Ngày 21-12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: “60 năm tác phẩm ”Đạo đức cách mạng” - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay”.

Toàn cảnh Hội thảo
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội đồng lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh; đại diện một số tỉnh, thành trong cả nước; các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí...

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung làm rõ những nội dung cơ bản của tác phẩm Đạo đức cách mạng: tính tất yếu phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng; những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; vấn đề nhận diện và đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân và ý nghĩa của tác phẩm Đạo đức cách mạng với công tác xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay. Nhấn mạnh tính thời sự, giá trị quý báu của những lời dạy, lời cảnh tỉnh trong tác phẩm Đạo đức cách mạng đối với chúng ta trong cuộc sống hôm nay, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Kỷ niệm 60 năm ngày ra đời tác phẩm Đạo đức cách mạng, là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử to lớn và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc của tác phẩm, của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đối với công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ hiện nay”.
Đã có hơn 50 báo cáo tham luận của các đại biểu, các nhà khoa học gửi về Ban Tổ chức Hội thảo. Hầu hết các tham luận đều tập trung làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản của Đạo đức cách mạng; khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm trong giai đoạn hiện nay. Một số tham luận phân tích ý nghĩa của tác phẩm đối với công tác xây dựng Đảng; với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên tại các địa phương và ban, ngành cụ thể.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe GS.TS Hoàng Chí Bảo phát biểu tham luận, khẳng định những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đạo đức cách mạng”; đồng chí Trần Văn Đông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu tham luận về việc kế thừa và vận dụng những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đạo đức cách mạng để có các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng, giáo dục đạo đức và định hướng lẽ sống cho thanh niên, góp phần xây dựng Đảng trước một bước về đạo đức; đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên phát biểu tham luận về quá trình học tập, vận dụng tư tưởng, lời chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm trong tác phẩm Đạo đức cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên…
60 năm đã trôi qua nhưng tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn quý báu, tiếp tục mang tính thời sự, đi vào cuộc sống và trở thành tư tưởng chỉ đạo cho công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ và là phương châm hành động, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay. Với tính thời sự, ý nghĩa giáo dục to lớn, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tác phẩm Đạo đức cách mạng đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác xây dựng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
TT