đánh giá là một “thiên đường du lịch” khám phá, trải nghiệm lịch sử, tâm linh, sinh thái biển đặc sắc.

Sự phát triển của Côn Đảo không chỉ làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo địa danh lịch sử, mà còn có đóng góp tích cực trong thành tựu chung của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định vị thế là tỉnh đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và ngày càng có vai trò quan trọng hơn đối với sự phát triển của cả nước.

Một tiết mục được biểu diễn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: NHẬT BẮC/VGP)

Vai trò, tiềm năng của Côn Đảo là rất to lớn, đã được xác định rất rõ trong các định hướng, chiến lược phát triển của quốc gia và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hứa hẹn đóng góp được nhiều hơn nữa cho phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu, vùng Đông Nam Bộ, cũng như các ngành, lĩnh vực quan trọng của cả nước, đặc biệt về kinh tế biển, logistics, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái biển đảo quốc gia tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Hướng tới tương lai là tầm nhìn về phát triển nhanh, bền vững, sáng, xanh, sạch, đẹp, hiện đại tầm cỡ quốc tế trên cơ sở khai thác hợp lý, hiệu quả thế mạnh về giá trị tài nguyên, sinh thái biển, giá trị của di tích lịch sử đặc biệt, giá trị nhân văn cao cả, giá trị bất khuất của các chiến sĩ cách mạng để trở thành khu du lịch quốc gia tầm cỡ khu vực và quốc tế, Côn Đảo cần chú trọng hình thành hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối với đất liền và quốc tế, phát triển đô thị thông minh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, gắn với nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, đào tạo, y tế và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một tiết mục văn nghệ được biểu diễn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: NHẬT BẮC/VGP)

Lịch sử hào hùng của Côn Đảo không chỉ để lưu giữ trong ký ức mà còn phải có trách nhiệm cao cả, niềm tin và hy vọng sự tự hào anh dũng và trở thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực, truyền cảm hứng để tiếp tục phát triển quê hương, đất nước mạnh mẽ, nhanh, bền vững hơn nữa.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát triển bao trùm, toàn diện các địa danh có ý nghĩa lịch sử và giá trị tinh thần, vật chất cao cả đặc biệt như Côn Đảo để xứng đáng với công lao, hy sinh xương máu cao cả của các bậc tiền nhân, các chiến sĩ trung kiên, bất khuất, anh dũng và kiên cường.

Thủ tướng nêu rõ, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi, đòi hỏi chúng ta càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn; trước hết là thực hiện thành công cách mạng về tổ chức, bộ máy; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu, rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh tăng trưởng trên 8% năm 2025 và hai con số những năm tiếp theo; tổ chức thành công đại hội đảng các cấp.

Chúng ta không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Côn Đảo là sự kiện có nhiều ý nghĩa đặc biệt, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết chiến, quyết thắng, niềm tin về lịch sử hào hùng, ý chí tự hào Việt Nam, tri ân công lao của các thế hệ đi trước, để thấy rõ trách nhiệm với đất nước, quê hương, quyết tâm lập những kỳ tích mới hào hùng và oanh liệt hơn; thực hiện thành công các mục tiêu đề ra đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới, giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

* Trước giờ lễ kỷ niệm, Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo, đại biểu đã thắp nến tri ân tại phần mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan