Với việc Việt Nam là nước chịu mức thuế đối ứng cao, lên tới 46% đang gây áp lực lớn và lo lắng cho cộng đồng doanh nghiệp về khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bị tăng tồn kho, khi các đối tác Mỹ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các nước không bị áp thuế cao.

Quang cảnh tọa đàm.
Việc chịu mức thuế cao cũng có thể khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc) xem xét lại chiến lược đầu tư tại Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút vốn FDI cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu,…
Đó là những nội dung được nêu ra tại tọa đàm ứng phó thuế đối ứng của Mỹ do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 8/4 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho rằng, ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách mới sẽ áp thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa của các nước từ ngày 5/4 và áp thuế đối ứng với 60 nước kể từ ngày 9/4, trong đó Việt Nam ở mức 46%, thuộc nhóm các nước có mức thuế cao.
Nhiều dự báo cho thấy chính sách thuế mới từ Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến nhiều ngành chủ chốt của Việt Nam (điện tử, dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cũng như nông-thủy-hải sản, thép và nhôm). Những ngành hàng này chiếm tới 64,3% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm 2024.
Đây không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, mức thuế đối ứng 46%, có hiệu lực từ ngày 9/4/2025, đang khiến các doanh nghiệp rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá,... nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng nhận định: Ngành thủy sản Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy thuế quan bởi hiện kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động từ 1,5-2,1 tỷ USD mỗi năm, với mặt hàng tôm và cá tra là chủ lực. Mức thuế 46% sẽ khiến doanh nghiệp rất khó cạnh tranh, đặc biệt khi các đối thủ như Ấn Độ hay Ecuador có thể hưởng mức thuế thấp hơn.
Bên cạnh đó, theo bà Hằng, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá,... nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%.

Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Cafatex ( Hậu Giang). (Ảnh: TRẦN TUẤN)
Ở góc độ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ mức thuế quan mới của Mỹ, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Hoàng Mạnh Cầm bày tỏ mong muốn Chính phủ và bộ ngành cần có giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa của hơn 100 triệu dân Việt Nam.
Việc này nhằm bù đắp được các nhu cầu bị tiêu hụt tại thị trường Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng GDP trong nước. Cùng với đó, nghiên cứu, giảm tiếp mức thuế VAT dưới 8% với các doanh nghiệp trong nước hoặc tăng giảm trừ gia cảnh với thuế cá nhân của người tiêu dùng; chưa tăng tiền điện và một số chi phí liên đới khác.
Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính Mai Sơn nhận định, việc Mỹ tăng thuế không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam, mức thuế này còn tác động gián tiếp đến chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo đó, Việt Nam từ lâu được xem là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia nhờ chi phí thấp và vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, mức thuế 46% có thể khiến các công ty FDI, các nhà sản xuất dệt may, giày dép đang đặt nhà máy gia công tại Việt Nam cân nhắc chuyển sản xuất sang các quốc gia khác có mức thuế ưu đãi hơn, như Malaysia hay Indonesia.
Điều này không chỉ làm giảm kim ngạch xuất khẩu mà còn đe dọa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Việt Nam trong năm 2025. Cùng với đó, chính sách thuế mới của Mỹ sẽ khiến tỷ giá VNĐ với USD chịu áp lực cao, có khả năng mất giá. Điều này cũng làm gia tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, khiến các sản phẩm khó cạnh tranh hơn, làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhìn nhận đây cũng là thời điểm để Việt Nam sắp xếp lại cơ cấu ngành hàng, tăng cường năng lực sản xuất và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp. Hơn thế, đây là cơ hội để nền kinh tế nước ta điều chỉnh linh hoạt, đáp ứng tốt hơn trước những thay đổi nhanh chóng trên trường quốc tế.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, trước áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải gấp rút tìm kiếm giải pháp để giảm thiểu thiệt hại. Dù tình hình có phần bất lợi, nhưng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều thể hiện mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông,... tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật nhằm đạt mục tiêu vượt qua những thách thức, biến động của thị trường toàn cầu.
Song, để thích nghi và vượt qua, các doanh nghiệp cần có thời gian, cùng với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp, chúng ta đã sẵn sàng đối mặt với những kịch bản khó khăn nhất.
Nguồn: https://nhandan.vn/