KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 10/12/2024 - Lượt xem: 20
Đa dạng hóa hoạt động để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ II (2019-2024); triển khai chương trình hành động nhiệm kỳ III (2024-2029), thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về di sản văn hóa.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam cho biết: Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1260/QĐ-BNV ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Nội vụ, là quỹ xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận trên nguyên tắc tự tạo vốn từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên, các nguồn vận động tài trợ và đóng góp hoàn toàn tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Quỹ hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Sau khi được thành lập, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam đã xin gia nhập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và trở thành tổ chức thành viên của Hội.

Đánh giá về những kết quả nổi bật của Quỹ trong nhiệm kỳ II, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ khẳng định: Bên cạnh việc tiếp tục bảo toàn được vốn ban đầu, Quỹ đã có nhiều hoạt động năng động, sáng tạo để tăng nguồn thu, phát triển nguồn vốn và từ đó tài trợ hơn 10 tỷ đồng cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm, trưng bày, triển lãm về di sản văn hóa; tặng ảnh Bác Hồ và ảnh các đồng chí lãnh đạo cho nhiều địa phương, đơn vị; tham gia tích cực vào việc tổ chức 2 cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ nhất - năm 2023 và lần thứ hai năm 2024-2025; thành lập và phát triển Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam và ở một số quốc gia khác; quan tâm đến công tác thiện nguyện, vận động các tổ chức và cá nhân tài trợ cho đồng bào bị thiệt hại trong cơn bão số 3 Yagi…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ phát biểu.

Quỹ cũng đã xác lập được mối quan hệ mật thiết, giúp đỡ lẫn nhau với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam mà Quỹ là tổ chức thành viên, tạo mối quan hệ với các địa phương, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam đã được nhận nhiều Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh, thành phố.

“Những kết quả đó tuy mới là bước đầu, nhưng đã để lại những kinh nghiệm quý báu và là động lực để Quỹ tiếp tục làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ tới” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Bước vào nhiệm kỳ III, Quỹ xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chung là tăng cường, củng cố một cách hợp lý, hiệu quả tổ chức và nhân sự của Quỹ; đẩy mạnh phát triển, tăng cường nguồn vốn của Quỹ thông qua việc thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các chương trình, dự án, sự kiện, là đầu mối kết nối giữa nhà đầu tư và chủ sở hữu di sản trong việc thực hiện các dự án về di sản văn hoá; đa dạng hóa các hình thức hoạt động để vừa bảo toàn được vốn, vừa có kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong khả năng, điều kiện cho phép.

Trước mắt, Quỹ tập trung vào một số công việc cụ thể như: Hoàn thiện về mặt tổ chức và nhân sự của Quỹ nhiệm kỳ III; Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Quỹ; Xây dựng Quy chế Tổ chức và hoạt động của Quỹ; Quy chế về sử dụng nguồn kinh phí của Quỹ; phối hợp Hội Di sản Văn hóa Việt Nam hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn cho các tổ chức cơ sở, đơn vị thuộc Hội về Luật Di sản văn hóa; tiếp tục triển khai một số công việc đang thực hiện như: quy hoạch lò gốm ở Ninh Bình, nâng cấp di tích về Bác Hồ ở Thạch Thất (Hà Nội)…; phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Dự án giáo dục về bảo tồn di sản văn hóa; thực hiện Dự án Nghiên cứu và triển khai ứng dụng di sản áo dài vào đời sống; nghiên cứu thành lập một số tổ chức thuộc Quỹ theo quy định của Điều lệ Quỹ và quy định của pháp luật…

Ra mắt Hội đồng Quản lý Quỹ nhiệm kỳ III.

Hội nghị đã ra mắt Hội đồng Quản lý Quỹ nhiệm kỳ III theo Quyết định số 863/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 26/11/2024, gồm 5 thành viên: ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch; ông Tô Văn Động, Phó Chủ tịch; ông Trịnh Thanh Giảng, Phó Chủ tịch; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Thành viên; ông Nguyễn Văn Mạc, Thành viên.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trịnh Thanh Giảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý Quỹ khẳng định: Nhiệm kỳ III của Quỹ cũng là nhiệm kỳ mang tính bản lề, bởi đây là giai đoạn đất nước được xác định sẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì thế, Quỹ càng cần có những hoạt động đi vào thực chất và hiệu quả. 20 năm hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tạo ra một hệ sinh thái lớn và chặt chẽ với nhiều đơn vị, tổ chức, nên tiềm lực của Quỹ đang rất mạnh. Quỹ cần có sự kết nối với các nguồn tài nguyên để thực hiện chức năng, sứ mệnh của mình, góp phần cùng chấn hưng văn hóa quốc gia...

Hội nghị cũng đã ra mắt Ban Giám đốc Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ nhiệm kỳ III, đồng thời khai trương website mới của Quỹ tại địa chỉ: quydisan.vn.

Hội đồng Quản lý Quỹ đã thống nhất về Trụ sở của Quỹ tại 2 địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà Á Châu Group, lô 08 phố Nguyễn Cảnh Dị, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội để tổ chức các sự kiện quan trọng của Quỹ; Tầng 2, Trung tâm Thương mại Hàng Da, số 1 Hàng Da, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội làm địa chỉ làm việc thường xuyên và giao dịch hàng ngày của Quỹ.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan