Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi nhân dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công xã Phúc Thịnh, thành phố Hà Nội, ngày 1-7-2025_Ảnh: TTXVN
Nội hàm của đạo đức cách mạng rất rộng, bao hàm nhiều phẩm chất và đã được đề cập trong nhiều văn bản, quy định. Nếu Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9-5-2024, của Bộ Chính trị quy định rất rõ chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, thì Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị tập trung nhấn mạnh 5 phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, bởi đây là những phẩm chất hàng đầu, không thể thiếu được của cán bộ, đảng viên.
Năm phẩm chất hàng đầu của cán bộ, đảng viên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh về tư cách và đạo đức cách mạng, tư cách và bổn phận đảng viên, phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói về vấn đề này, trong đó giải thích, cắt nghĩa cặn kẽ thế nào là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tầm quan trọng của các phẩm chất nêu trên và chỉ ra biện pháp, cách thức để giáo dục, học tập, rèn luyện và thực hành. Trong tác phẩm Cần kiệm liêm chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
Cần là siêng năng, chăm chỉ, bền bỉ. Cần phải gắn với kế hoạch, nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng khi làm việc thì Cần mới có hiệu quả(1).
Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, hoang phí. Cần với Kiệm phải đi đôi với nhau. Cần mà không Kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”. Kiệm mà không Cần, làm mãi không tăng thêm, không phát triển được. Kiệm đòi hỏi không chỉ tiết kiệm của cải, tiền bạc, nguyên vật liệu mà còn phải tiết kiệm cả thời giờ, tiết kiệm sức dân, sức người. Điều cần lưu ý, Kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng(2).
Liêm là trong sạch, không tham lam. Liêm phải đi đôi với Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được. Cán bộ, đảng viên chẳng những phải thực hành Cần, Kiệm mà còn phải thực hành chữ Liêm để làm kiểu mẫu cho dân(3).
Chính là thẳng thắn, đứng đắn. Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Chính là sự hoàn chỉnh của Cần, Kiệm, Liêm(4).
Về chí công vô tư, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm”(5).
Đáng chú ý, trong 5 phẩm chất nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là 4 đức tính cơ bản của một con người, nếu “thiếu một đức, thì không thành người”(6). Do đó, mọi cán bộ, đảng viên và người dân đều cần phải học tập và thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Theo luận giải của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đức tính cần, kiệm để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, chống lãng phí trong mọi hoạt động, nhất là công tác, học tập, lao động, sản xuất; các đức tính liêm, chính để bảo vệ của công, chống tham ô, biển thủ, ăn cắp của dân khi thực hiện công vụ. Đối với phẩm chất chí công vô tư, Người chỉ rõ, đây là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, những người vừa là công bộc của dân, vừa là lãnh đạo cách mạng, phải sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ Đảng, Tổ quốc và nhân dân: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”(7). Người nhắc nhở: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân”(8).
Do vậy, trong chủ trương giáo dục toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính”(9); khi huấn thị cán bộ, đảng viên, Người yêu cầu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”(10).
Bối cảnh ra đời của Chỉ thị số 42-CT/TW
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong thời gian qua được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, kiên trì, từng bước triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, chiều sâu và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhưng có một thực tế là, tuy đã xử lý rất mạnh, có tính răn đe cao, việc xây dựng thể chế ngày càng đồng bộ, chặt chẽ, kiểm soát quyền lực ngày càng được siết chặt hơn, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có vụ việc rất nghiêm trọng
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất nhận định, để công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt kết quả như mong muốn, không chỉ đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý, mà còn phải quan tâm đến công tác phòng ngừa, trong đó, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện xử lý là quan trọng, cấp bách. Trong công tác phòng ngừa, việc giáo dục liêm chính, giáo dục đạo đức cách mạng là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Nhìn lại từ giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta đã sớm đề ra hai trụ cột (Không dám và Không thể). Sau đó, từ yêu cầu của thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung hai trụ cột mới (Không muốn và Không cần).
Đảng ta khẳng định, để công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có hiệu quả vững chắc, nhất thiết phải tiến hành đồng bộ “Bốn không” (Không dám, Không thể, Không muốn, Không cần) và trong nhiệm vụ đầu tiên của Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị cũng khẳng định lại 4 trụ cột này.
Để hiện thực hóa chủ trương quan trọng này, Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các Ban Đảng và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính. Đề án được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiếp thu nghiêm túc ý kiến định hướng của Bộ Chính trị, của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Các thành tố đạo đức quan trọng khác bao gồm “cần, kiệm, chí công vô tư” đã được đề xuất bổ sung trong Đề án, bảo đảm công tác giáo dục đạo đức cách mạng toàn diện hơn, nhất là từ khi Đảng ta chủ trương bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí, đặt nhiệm vụ phòng, chống lãng phí ngang hàng với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội làm thủ tục hành chính cho người dân_Ảnh: TTXVN
Điểm mới quan trọng của Chỉ thị số 42-CT/TW
Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị có dung lượng 6 trang, đánh giá ưu điểm, hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức cách mạng thời gian qua, đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện nhằm tăng cường mạnh mẽ công tác giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong thời gian tới. Chỉ thị số 42-CT/TW là “cẩm nang” để cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Điểm mới đáng chú ý của Chỉ thị số 42-CT/TW như sau:
Thứ nhất, Bộ Chính trị định hướng “thực hiện giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cả khu vực công và khu vực tư với nội dung và phạm vi phù hợp”.
Ngoài trọng tâm là cán bộ, đảng viên, Bộ Chính trị chủ trương giáo dục đạo đức cách mạng cho tất cả thành phần khác trong xã hội, như học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức quần chúng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, công nhân, nông dân, doanh nhân, đặc biệt là gia đình cán bộ, đảng viên, công chức. Đây là chủ trương rất mới và hoàn toàn đúng đắn, bởi có như thế mới có thể đưa văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành giá trị phổ biến trong xã hội, khắc phục tình trạng “các giá trị liêm chính, tiết kiệm, chống lãng phí chưa được xã hội đề cao” mà Chỉ thị số 42-CT/TW đã nêu. Chủ trương cũng xuất phát từ tư tưởng “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong tổ chức, cá nhân cần được giáo dục đạo đức cách mạng, Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm đến doanh nhân - lực lượng nòng cốt góp phần phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến một bộ phận doanh nhân vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự. Trong khi đó, công tác giáo dục liêm chính, giáo dục đạo đức cho doanh nhân chưa được quan tâm đúng mức; chưa có chương trình bài bản để giáo dục, vận động doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh minh bạch, không “ăn xổi, ở thì”; chưa xem chấp hành pháp luật là văn hóa để tuyên truyền, lan tỏa tinh thần liêm chính, đề cao giá trị liêm chính trong đội ngũ doanh nhân. Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10-10-2023, của Bộ Chính trị, “về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” định hướng: “Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ quan điểm “kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”; “phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng bền vững, có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội”(11); “sớm đưa kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm, thật sự trở thành động lực quan trọng nhất, trụ cột bảo đảm sự phát triển vững mạnh của nền kinh tế quốc gia”(12). Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025, của Bộ Chính trị, “về phát triển kinh tế tư nhân” chỉ rõ doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, định hướng của Chỉ thị số 42-CT/TW: Thực hiện giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cả khu vực công và khu vực tư với nội dung và phạm vi phù hợp là hết sức cần thiết.
Thứ hai, Bộ Chính trị định hướng xây dựng và đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng phù hợp với từng đối tượng để thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, học tập, thực hành của đối tượng giáo dục. Đối với cán bộ, đảng viên, Chỉ thị định hướng đưa nội dung giáo dục đạo đức cách mạng nói chung, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nói riêng thành chương trình chính khóa trong bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chương trình đào tạo cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và hệ thống trường chính trị, không lồng ghép vào các môn học khác như hiện nay. Đồng thời, Chỉ thị cũng định hướng đưa nội dung giáo dục, học tập và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thành chuyên đề sinh hoạt bắt buộc của các chi bộ bằng hình thức phù hợp và là nội dung kiểm điểm trong sinh hoạt chi bộ, cấp ủy định kỳ; là tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên hằng năm. Đối với học sinh, sinh viên, Chỉ thị định hướng “Tăng cường thời lượng, biên soạn lại nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp giáo dục, gắn với bảo đảm trung thực trong giáo dục, chống bệnh thành tích, phù hợp với từng cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân” theo hướng nâng dần cấp độ về nội dung và linh hoạt phương pháp, hình thức phù hợp với từng đối tượng. Thông qua giáo dục đạo đức, liêm chính thật sớm cho thế hệ trẻ, chúng ta quyết tâm hình thành một “thế hệ công dân mới” trung thực và liêm chính.
Bộ Chính trị định hướng phát huy mạnh mẽ vai trò của văn học, nghệ thuật trong giáo dục con người hướng đến chân, thiện, mỹ và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, chú trọng giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là các loại hình sân khấu, điện ảnh, văn học, âm nhạc, mỹ thuật...; kịp thời phổ biến tác phẩm có giá trị giáo dục cao đến cán bộ, đảng viên và nhân dân với hình thức, phạm vi, đối tượng phù hợp. Bởi lẽ, văn hóa, nghệ thuật dễ đi vào lòng người, tác động đến người xem, người nghe, người đọc một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, không áp đặt, thường là để đối tượng tự suy ngẫm và tự điều chỉnh.
Đặc biệt, Bộ Chính trị chủ trương kế thừa, phát huy hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả trong truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc(13). Chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phương thức truyền thông mới, hiện đại như các mạng xã hội: Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok,... để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Thứ ba, Bộ Chính trị khẳng định “đặc biệt chú trọng công tác giáo dục liêm chính hướng tới xây dựng xã hội liêm chính, quốc gia liêm chính với lộ trình phù hợp, góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam”. Bộ Chính trị định hướng, việc đẩy mạnh công tác giáo dục liêm chính, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân là nền tảng, tiền đề rất quan trọng, tuy nhiên đây mới chỉ là “yếu tố cần”. Để đạt được “yếu tố đủ”, chúng ta cần đề ra một mục tiêu cao hơn, tầm nhìn xa hơn, đó là “hướng tới xây dựng một xã hội liêm chính, một quốc gia liêm chính”. Một quốc gia chỉ giàu về kinh tế mà không liêm chính (tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tràn lan) thì sự phát triển đó không bền vững và cũng không phải là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hướng tới. Một Việt Nam liêm chính được hiểu là một đất nước, một xã hội có “văn hóa cao” - nơi mà tính trung thực, minh bạch, công bằng được đề cao và tôn trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Trong kỷ nguyên phát triển mới, Việt Nam không chỉ hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, mạnh về quốc phòng, ổn định về an ninh..., mà còn phải xây dựng một xã hội văn minh, công bằng, trong đó liêm chính là phẩm chất đạo đức, chuẩn mực xã hội được đề cao (đây cũng là xu thế tiến bộ chung của nhân loại). Nhiệm vụ này là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả người dân Việt Nam, đòi hỏi sự vào cuộc và chung tay của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tại cuộc làm việc với cán bộ, đảng viên, công chức Ban Nội chính Trung ương, Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, hướng tới xây dựng xã hội Việt Nam liêm chính, quốc gia Việt Nam liêm chính.
Thứ tư, về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm liên quan, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm triển khai. Các cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn việc tổ chức thực hiện đối với từng nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị, khắc phục hạn chế, chỉ giao nhiệm vụ chung chung, nội dung chỉ đạo chậm đi vào cuộc sống. Điều này thể hiện ở việc định hướng một số nhiệm vụ sau: 1- Giao Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Chương trình khung về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị; Chương trình khung về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho học sinh, sinh viên, doanh nhân và các thành phần khác trong xã hội; 2- Giao các cơ quan có trách nhiệm liên quan khác căn cứ chương trình khung để xây dựng chương trình, nội dung cụ thể, gắn với hình thức, phương pháp tổ chức giáo dục phù hợp với đối tượng của mình; 3- Giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật; khẩn trương triển khai các chương trình quốc gia về giáo dục đạo đức (Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, Chương trình quốc gia về phòng, chống lãng phí,...); 4- Giao cơ quan chủ trì triển khai quán triệt Chỉ thị là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương,... giúp Bộ Chính trị hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị; 5- Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định về xử lý kỷ luật đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không thực hiện đúng quy định của Đảng về công tác giáo dục, học tập và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Với nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, cụ thể và phù hợp với thực tiễn, tin tưởng rằng, Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16-1-2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư sẽ tạo được bước chuyển tích cực trong xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cả trong cán bộ, đảng viên và trong tất cả đối tượng của xã hội, như học sinh, sinh viên, nhà giáo, trí thức, văn nghệ sĩ, công nhân, nông dân, doanh nhân, cán bộ, công chức, viên chức... Từ đó, sẽ góp phần quan trọng giúp công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt được kết quả bền vững, hướng tới xây dựng xã hội Việt Nam liêm chính, quốc gia Việt Nam liêm chính với những giá trị liêm chính được tất cả tổ chức, cá nhân trong xã hội coi trọng và thường xuyên thực hành trong đời sống hằng ngày./.
--------------------------
(1), (2), (3), (4), Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 118, 122 - 123, 126 - 127, 129
(5) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 291
(6) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 117
(7) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 607
(8) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 295
(9) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 7
(10) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622
(11) GS. TS. Tô Lâm: “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tạp chí Cộng sản, số 1.059 (tháng 4 năm 2025), tr. 5 - 8
(12) GS. TS. Tô Lâm: “Động lực mới cho phát triển kinh tế”, Tạp chí Cộng sản, số 1.062 (tháng 5 năm 2025), tr. 13
(13) Như Lễ hội Minh thề “không tham nhũng” có tuổi đời gần 500 năm tại Đền Chùa, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Hịch văn sử dụng khi thực hiện nghi thức tâm linh nêu rõ: “Nếu lấy của công làm việc công được thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công về làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử”
Nguồn: Tapchicongsan.org.vn