Thực hiện Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 01/3/2019 của UBND tỉnh về thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2019; Công văn số 733/UBND-KGVX ngày 01/4/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em, ngày 05/4/2019, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 886/LĐTBXH-BVCSTE&BĐG về tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại và tai nạn, thương tích trẻ em.
Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo và phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em và trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó: đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em như: Luật trẻ em, Luật Giáo dục; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng, chống bạo lực học đường...; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống; kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; giáo dục kiến thức về giới; quyền, bổn phận của trẻ em; kỹ năng phòng, tránh xâm hại và tại nạn, thương tích trẻ em cho giáo viên, học sinh, người làm việc với trẻ em; chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc xử lý, điều tra, bảo vệ trẻ em. Các nhà trường, cơ sở giáo dục cần xây dựng hòm thư góp ý để thu thập thông tin, kịp thời nắm bắt những tâm tư, ý kiến, kiến nghị của học sinh, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, nổi cộm có nguy cơ gây ra xâm hại, bạo lực để có các biện pháp giáo dục thích hợp nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm đạo đức trong nhà trường.
Các ngành, đoàn thể của địa phương và UBND cấp xã triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; phối hợp với các ngành chức năng xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương. Thiết lập đầu mối thông tin, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em tại các xã, phường, thị trấn. Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em phải có trách nhiệm báo cho cơ quan Công an các cấp hoặc UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc hoặc cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp hoặc tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vụ việc xâm hại trẻ em. Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân không báo cáo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em xảy ra tại địa phương…
Vũ Hà