KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 18/02/2025 - Lượt xem: 62
Giảm áp lực cho học sinh khi thi vào lớp 10

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 30) về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, nhiều địa phương đã công bố môn thi thứ ba trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Điều này giúp các nhà trường có thời gian xây dựng kế hoạch ôn tập hiệu quả, phân bổ thời gian giảng dạy hợp lý; học sinh có tâm lý vững vàng hơn.

Giờ học của học sinh lớp 9, Trường THCS Hà Huy Tập, tỉnh Nghệ An. (Ảnh MỸ HÀ)

Năm học 2025-2026 là năm học đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Thông tư 30 được xây dựng nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục năm 2019, phù hợp tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý, tổ chức tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, quy chế quy định có ba phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Với phương thức thi tuyển, học sinh thi hai môn gồm Toán và Ngữ văn; môn thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn một trong hai phương án (môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá ba năm liên tiếp; hoặc bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.

Đến thời điểm này, bên cạnh hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, nhiều địa phương đã chọn Ngoại ngữ là môn thi thứ ba, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hậu Giang, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Nghệ An, Quảng Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thái Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ,...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, đơn vị đã sớm chọn môn thi thứ ba là tiếng Anh và đề nghị các đơn vị trực thuộc tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh môn thi thứ ba vào lớp 10 để kịp thời giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh.

Trong khi đó, tỉnh Nghệ An cũng quyết định lựa chọn môn thi thứ ba là Ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp) nhận được sự đồng tình của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cho biết: Công bố thông tin sớm về môn thi thứ ba sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trường và học sinh. Việc lựa chọn tiếng Anh là môn thi thứ ba trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không chỉ phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại mà còn mang lại nhiều lợi thế cho học sinh.

Trong khi nhiều tỉnh, thành phố đã lần lượt công bố môn thi thứ ba thì Hà Nội, địa phương có số lượng học sinh thi vào lớp 10 đông nhất cả nước vẫn chưa chốt môn thi khiến nhiều phụ huynh và học sinh lớp 9 mong ngóng. Đây là kỳ thi được đánh giá áp lực rất lớn cho thí sinh khi chỉ khoảng 60% số học sinh dự thi có cơ hội đỗ vào các trường THPT công lập.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở vẫn đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2025-2026, trong đó có lớp 10. Phương thức tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội bảo đảm đúng quy định, phù hợp tình hình thực tế, không gây căng thẳng cho học sinh, đồng thời bảo đảm chất lượng dạy và học.

Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Xuân Thành cho biết: Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường chỉ đạo và giám sát trường thực hiện đúng trách nhiệm, đặc biệt việc hướng dẫn, tổ chức học sinh cuối cấp ôn thi, đồng thời tuyên truyền đầy đủ cho giáo viên, phụ huynh, học sinh về quy định dạy thêm, học thêm để giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, học sinh yên tâm học tập. Ngoài ra, các địa phương cũng cần công bố môn thi thứ 3, đồng thời vẫn hoàn thành chương trình các môn học còn lại theo đúng quy định và giúp học sinh có thời gian ôn tập, củng cố kiến thức các môn thi để dự thi hiệu quả.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan