Chỉ trong thời gian rất ngắn, Cục A05, Bộ Công an đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng và các thủ tục hành chính, dịch vụ công bảo đảm sự thông suốt, liên tục.

Toàn cảnh cuộc gặp mặt NCA với chủ đề "An ninh mạng trong giai đoạn mới - Hợp lực bảo vệ không gian số".
Ngày 11/4, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tổ chức cuộc gặp mặt với chủ đề "An ninh mạng trong giai đoạn mới - Hợp lực bảo vệ không gian số". Phát biểu chỉ đạo tại cuộc gặp, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng A05, Bộ Công an, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội cho rằng, năm 2025 mở ra bối cảnh mới với những cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của Hiệp hội.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong bảo đảm an ninh mạng
Tại cuộc gặp mặt, Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng Cục A05, Bộ Công an chia sẻ, bên cạnh những mặt tích cực, không gian mạng còn đặt ra những nguy cơ, thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “An ninh mạng ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”.
Hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng của các nhóm tin tặc, lộ mất thông tin, dữ liệu cá nhân diễn ra ngày càng nguy hiểm. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra ngày càng phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Trước thực tiễn trên, yêu cầu công tác đặt ra đối với công tác bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng là cần thống nhất, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng.
Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII cũng đã thống nhất chủ trương điều chuyển chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng từ Bộ Thông tin và Truyền thông về Bộ Công an, trực tiếp giao cho Cục A05 tiếp nhận ở cấp Bộ; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận từ Sở Thông tin và Truyền thông.

Chỉ trong thời gian rất ngắn, Cục A05 đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng và các thủ tục hành chính, dịch vụ công bảo đảm sự thông suốt, liên tục, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp.
A05 thống kê dự kiến có 54 văn bản quy phạm pháp luật (10 Luật; 16 Nghị định của Chính phủ; 1 Quyết định của Thủ tướng, 27 Thông tư của Bộ trưởng) trong lĩnh vực an ninh mạng và an toàn thông tin cần điều chỉnh, bổ sung, hợp nhất.
Thượng tá Nguyễn Bá Sơn cho hay, đối với công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng, trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, A05 triển khai tiến hành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng và an toàn thông tin để đề xuất sửa đổi, hợp nhất, tạo hành lang thông thoáng, không gian phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
A05 thống kê dự kiến có 54 văn bản quy phạm pháp luật (10 Luật; 16 Nghị định của Chính phủ; 1 Quyết định của Thủ tướng, 27 Thông tư của Bộ trưởng) trong lĩnh vực an ninh mạng và an toàn thông tin cần điều chỉnh, bổ sung, hợp nhất. |
Hoàn thiện hệ thống quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an ninh mạng theo hướng hợp nhất, công nhận các tiêu chuẩn đã có về an toàn thông tin mạng, đổi tên các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phù hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Rà quét, đánh giá mức độ an toàn thông tin đối với toàn bộ hạ tầng mạng internet Việt Nam
Tiếp đó, theo Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, A05 tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, hệ thống ngân hàng thương mại...
Trong đó, các nội dung, lĩnh vực kiểm tra gồm việc thực hiện các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; việc đặt máy chủ, lưu trữ dữ liệu theo quy định của Luật An ninh mạng; việc triển khai các giải pháp định danh thuê bao di động, xác thực sinh trắc học tài khoản ngân hàng trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mạng; việc phối hợp trong việc ngăn chặn thư điện tử rác, cuộc gọi tác, tin nhắn rác tai các doanh nghiệp viễn thông, internet...
Đồng thời, tổ chức rà quét, đánh giá mức độ an toàn thông tin đối với toàn bộ hạ tầng mạng internet Việt Nam, an ninh, an toàn các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia.
Hợp nhất 2 Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây) thành 1 Trung tâm mới có tên gọi VNCERT trực thuộc Trung tâm An ninh mạng quốc gia của Cục A05, Bộ Công an. |
Sau khi tiếp nhận 2 Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) là các đơn vị sự nghiệp công lập của của Cục An toàn thông tin, Cục A05 đã tổ chức sắp xếp hợp nhất thành 1 Trung tâm mới có tên gọi VNCERT trực thuộc Trung tâm An ninh mạng quốc gia của Cục A05 chủ trì thực hiện hoạt động giám sát an ninh mạng trên toàn bộ không gian mạng Việt Nam; duy trì mạng lưới giám sát an ninh mạng trên toàn quốc, bảo đảm liên kết, liên thông, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa giám sát tập trung của Trung tâm VNCERT, giám sát của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet (ISP) và giám sát của chủ quản các hệ thống thông tin.
VNCERT là đơn vị chủ trì điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc; tổ chức và điều hành hoạt động của Liên minh ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng quốc gia.
Thượng tá Nguyễn Bá Sơn cho biết, A05 trực tiếp phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các loại tội phạm mạng và hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, như: hoạt động làm lộ mất, mua bán, trao đổi thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng nhằm vào hệ thống thông tin trọng yếu...
Việt Nam tổ chức Lễ ký Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng A05, Bộ Công an, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội phát biểu.
A05 đang phối hợp khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ tổ chức Lễ ký Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng tại Việt Nam năm 2025. Đây là một sự kiện hết sức trọng đại vì lần đầu tiên Việt Nam được đăng cai tổ chức ký một Công ước của Liên hợp quốc, sự kiện sẽ góp phần nhằm nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính trong năm 2025, NCA có một số trọng tâm hoạt động như sau:
Thứ nhất, Hiệp hội cần chủ động tham gia vào quá trình triển khai Nghị quyết 57, đặc biệt là trong công tác tham mưu, tư vấn công nghệ và phản biện chính sách pháp luật về an ninh mạng. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với Cục A05 và các cơ quan chức năng trong ứng phó với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thứ hai, Hiệp hội cần có các chương trình, hoạt động cụ thể để triển khai hiệu quả nhiệm vụ "Bình dân học vụ số" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số cơ bản cho người dân - đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa - góp phần thu hẹp khoảng cách số và bảo đảm an toàn trên không gian mạng.
Thứ ba, trong năm 2025, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phối hợp tổ chức Lễ ký Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng. Đây là cơ hội lịch sử để thể hiện vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu chống tội phạm mạng. Hiệp hội cần chuẩn bị nguồn lực đầy đủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan để tổ chức sự kiện một cách bài bản, hiệu quả.
Thứ tư, cần tăng cường đào tạo kỹ năng, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ, sản phẩm nội địa trong lĩnh vực an ninh mạng. Các đơn vị trực thuộc Hiệp hội cần chủ động đề xuất, thực hiện các sáng kiến, dự án có tính ứng dụng cao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và các hoạt động truyền thông đối ngoại để hình ảnh và các hoạt động của Hiệp hội được tiếp cận tới nhiều đối tượng từ người dân, doanh nghiệp đến đội ngũ chuyên gia, cán bộ chuyên trách.
Thứ năm, Hiệp hội cần phát động Giải thưởng dành cho học sinh, sinh viên toàn quốc trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng; đồng thời, triển khai chương trình giáo dục, trải nghiệm an ninh mạng cho trẻ em nhằm xây dựng thế hệ công dân số có trách nhiệm và năng lực tự bảo vệ mình trong môi trường mạng.
Thứ sáu, cần mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mạng xuyên quốc gia, tiếp cận công nghệ tiên tiến và xây dựng tiếng nói có trách nhiệm của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế về an ninh mạng.
Thứ bảy, tiếp tục mở rộng, củng cố cộng đồng hội viên - cả cá nhân và tổ chức - nhằm tăng cường sức mạnh tập thể, tạo không gian chia sẻ, hợp tác, thúc đẩy phát triển toàn diện của ngành an ninh mạng trong nước.
Nguồn: https://nhandan.vn/