Sản xuất công nghiệp trong các tháng đầu năm tiếp tục cải thiện và duy trì đà tăng trưởng tốt. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 7,32% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với tốc độ tăng 9,28%. Mặc dù vậy, sản xuất công nghiệp dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng tiếp theo.

Sản xuất dây điện tại Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) Hải Dương. (Ảnh: ĐĂNG ANH)
Các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may-da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ,… hiện chiếm 30% tổng số kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Do đó, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ sẽ tác động mạnh đến hoạt động của các lĩnh vực này.
Dự báo nhiều khó khăn
Theo công bố của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2025 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%, đây được đánh giá là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2020-2025. Kết quả này cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được đà tăng tích cực từ các tháng trước.
Trưởng ban Thống kê công nghiệp và Xây dựng (Cục Thống kê) Phí Hương Nga cho biết, các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp lớn cho tăng trưởng của sản xuất công nghiệp đều tăng trưởng hơn 10%, bao gồm: Sản xuất xe có động cơ tăng 36,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 11%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 10,6%…
Tuy nhiên, một số ngành sản xuất gặp khó khăn, có chỉ số IIP giảm hoặc tăng thấp như sản xuất thiết bị điện giảm 1,1%; sản xuất đồ uống giảm 0,7%; nhất là ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tiếp tục giảm sâu 9,6%.
Về sản xuất công nghiệp quý I, 59/63 địa phương có IIP tăng trưởng so với năm 2024, trong đó các địa phương đóng vai trò trung tâm công nghiệp đều tăng khá như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Nam…
Tuy nhiên, các con số thống kê cho thấy, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I chỉ tăng 5,4% so với năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,2%), trong khi chỉ số tồn kho tăng 15,1%.
Lượng tồn kho cao sẽ tạo áp lực lên dòng tiền của doanh nghiệp để quay vòng vốn cho các chu kỳ sản xuất tiếp theo, dẫn đến giảm sản lượng sản xuất nếu không tìm được giải pháp bổ sung dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh.
Về tình hình sản xuất công nghiệp trong quý II và các tháng tiếp theo của năm 2025, theo bà Nga, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn cho nên sản xuất công nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều áp lực.
Hoa Kỳ hiện đang là thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp. Do đó, chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ tạo áp lực lớn về giá và làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường này, khiến doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu mới.
Bên cạnh đó, các thị trường nước ngoài ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn đối với các hàng hóa nhập khẩu về các tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư máy móc thiết bị với công nghệ hiện đại hơn, tuyển dụng và đào tạo lao động với yêu cầu cao hơn, nhập nguyên vật liệu đầu vào chất lượng hơn, xanh hơn,… điều này cần lượng vốn lớn hơn. Những yêu cầu này tạo ra áp lực lớn với doanh nghiệp.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Hoa Kỳ đã tạm hoãn mức áp thuế 46% lên hàng xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, theo các chuyên gia, 90 ngày không phải khoảng thời gian dài để đàm phán một chính sách thương mại giữa hai quốc gia. Trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ không gia hạn thời gian tạm hoãn áp thuế 90 ngày với các nước chưa đạt được thỏa thuận với Washington.
Theo Phó Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) Nguyễn Ngọc Thành, nhiều ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh đàm phán với Mỹ về các chính sách thuế và sớm thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
Song song với đó, các doanh nghiệp trong nước cần khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết; các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán các FTA mới và FTA nâng cấp, nhằm mở rộng thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Công tác xúc tiến thương mại cần được triển khai theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả cơ hội mở cửa thị trường trong các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực, thị trường lớn và tăng cường khai thác các thị trường mới có nhiều tiềm năng.
Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua đã có nhiều đổi mới nhờ áp dụng các phương thức xúc tiến hiện đại, như: Kết nối B2B doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài qua kênh trực tuyến; tổ chức doanh nghiệp tham dự các hội chợ trực tuyến; tổ chức đón đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mua hàng…
Hiện, Cục Xúc tiến thương mại đang xây dựng các chương trình khuyến mại tập trung quốc gia nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Chương trình khuyến mãi tập trung có thể được triển khai 2 đợt trong năm 2025 (thay vì mỗi năm 1 lần), kết hợp với các chương trình xúc tiến với nước ngoài để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp trong nước.
Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Thành kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo và các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao bắc-nam…
Các cấp, các ngành cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về công nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn gây vướng mắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo; triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tối ưu hóa công nghệ, để tiết giảm chi phí sản xuất và bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
Vụ trưởng Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công thương) Bùi Huy Sơn cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tích cực phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên; kêu gọi các tập đoàn lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối, tăng cường xúc tiến, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.
Nguồn: https://nhandan.vn/