KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 11/04/2018 - Lượt xem: 144
Hội Đông y Hưng Yên với việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư

Là tổ chức kế thừa, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc thuộc lĩnh vực đông y, đông dược, có vai trò nòng cốt trong việc phát triển nền đông y Việt Nam trên địa bàn tỉnh, kể từ khi thành lập (12/1959), qua hơn 70 năm xây dựng, trưởng thành, Hội Đông y tỉnh Hưng Yên luôn đoàn kết, phát huy thế mạnh đặc thù trong việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển y tế tỉnh nhà.

Làng dược liệu Nghĩa Trai (huyện Văn Giang)  thu hoạch hoa cúc-dược liệu chữa nhức đầu, hoa mắt. Nguồn: Internet

Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư (khóa X) “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” và Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 17/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Hội Đông y Việt Nam và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong tỉnh, Hội Đông y Hưng Yên đã đạt được những thành tích đáng kể trên các lĩnh vực hoạt động. Tổ chức bộ máy và hoạt động của các cấp hội đông y trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn. Hiện 10/10 huyện, thành phố có tổ chức hội đông y hoạt động; 53/161 xã, phường, thị trấn có chi hội đông y với tổng số hội viên là 821 người.

Trong công tác khám, chữa bệnh, các hội viên Hội Đông y tỉnh đều tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế; thực hiện theo phương châm “Đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết, không vì lợi nhuận mà làm mất đi phẩm chất, đạo đức của người thầy thuốc”. Đồng thời, với sự tôn vinh về y đức, y thuật của Đại danh y Lê Hữu Trác như một tổ nghề, các Hội viên của Hội luôn lấy 9 điều “Y huấn cách ngôn” của Hải Thượng Lãn Ông làm kim chỉ nam trong khám, chữa bệnh, từ đó, tạo được niềm tin và uy tín trong nhân dân. Vì vậy, số lượng người dân đến khám và điều trị tại các cơ sở thuộc hội đông y các địa phương ngày càng cao. Trong 10 năm qua, số bệnh nhân đến khám, điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền trong toàn tỉnh là 7.266.050 lượt người với số thuốc đã sử dụng là 12.007.550 thang thuốc. Trong đó, số bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, day, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh, giác hơi) là 1.699.850 lượt người, số bệnh nhân được khám, chữa bệnh miễn phí là 260.274 người. Một số bệnh như phục hồi hỗ trợ sau tai biến mạch máu não, liệt nửa người, phong chẩn huyết nhiệt, bệnh phụ khoa, lão khoa, tâm căn suy nhược, tỳ vị hư kém, huyết áp cao, đau vai gáy cấp tính, suy nhược cơ thể… đã được các lương y kết hợp với tiến bộ khoa học công nghệ, đạt kết quả tốt trong điều trị. Đặc biệt, nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý là phương thuốc bí truyền, gia bảo đã được các lương y cống hiến cho cộng đồng và đưa vào sử dụng đạt kết quả cao. Tiêu biểu là các bài thuốc: điều trị rối loạn tiêu hóa và bỏng độ I, II của lương y Đỗ Thế Di; điều trị bướu cổ của lương y Luyện Ngọc Lại; bó gãy xương kín của lương y Phạm Ngọc Kha; chữa bệnh gan của lương y Nguyễn Viết Sâm...

Không chỉ giỏi về chuyên môn, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thầy thuốc như mẹ hiền”, các hội viên Hội Đông y tỉnh còn có tấm lòng tương thân tương ái, luôn cố gắng tạo điều kiện giúp đỡ những người khó khăn, gia đình chính sách, trẻ em, người già… Nhiều lương y đã tự nguyện quyên góp tiền của, công sức giúp đỡ người bệnh nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh như lương y Nguyễn Phú Cửu, lương y Đỗ Văn Tuân (Khoái Châu), lương y Đỗ Văn Cần, lương y Đỗ Thị Hoa (Văn Giang), lương y Nguyễn Đức Quang (Yên Mỹ), lương y Đào Thị Nhàn (thành phố Hưng Yên)… 

Cùng với hoạt động khám, chữa bệnh, công tác quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh trồng dược liệu, trồng cây thuốc nam cũng như khai thác chế biến dược liệu được tỉnh Hội và các cấp hội quan tâm chú trọng. Hội Đông y tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành hội kết hợp với các cơ sở để xây dựng vùng chuyên canh, vườn thuốc tại địa phương, điển hình như quy hoạch vùng trồng cây dược liệu ở các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Văn Lâm, Tiên Lữ.

Bên cạnh đó, tỉnh Hội còn khuyến khích hội viên tham gia trao đổi kinh nghiệm khám chữa bệnh bằng việc tổ chức các buổi tọa đàm, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Giai đoạn 2008-2018, hội đã tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo chuyên môn, qua đó lựa chọn được hơn 20 bài thuốc bàn giao cho bệnh viện y học cổ truyền để nghiên cứu, ứng dụng, phát triển; mở được 13 lớp bồi dưỡng chuyên môn đông y, 03 lớp châm cứu xoa bóp bấm huyệt, 02 lớp y sỹ y học cổ truyền; đồng thời cử nhiều cán bộ, hội viên đi đào tạo, tập huấn ngắn hạn, dài hạn để nâng cao y thuật, hiểu rõ Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân cũng như nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển y học cổ truyền.

Để nâng cao nữa về chất lượng, phát huy tốt vị trí, vai trò của đông y trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, Thông Báo Kết luận số 154-TB/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 22-CTr/TU về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới…Trong thời gian tới, Hội Đông y tỉnh tiếp tục tập trung kiện toàn phát triển tổ chức Hội; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về y học cổ truyền cho cán bộ, hội viên nhằm nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh; phát triển các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng, duy trì có hiệu quả các vườn thuốc nam, nhân rộng mô hình xã điển hình tiên tiến về y học cổ truyền, xây dựng vùng chuyên trồng và chế biến dược liệu; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò quan trọng của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, những bài thuốc hay, kinh nghiệm chữa bệnh có giá trị...

                                 Nguyễn Điệp

 

 

 

Tin liên quan