KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 19/04/2025 - Lượt xem: 10
Doanh nghiệp kiến nghị cần giải pháp linh hoạt và đồng bộ

Trong bối cảnh ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ và tiếp tục kiên trì đạt được mục tiêu tăng trưởng, các hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt để không cản trở động lực tăng trưởng kinh tế.

 

Bên cạnh việc chủ động thích ứng trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, các hiệp hội và doanh nghiệp cũng kiến nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt để không cản trở động lực tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Theo các chuyên gia, thuế đối ứng của Hoa Kỳ là tình huống chưa từng có tiền lệ và rất hiếm khi xảy ra. Hệ lụy chưa thể đánh giá hết được bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, mà cả hệ sinh thái liên quan như nhà cung ứng nguyên liệu, đơn vị gia công, logistics, tài chính, môi trường đầu tư, thu nhập người lao động… cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền. Chi phí sản xuất tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ là những thách thức lớn trong thời gian tới.

Hiệu lực của chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đã được tạm hoãn trong 90 ngày và nước này đang triển khai đàm phán với từng quốc gia. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đang nỗ lực và khẩn trương tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các ngành hàng và các doanh nghiệp liên quan.

Bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Việt Hà, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham Hanoi) cho biết, AmCham và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là hai tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong đó, VCCI đã gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ để kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump tạm hoãn việc áp thuế đối ứng đối với Việt Nam để tránh gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng xấu tới giao dịch thương mại và các hoạt động trong chuỗi cung ứng.

Theo phân tích của bà Hà, Việt Nam cần thực hiện đồng thời các nhóm chính sách giải pháp gồm thuế quan (giảm thuế nhập khẩu cho 13 nhóm mặt hàng chủ yếu của Mỹ vào Việt Nam) và phi thuế quan (chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại giấy phép, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…) trong quá trình đàm phán để đạt được kết quả tốt nhất trong thời gian 90 ngày tạm hoãn áp dụng.

Đối với các chính sách phi thuế quan, bà Hà đề cập đặc biệt đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo bà, nên cân nhắc kỹ lưỡng và không nên ban hành các chính sách tăng thuế hoặc mở rộng đối tượng chịu thuế trong thời gian này để ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và để các chính sách cắt giảm thuế quan với Hoa Kỳ thực sự có ý nghĩa.

Để ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ và tiếp tục kiên trì đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và 2 con số trong giai đoạn tiếp theo 2026-2030, Chính phủ và các bộ, ngành đã nhận diện và hỗ trợ cho các động lực phát triển kinh tế bằng các chính sách thuế thiết thực để “khoan thư” sức dân và “nuôi dưỡng” nguồn thu.

Trong bối cảnh đó, các hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt để không cản trở động lực tăng trưởng kinh tế.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam.

Dưới góc nhìn cụ thể của ngành hàng, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết, thực tế đối với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, mặc dù ngành đồ uống không chịu tác động trực tiếp như 11 ngành hàng khác nhưng cũng chịu các tác động gián tiếp, lan tỏa, đặc biệt là tiêu dùng nội địa và đầu tư trong nước.

Ngành đồ uống trong những năm gần đây phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ các tác động kinh tế thương mại toàn cầu và đồng thời từ các khó khăn trong nước như dịch bệnh Covid-19, các chính sách hạn chế và thêm nữa đang chịu áp lực trước dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với đề xuất bổ sung mặt hàng mới là nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bà Vân Anh chia sẻ, VBA đã gửi kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền với mong muốn các nhà hoạch định chính sách có thể rà soát, phân tích kỹ các tác động một cách đa chiều, toàn diện, đồng thời xem xét chưa nên bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi, duy trì sự ổn định, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI.

Cùng chung nhận định, liên quan tới thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho biết, VCCI và các hiệp hội đã gửi kiến nghị tới các cơ quan liên quan về việc cân nhắc, xem xét việc giãn, giảm và lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt cho các đối tượng chịu tác động, trong đó chưa nên mở rộng, bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp hiện nay.

Ông cũng chia sẻ quan điểm, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin, phân tích để có được những giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tích cực phối hợp các hiệp hội, cơ quan nhà nước để chia sẻ thông tin, đánh giá các tác động và đề xuất, kiến nghị.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Cũng liên quan đến các nỗ lực nội tại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đây là thời điểm khó khăn nhưng cũng là cơ hội, là thời điểm để Việt Nam và các doanh nghiệp “thức tỉnh”, đánh giá và thúc đẩy các nội lực để nâng cao tính cạnh tranh, giảm sự lệ thuộc vào bên ngoài, vượt qua khó khăn hiện tại và hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan