KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 30/07/2021 - Lượt xem: 57
Hưng Yên dự họp trực tuyến về tình hình phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 30.7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và phương án tổ chức, triển khai các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội quyết nghị tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Dự họp tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh (Ban chỉ đạo tỉnh); Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.  

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Hưng Yên
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến sáng ngày 29.7, cả nước ghi nhận trên 128,4 nghìn ca mắc Covid-19, riêng đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận hơn 125,5 nghìn ca mắc; số tử vong là 863 ca.

Hiện nay, hoạt động truy vết gặp khó khăn tại các tỉnh khi có số ca mắc gia tăng mạnh hàng ngày. Công tác xét nghiệm, nhất là tại các tỉnh khu vực miền Tây chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu do thiếu sinh phẩm xét nghiệm, thiếu nhân lực và công tác điều phối chưa hiệu quả. Công tác cách ly còn nhiều bất cập dẫn đến lây nhiễm chéo; các doanh nghiệp chưa bảo đảm an toàn sản xuất dẫn đến lây lan dịch trong khu công nghiệp. Nhiều người dân còn lơ là chủ quan, không tuân thủ nghiêm các quy định về giãn cách xã hội...

Nhận định tình hình dịch Covid-19 thời gian tới, tại Thành phố Hồ Chí Minh số ca nhiễm có xu hướng ổn định sau đó giảm dần nhưng vẫn ở mức cao. Các tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh có số ca mắc mới tiếp tục gia tăng, tuy nhiên diễn biến dịch sẽ giảm mức độ phức tạp. Các tỉnh khác tại khu vực phía Nam dịch bệnh tiếp tục gia tăng nhanh nếu không triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, truy vết kịp thời dẫn đến quá tải hệ thống y tế, nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch, điều trị người bệnh.

Tại cuộc họp, các tỉnh, thành  phố, các bộ, ngành tập trung thảo luận biện pháp phòng, chống dịch; góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30, kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị quyết.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình của đồng bào, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả tích cực, dịch bệnh ở một số địa phương đã được đẩy lùi. 

Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là biến chủng Delta bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong tại nhiều nước, kể cả các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải xác định công tác phòng, chống dịch còn kéo dài, không lơ là, chủ quan, kể cả có vắc xin phòng Covid-19. Đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam phải nhìn nhận vấn đề một cách thực chất, sát với tình hình thực tế, để có giải pháp mới trong phòng, chống dịch cho phù hợp, kịp thời. 

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số biện pháp cần tập trung trong thời gian tới: Các địa phương ưu tiên hoạt động phòng, chống dịch, song song tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách xã hội nghiêm ngặt, tổ chức triển khai nghiêm các khu vực cách ly, phong tỏa; tăng cường giám sát, xử phạt các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền; tổ chức tốt công tác phân tầng điều trị nhằm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, giảm lây nhiễm, giảm tử vong do Covid-19 và bệnh lý nền trước đó; bảo đảm lưu thông hàng hóa, cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm đến tận hộ gia đình tại các khu vực giãn cách xã hội, khu vực phong tỏa; bảo đảm nhu cầu về chăm sóc y tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các biện pháp hỗ trợ, tư vấn về chăm sóc y tế để kịp thời hỗ trợ người dân khi có nhu cầu; tăng cường cung cấp các vật tư, thiết bị phòng, chống dịch cho các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế đang tổ chức điều trị người bệnh Covid-19. Tiếp tục khẩn trương đôn đốc tiến độ mua vắc xin, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin trong nước; ưu tiên cung cấp và triển khai việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận…
Nguồn:http://baohungyen.vn/ 
Tin liên quan