NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2025) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2025)
Đoàn thể và các Hội
Đăng ngày: 24/07/2025 - Lượt xem: 27
"Dân vận khéo 1+10” ở Hưng Yên - cách làm sáng tạo, việc khó hóa dễ

Mô hình "Dân vận khéo 1+10" có nội dung cốt lõi là: Mỗi cán bộ, đảng viên đóng vai trò “1” chủ động vận động, hỗ trợ, kết nối, đồng hành với “10” hộ trong thôn, tổ dân phố.

Mô hình “Dân vận khéo 1+10” giúp nhiều hộ dân có thêm kiến thức, cảnh giác trước những thông tin xấu độc, thoát được bẫy lừa đảo qua mạng. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Trong dòng chảy đổi mới toàn diện của hệ thống chính trị, tỉnh Hưng Yên đã và đang tạo ra nhiều cách làm mới, sát dân, hợp lòng dân.

Nổi bật là mô hình “Dân vận khéo 1+10” triển khai sâu rộng tại các thôn, tổ dân phố, nơi tiếng nói của người dân được lắng nghe và phát huy thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của cộng đồng.

Mô hình "Dân vận khéo 1+10" có nội dung cốt lõi là: Mỗi cán bộ, đảng viên đóng vai trò “1” chủ động vận động, hỗ trợ, kết nối, đồng hành với “10” hộ trong thôn, tổ dân phố.

Từ đó, thiết lập được mạng lưới gắn bó tự nhiên giữa đảng với dân cùng nhau chia sẻ và đồng thuận trong hành động.

Đây không chỉ là mô hình dân vận theo chiều ngang mà còn là quá trình kết nối theo chiều sâu, đưa công tác vận động quần chúng trở nên cụ thể, mềm mại, thấm đượm tính nhân văn và mang đậm tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.”

Bác Hồ đã chỉ rõ sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Tinh thần đó một lần nữa được cụ thể hóa qua mô hình “Dân vận khéo 1+10” do tỉnh Hưng Yên tiên phong triển khai.

Không phải là khẩu hiệu, mô hình trở thành một phương thức tổ chức thực tiễn sáng tạo, giúp Đảng không chỉ gần dân hơn mà còn xây dựng niềm tin vững bền từ lòng dân, đúng với tinh thần “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.”

Với tinh thần này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu 3 bài viết về mô hình “Dân vận khéo 1+10” của tỉnh Hưng Yên cách làm sáng tạo, việc khó hóa dễ, qua đó nêu cách làm, hiệu quả và sự sáng tạo trong thực hiện tuyên truyền, dân vận của Đảng trong bối cảnh đất nước đang cần sự đồng thuận cao thực hiện mục tiêu lớn - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài 1: Những "cầu nối đỏ" giữa Đảng và dân

Trong hành trình phát triển địa phương theo hướng dân chủ, hiệu quả và bền vững, tỉnh Hưng Yên đã tạo dấu ấn đặc biệt với mô hình tuyên truyền “Dân vận khéo 1+10.”

Đây là sáng kiến thiết thực bắt nguồn từ thực tiễn cơ sở nhưng phù hợp tình hình mới, huy động sự tham gia chủ động của đội ngũ đảng viên và tạo đồng thuận sâu sắc trong nhân dân nên nhanh chóng được triển khai rộng khắp tại các địa phương của tỉnh.

Từ thực tiễn cuộc sống đến mô hình hiệu quả

Trước yêu cầu của Trung ương, của tỉnh về việc nâng cao công tác dân vận trong tình hình mới, phù hợp bối cảnh tình hình địa phương, từ năm 2024, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên bám sát Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, Kế hoạch số 01-KH/BCĐ của Ban chỉ đạo tỉnh về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025… để đưa ra mô hình mới thể hiện sự sáng tạo cao, đầu tiên trên cả nước. Đó là mô hình “Dân vận khéo 1+10”.

Để ra đời mô hình chưa có tiền lệ này, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên đã thành lập Ban chỉ đạo, sau đó, phân công cho các thành viên thực hiện công việc: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai xây dựng mô hình; hướng dẫn thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; ban hành bộ tiêu chí cho đảng viên và người dân; hỗ trợ niêm yết bảng cam kết giữa đảng viên với các hộ được phân công phụ trách tại nhà văn hóa của thôn, tổ dân phố; hỗ trợ kinh phí tổ chức hội nghị ra mắt mô hình điểm tại các địa phương. Đồng thời phân công cán bộ, chuyên viên của Ban trực tiếp phối hợp, theo dõi mô hình tại các huyện; hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện mô hình điểm ở xã, thị trấn.

Năm 2024, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí xây dựng, ra mắt mô hình điểm “Dân vận khéo 1+10” tại 6 huyện, thị xã, thành phố: Văn Lâm, Yên Mỹ, Kim Động, Ân Thi, thị xã Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên (cũ). Năm 2025, mô hình được tiếp tục ra mắt tại 4 huyện Khoái Châu, Phù Cừ, Văn Giang và Tiên Lữ. Đến nay, 10/10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hưng Yên (cũ) đã ra mắt mô hình điểm “Dân vận khéo 1+10”.

Sau khi 10 mô hình điểm “Dân vận khéo 1+10” hoạt động hiệu quả, các địa phương trong tỉnh xây dựng và tổ chức ra mắt, nhân rộng thêm nhiều mô hình trên địa bàn tỉnh.

Tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh Hưng Yên (cũ) có 92 mô hình ở 92 xã, phường, thị trấn, đạt 66,2% tổng số đơn vị cấp xã. Đáng chú ý, có 5 địa phương (Văn Lâm, Phù Cừ, Văn Giang, Ân Thi, Kim Động) xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo 1+10”, ở 100% xã, thị trấn.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, nhìn chung, các chi bộ ở thôn, tổ dân phố khi thực hiện mô hình “Dân vận khéo 1+10” đều triển khai nghiêm túc. 100% đảng viên đang sinh hoạt tại các chi bộ đều được phân công phụ trách hộ gia đình.

Số chi bộ thôn, tổ, dân phố đã phân công đảng viên phụ trách là 551 chi bộ; số đảng viên được phân công phụ trách hộ gia đình là 17.665 đảng viên; số hộ được phụ trách là 191.182 hộ.

dan-van-kheo-hung-yen-2.jpg

Các đảng viên tại thôn Duyên Linh, xã Đình Cao (cũ) nay là xã Tiên Tiến, Hưng Yên đến nhà các hộ dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách và lắng nghe ý kiến của nhân dân để tham mưu các cấp chính quyền có những quyết đáp phù hợp. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Những “điểm nóng” chuyển mình nhờ dân vận

Thôn Ngô Xuyên, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (cũ) có dự án Khu đô thị Hoàng Vương. Khi triển khai dự án, một số hộ dân ở đây chưa đồng tình với phương án đền bù hỗ trợ thu hồi đất của địa phương. Nhiều hộ dân mời luật sư, cơ quan báo chí để bảo vệ quyền lợi, thậm chí gửi đơn kiến nghị tới nhiều cấp, khiến tình hình thêm phức tạp.

Nhận thấy đây có thể phát sinh điểm nóng nếu không có biện pháp tuyên truyền vận động phù hợp, Đảng bộ thị trấn đưa mô hình “Dân vận khéo 1+10” vào cuộc.

Đảng viên Vũ Thị Thu Hằng, thôn Ngô Xuyên được giao phụ trách 10 hộ ở nơi nóng nhất kể trên. Cùng với các đoàn thể khác, chị Hằng không quản ngại sớm, tối đi từng nhà để trò chuyện về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng, người dân đồng thuận bàn giao đất.

Là người dân trực tiếp được đảng viên phụ trách, tuyên truyền, bà Nguyễn Thị Thanh, 68 tuổi, thôn Ngô Xuyên vui vẻ chia sẻ, từ khi mô hình dân vận khéo ra đời, bà luôn cảm thấy gần gũi mỗi khi tiếp đảng viên đến thăm.

“Trước đây, muốn phản ánh phải đợi đến hội nghị thôn xã. Nay có đảng viên phụ trách, có thể tâm sự, kiến nghị trực tiếp, cảm giác gần gũi như người thân trong nhà”, bà Thanh nhận xét.

Khi dân hiểu và làm theo Đảng, Như Quỳnh tiếp tục phát huy vai trò của công tác dân vận khéo với việc tuyên truyền ở các lĩnh vực khác. Mô hình tiếp tục phát huy tác dụng trong các phong trào xây dựng nếp sống văn minh.

Tại Như Quỳnh, việc vận động nhân dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định tạo nên những tuyến đường “xanh-sạch-đẹp.”

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Vương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Như Quỳnh, sau 1 năm thực hiện, người dân chấp hành tốt hơn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Không còn tình trạng tụ tập, khiếu kiện đông người, vượt cấp gây mất an ninh trật tự. Nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng.

Thời gian qua, Hưng Yên là một “tọa độ” phát triển kinh tế, xã hội so với các tỉnh lân cận. Theo đó, 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm tỉnh giải phóng hơn 1.000 ha đất để phát triển khu, cụm công nghiệp và các công trình giao thông.

Để dự án không bị tắc do chậm giải phóng mặt bằng, tỉnh Hưng Yên phát huy cao độ mô hình “Dân vận khéo 1+10”. Nhờ đó, giảm được đơn thư, khiếu kiện cũng như hạn chế phải áp dụng cưỡng chế giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Con đường Tân Phúc-Võng Phan có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hưng Yên. Tuyến đường dài 29,2km, đi qua 14 xã thuộc 3 huyện Ân Thi, Tiên Lữ và Phù Cừ (cũ), kết nối các khu vực trong tỉnh và liên kết vùng, đặc biệt là các tuyến cao tốc.

Đáng chú ý, khi tuyến đường trên chạy qua xã Đình Cao (cũ) nay là xã Tiên Tiến, bắt buộc phải di dời nghĩa trang cổ Đống Vàng của thôn Duyên Linh với khoảng 500 ngôi mộ. Đây là vấn đề hóc búa được đặt ra với chính quyền trong giải phóng mặt bằng.

Để minh chứng rõ hơn về công tác dân vận trong thực hiện dự án, chúng tôi tìm gặp đồng chí Nguyễn Đức Hợi, Bí thư - trưởng thôn Duyên Linh, xã Đình Cao (cũ).

Dáng người nhỏ nhưng trong ánh mắt luôn toát lên vẻ quyết liệt, đồng chí Hợi nhớ lại sau khi áp dụng các chính sách đền bù cùng tuyên truyền, vận động, cơ bản người dân đồng tình với dự án.

Tuy nhiên, có hộ ông Nguyễn Đình C, là trưởng chi họ, có ngôi mộ cổ hàng trăm năm không di dời theo yêu cầu tiến độ.

Trước tình huống tưởng như bế tắc, đồng chí Nguyễn Đức Hợi cùng đảng viên phụ trách nhiều lần trực tiếp đến tuyên truyền, thuyết phục. Cuối cùng, sự kiên trì đó giúp có được sự đồng thuận của ông C.

“Có những việc tưởng như phải nhờ đến cấp trên can thiệp nhưng nhờ dân vận khéo léo mà tháo gỡ được. Đây là mô hình có tác động sâu, thực chất”, ông Hợi chia sẻ và cho biết thêm, mô hình “Dân vận khéo 1+10” hay ở chỗ là khi đảng viên đến tiếp xúc, có thể trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, qua đó, kịp thời điều chỉnh hành vi, cách ứng xử làm sao đáp ứng nguyện vọng của hộ dân.

“Không có cuộc cách mạng nào bằng phẳng cả, nhưng qua việc ứng dụng linh hoạt, sáng tạo mô hình dân vận, mọi việc đã diễn ra suôn sẻ”, ông Hợi đúc rút và nói thêm: “Công tác dân vận không có điểm đầu và không có điểm cuối, không có điểm dừng.”

Đồng thời nhấn mạnh, công tác dân vận hiện nay ở Hưng Yên đã được nâng tầm mới, đòi hỏi sứ mệnh của người đảng viên trong chi bộ cao hơn so với trước, cụ thể hơn trước; giữ vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân một cách nhanh nhất, hữu ích nhất.”

Lý giải thêm về điều này, ông Hợi cho rằng đôi khi do bận công việc người dân không tiếp nhận được thông tin qua báo chí, truyền thanh của thôn, chính các đảng viên - những người mang vị trí số 1, được phân công đến với dân trực tiếp truyền đạt thông tin đến nhân dân một cách mộc mạc, dễ hiểu, dễ thực hiện từ đó họ đồng thuận, làm theo.

Hiệu quả mô hình “Dân vận khéo 1+10” ở Hưng Yên không chỉ đo bằng số liệu hộ dân đồng thuận, số vụ việc được giải quyết mà còn bằng chính sự thay đổi tư duy làm dân vận ở cấp cơ sở. Đó là kết hợp giữa công nghệ với truyền thống, chuyển từ tuyên truyền một chiều sang đối thoại, từ mệnh lệnh hành chính sang thuyết phục, tương tác, chia sẻ, từ “nói cho dân nghe” sang “nghe dân nói, cùng dân làm”./.

Nguồn: www.vietnamplus.vn

Tin liên quan