Hơn 1,1 triệu bức điện mật mã đã được lực lượng cơ yếu giải mã thành công, mỗi bức điện đều là một mảnh ghép quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần trực tiếp vào những chiến thắng lịch sử. Trong số đó, những mật lệnh mang tính quyết định, thể hiện sự bí mật và trọng yếu của lực lượng cơ yếu đã trở thành những chìa khóa mở ra những chiến thắng vang dội của cả dân tộc.

Bà Đặng Thị Muôn (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên của Tổ Mã dịch của Phòng Mã dịch điện báo trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong 80 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành cơ yếu đã kiên cường vượt qua muôn vàn gian khó, âm thầm hy sinh, tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững mạch máu thông tin, bảo đảm bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống. Những dòng mật mã khô khan đã góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vang dội trên khắp chiến trường, nhất là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Những giờ phút lịch sử
Tháng 4 này, có dịp trò chuyện với đồng chí Lê Hồng Huy, Trưởng phòng Tuyên huấn và Thi đua, Khen thưởng, Cục Chính trị-Tổ chức, Ban Cơ yếu Chính phủ, chúng tôi được biết, ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Chính phủ và các lực lượng vũ trang, Đảng ta đã chủ trương xây dựng hệ thống thông tin liên lạc bằng mật mã từ Trung ương đến địa phương.
Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 12/9/1945, Ban Mật mã quân sự chính thức được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu. Đây chính là tổ chức tiền thân của ngành cơ yếu Việt Nam. Từ dấu mốc lịch sử ấy, ngày 12/9 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành cơ yếu - một lực lượng đặc biệt, tuyệt đối trung thành, tin cậy, bảo đảm bí mật và an toàn thông tin.
Trong chỉ thị thành lập Ban Mật mã quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ nhiệm vụ của Ban Mật mã là phải bảo đảm: Chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng. Đây chính là những tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng của Người đối với hoạt động mật mã, đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của ngành cơ yếu Việt Nam. Những nguyên tắc này không chỉ phản ánh bản chất công tác mật mã trong thời kỳ kháng chiến mà còn xác định phương châm, nguyên tắc hoạt động của ngành cơ yếu Việt Nam trong suốt 80 năm qua, tiếp tục là kim chỉ nam cho mọi thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, ngày 21/7/1956, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về việc thành lập Ban Cơ yếu Trung ương. Tháng 8/1961, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn hết sức cam go và khốc liệt, để đáp ứng yêu cầu bảo đảm bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo trong chiến tranh, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập Ban Cơ yếu thống nhất. Chính trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng cơ yếu đã làm việc không kể ngày đêm, phát huy tinh thần mưu trí, dũng cảm, bảo đảm bí mật, an toàn, chính xác và kịp thời mọi thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy chiến dịch và các lực lượng tham gia chiến dịch. Đáng chú ý, Phòng Mã dịch điện báo, Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu đã phục vụ trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Thống soái tối cao từ tháng 3/1975 đến tháng 4/1975, với những điện mật mang tính lịch sử như:
1. Bức điện khẩn số 157 ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các quân đoàn, đơn vị, binh chủng đang trên đường hành quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc tới đảng viên, chiến sĩ. VĂN”.
2. Bức điện số 37 ngày 14/4/1975 của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, trong đó nhấn mạnh “… Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Chúc các anh khỏe! Ba”.
3. Bức điện của Bộ Chính trị do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn ký, gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch ngày 22/4/1975: “… Thời cơ để mở cuộc tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị…”.
Khoảnh khắc vinh quang nhất đến vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Lúc này, đồng chí Mai Hoa Thám và đồng chí Vọng, thuộc Tổ Cơ yếu Quân đoàn 2, đã khẩn trương truyền đi một bức điện báo cáo tin chiến thắng về Tổng hành dinh: “-10 giờ ngày 30/4, toàn bộ Lữ 203, e9, e66PB, Cx của Quân đoàn 2 đã vào Sài Gòn, chiếm lĩnh Dinh Độc Lập, bắt Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu cùng nhân viên cấp cao ngụy Sài Gòn đang họp, bắt Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng (12 giờ, giờ Sài Gòn).
- Quân đoàn 2 đang tiếp tục bố trí lực lượng
- Quân đoàn 4 đang tiếp tục chiếm lĩnh các mục tiêu. Tấn”.
Lịch sử các cuộc chiến tranh đã chứng minh rằng, việc bảo vệ bí mật thông tin không chỉ quyết định thắng lợi của mỗi trận đánh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của cả cuộc chiến. Đồng chí Lê Hồng Huy cho biết thêm, từ những bản luật mật mã còn đơn giản trong ngày đầu thành lập, ngành cơ yếu Việt Nam đã không ngừng phát triển, xây dựng hệ thống các luật mật mã ngày càng đa dạng và phong phú sau này. Một tài liệu lưu trữ tại Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn từng nhận xét về mật mã của ngành cơ yếu Việt Nam: “Phương thức lập khóa của cơ yếu Cộng sản rất phức tạp. Cho đến năm 1972, khóa mật mã cũng không có một nguyên tắc đồng nhất, vì tính chất tối mật của ngành này, chúng được bảo mật rất chặt chẽ, khiến sự hiểu biết về các nguồn tin trở nên rất hạn chế”.
Những giờ phút lịch sử ấy, khi các bức điện mật được truyền đi, không chỉ mang ý nghĩa về mặt thông tin, mà còn thể hiện những nhịp tim của cả dân tộc, đập mạnh mẽ cùng khát vọng thống nhất đất nước.
Đóng góp thầm lặng
Theo đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Cục trưởng Chính trị-Tổ chức, Ban Cơ yếu Chính phủ, trong 80 năm qua, không có một chiến dịch, trận đánh lớn nào thiếu sự phục vụ của đội quân thầm lặng - lực lượng cơ yếu, luôn kịp thời đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy và trực tiếp tham gia chiến đấu. Để giành được những chiến thắng vĩ đại đó, không thể không kể đến những hy sinh xương máu của hàng trăm liệt sĩ cơ yếu, những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp bảo vệ thông tin cơ mật, trọng yếu của Đảng; trong đó, nhiều tấm gương như Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chuẩn úy Nguyễn Văn Giai, Tổ trưởng Tổ Cơ yếu V4/49, Tình báo Miền, hy sinh ngày 26/12/1968, hay các liệt sĩ Đoàn Thị Chắt, Lê Hoàng Ninh… đã trở thành những biểu tượng sáng ngời của lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh vì Tổ quốc.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta mới có thể hiểu rõ hơn phần nào công việc vất vả, đầy cảm phục của những người lính cơ yếu. Trong cuốn Những kỷ niệm không quên, Thượng sĩ Nguyễn Văn Khôi, một thành viên trong Tổ Mã dịch của Phòng Mã dịch điện báo, Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu thường trực tại Nhà Con Rồng phục vụ Bộ Chính trị và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, có kể lại rằng: “Chúng tôi đã quen với nếp làm việc trực liên tục 24/24 và cường độ làm việc 10-12 giờ mỗi ngày. Tính chất công việc của phòng chúng tôi đòi hỏi như vậy, nhất là những mùa chiến dịch. Những lúc đó không phải là 10-12 giờ một ngày nữa mà là 14-16 giờ, thậm chí có lúc 24 giờ đối với mỗi người… Chiến thắng cuốn hút chúng tôi. Mệt nhưng phấn khởi lắm”. Ông Khôi vừa mất cách đây không lâu, trước đó là Đại úy Võ Minh Châu, Phó Trưởng ban Điện báo; và như vậy, Tổ Mã dịch năm xưa giờ chỉ còn hai thành viên là bà Đặng Thị Muôn và bà Vũ Thị Trọng. Được biết khi đó, tổ có bổ sung một số đồng chí khác, tuy nhiên, đồng chí Muôn và Trọng là những đồng chí làm việc từ ngày đầu cho đến những ngày cuối cùng của chiến dịch.
Trong cuộc gặp bà Muôn tại Hà Nội trước lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, người phụ nữ sinh năm 1948 nhớ lại, tại phòng làm việc trong khu Hoàng thành Thăng Long, Tổ Mã dịch điện báo đã mã dịch những bức điện lịch sử quan trọng của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái… gửi đến bộ chỉ huy các mặt trận và từ mặt trận báo về. Công việc của họ không chỉ là mã hóa và giải mã những bức điện, mà còn là chuyển tải những mệnh lệnh, chỉ thị chiến lược của Đảng và Nhà nước đến các chiến trường, giữ vững sự thông suốt, bảo đảm bí mật trong mọi tình huống.
Cũng vì thế mà công việc của những người lính cơ yếu như bà Muôn, nhất là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, luôn khẩn trương, dồn dập, phải tính từng giây, từng phút. Bà cho biết, những ngày cuối tháng 3/1975, để phục vụ yêu cầu của chiến trường, Phòng Mã dịch điện báo đã đưa gần một nửa quân số vào mặt trận. Lực lượng còn lại của phòng do vậy rất mỏng, lại chủ yếu là nữ, trong khi điện từ các mặt trận, các cánh quân báo về rất nhiều. Có thời điểm khi bà Muôn bàn giao công việc của đêm hôm trước cho ca sáng hôm sau, số bức điện được báo cáo lên tới 473, một con số mà bình thường họ phải mất vài ngày mới mã dịch được hết do chỉ thực hiện bằng tay, mắt và sự tập trung cao độ, hoàn toàn không có sự hỗ trợ của máy móc.
Tuy vậy, kể từ khi rời quê nhà Tiên Lữ (Hưng Yên) và bước chân vào cánh cổng Trường Cơ yếu quân đội tháng 10/1967, rồi về công tác ở Phòng Mã dịch điện báo, Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu tháng 6/1968, đến nay, bà Muôn vẫn luôn tự hào về công việc của mình: Chúng tôi có thể làm việc quên cả mệt mỏi, đói khát, mắt ai cũng thâm quầng, đỏ ngầu sau 12-16 tiếng mỗi ngày, thế nhưng đó không chỉ là vì khát vọng giành độc lập, tự do mà còn là trách nhiệm và vinh dự của một đảng viên, một người lính cơ yếu.
Sau khi trải qua những chiến dịch lớn như Đường 9-Nam Lào năm 1971, giải phóng Quảng Trị năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giờ đã ở tuổi 77, niềm vui đơn giản của người phụ nữ đã có 28 năm gắn bó với Phòng Mã dịch điện báo, là được quây quần bên con cháu, buổi chiều thi đấu trên sân bóng chuyền hơi. Điều đáng nói là dù ba người con của bà không ai công tác trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam và bản thân thi thoảng vẫn bị những cơn đau đầu hành hạ, thị lực suy giảm nhưng bà Muôn khẳng định, nếu được lựa chọn lại, bà vẫn chọn công việc với những ký tự, con số của ngành cơ yếu, tuy vất vả nhưng cũng rất vinh quang và đầy tự hào.
Vào giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975, trong niềm vui chung của cả dân tộc, có thể khẳng định lực lượng cơ yếu đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình-giữ vững sự liên lạc và thông tin mật, trở thành mắt xích quan trọng không thể thiếu trong thắng lợi cuối cùng của dân tộc.
Nguồn: https://nhandan.vn/