Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 vừa khép lại. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi được tổ chức song song 2 bộ đề (theo chương trình 2006 và 2018), với đề tham khảo công bố từ tháng 10/2023 và tháng 10/2024, sớm hơn nhiều năm trước.

Các thí sinh tại điểm thi Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: THẾ ANH)
Toàn hệ thống chính trị đã được huy động vào cuộc: Từ tổ chức ôn thi, thi thử, hỗ trợ ăn ở miễn phí cho đến công tác coi thi, kiểm tra, giám sát. Hơn 1,16 triệu thí sinh đã tham dự kỳ thi, tăng gần 100.000 em so với năm 2024.
Công tác tổ chức được ghi nhận là “nghiêm túc, đúng quy chế, thân thiện, an toàn”. Đây là kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị công phu, quy mô và đầy trách nhiệm - như báo cáo chính thức ngày 27/6/2025 đã nêu rõ.
Các ban, ngành liên quan tích cực phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để các thí sinh tham dự kỳ thi. Nhiều địa phương đã tổ chức hỗ trợ nơi ăn ở miễn phí cho học sinh ôn tập và thi thử theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về kinh tế, đi lại”.
Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài, đều được tạo điều kiện để tham dự kỳ thi. Như tại Hội đồng thi tỉnh Kon Tum, có thí sinh bị tai nạn, không viết được bài đã được Hội đồng thi bố trí người viết bài và thực hiện đầy đủ quy định bảo đảm thi an toàn nghiêm túc. Các ban, ngành liên quan tích cực phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để các thí sinh tham dự kỳ thi.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, ở một góc độ khác, cũng có những bất ngờ và băn khoăn. Nhiều học sinh bỡ ngỡ vì đề thi vượt khỏi những gì được ôn luyện; còn phụ huynh thì có phần lo lắng.
Em Đặng Tùng Sơn, học sinh lớp 12 chuyên Anh (Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong Nam Định, từng đoạt giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm học 2023-2024, khi Tùng Sơn học lớp 11 và dự thi cùng học sinh lớp 12; 8.5 IELTS), đã chia sẻ: "Với một đề thi trung bình, con sẽ mất khoảng từ 20 đến 30 phút để giải, nhưng với đề này con cần gấp đôi thời gian mới có thể hoàn thành. Do ngữ liệu và từ vựng của đề khó hơn nhiều so với khi ôn tập. Nhiều bạn của con đã gặp khó khăn với môn thi tiếng Anh, nhất là khi phải giải đề trong môi trường áp lực thi cử. Dù bản thân không bị thiếu thời gian nhưng con nghĩ giới hạn 50 phút sẽ là yếu tố gây thách thức lớn đối với hầu hết thí sinh".
Tương tự như vậy, với đề thi Toán hay Ngữ văn, không ít học sinh cho biết gặp khó khăn vì đề vừa quá dài, vừa cần nhiều kiến thức thực tế, lại không liên quan đến các đề thi đã được ôn luyện.
Nhiều học sinh dù không khỏi bất ngờ trước dạng đề tích hợp liên môn cũng đã dồn tâm lực để hoàn thành bài thi. Có lẽ, giữa hai luồng cảm xúc ấy, người ta thấy một điểm giao thoa: ngành Giáo dục đang nỗ lực đổi mới và học sinh lớp 12 cũng đang nỗ lực hết mình.
Thực tế, để làm được bài như ở môn thi Ngữ văn, học sinh cần có hiểu biết và cập nhật kiến thức thực tế xã hội để vận dụng vào bài thi - những tư duy còn rất mới mẻ với phần lớn trường lớp, nhất là ở các khu vực thiếu điều kiện dạy và học đồng bộ theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Xét một cách công bằng, kỳ thi năm nay là bước chuyển đầu tiên cho nên khó tránh khỏi bỡ ngỡ, áp lực, nhất là trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Không ít giáo viên cho rằng, kỳ thi năm nay không chỉ kiểm tra kiến thức, mà còn là một “bài sát hạch tâm lý” ngoài dự kiến.
2K7 là thế hệ học sinh có nhiều thiệt thòi: 3 năm Trung học phổ thông bắt đầu bằng đại dịch, học online kéo dài, chương trình thay đổi, cách thi đổi mới... Ở một nghĩa nào đó, chính những đề thi không giống như mong đợi, những bỡ ngỡ, mới mẻ, bất ngờ, những cảm giác hụt hẫng, không trọn vẹn ấy trong kỳ thi lại là khởi đầu của sự trưởng thành.
Kỳ thi tốt nghiệp chỉ phản ánh một chặng ngắn của hành trình học tập, điều quan trọng là, các học sinh đã sẵn sàng như những người leo núi luôn nỗ lực hết mình để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Đó là phẩm chất mà trường học nào cũng cần nuôi dưỡng.
Nguồn: https://nhandan.vn/