KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 22/04/2018 - Lượt xem: 117
Khai mạc Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2018

Tối ngày 21/4, Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2018 đã được khai mạc trọng thể tại Khuôn viên Ban Quản lý khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên. Dự lễ khai mạc có đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Cùng dự còn có tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hiệp hội đô thị Việt Nam một số tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng; lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hưng Yên, đông đảo nhân dân và du khách.

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình nghệ thuật “Phố Hiến - huyền thoại, trầm tích phù sa sông Hồng”

Diễn văn khai mạc lễ hội của đồng chí Nguyễn Tuấn Cường, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên đã nhấn mạnh: Trải qua hàng vạn năm, sông Hồng đã cần mẫn bồi đắp phù sa làm nên vùng đồng bằng châu thổ, tạo nên Phố Hiến – Hưng Yên trù phú. Vào thế kỷ XVI – XVII, Phố Hiến là một thương cảng nổi tiếng của Việt Nam với hoạt động giao thương nhộn nhịp. Theo thời gian với những biến cố, thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến không còn là một thương cảng, trung tâm thương nghiệp nhưng những dấu tích của một thời hưng thịnh vẫn còn rất đậm nét trong các công trình kiến trúc, những tập quán, nếp sống của cộng đồng dân cư.

Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến năm nay được tổ chức từ ngày 21 – 23/4 (tức ngày 6 – 8/3 âm lịch). Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng năm du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long – Quảng Ninh. 

Tiếp đó, các đại biểu và khán giả đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc “Phố Hiến - huyền thoại, trầm tích phù sa sông Hồng” gồm 3 phần: Trầm tích phù sa sông Hồng; Phố Hiến -  linh thiêng -  lắng đọng - lan toả; Phố Hiến – bình minh ngày mới. Qua sự biểu diễn của các diễn viên đến từ Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Tự Long, Phạm Phương Thảo, Thùy Linh …, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại, lời dẫn khi mềm mại, trữ tình, lúc hùng tráng, mãnh liệt, một Phố Hiến – Hưng Yên đã được tái hiện từ buổi hồng hoang lịch sử tới thành phố Hưng Yên trẻ, đẹp, năng động, vươn lên đổi mới từng ngày…

Thả hoa đăng tại hồ Bán Nguyệt để nguyện cầu những điều tốt lành cũng là một hoạt động thu hút đông đảo du khách 

Cùng với các hoạt động văn hóa được duy trì từ nhiều năm như: Hội múa rồng, múa lân, rước kiệu, cầu kiều trên cạn, kéo co, chọi gà, cờ tướng, thả đèn hoa đăng, trưng bày cổ vật, hội thi tiếng hót chim chào mào, thả diều sáo, múa rối nước; trưng bày các đặc sản và sản phẩm nổi tiếng của vùng đất Hưng Yên, năm nay thành phố Hưng Yên tổ chức thêm hai chương trình văn nghệ quần chúng biểu diễn ca cổ và buổi biểu diễn tân nhạc, nhằm thu hút đông đảo người dân đến với lễ hội và các di tích Phố Hiến. Mặt khác, thành phố còn tổ chức hát trên thuyền tại Hồ Bán Nguyệt với những làn điệu quan họ, những bài hát mang đậm âm hưởng dân ca. Đây cũng là năm đầu tiên, diễn ra hoạt động trưng bày ảnh về Phố Hiến xưa và thành phố Hưng Yên hôm nay do Hội nhiếp ảnh thành phố thực hiện.

Sau buổi khai mạc, các lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến sẽ được tổ chức ở các di tích thuộc quần thể Phố Hiến cổ gồm Văn miếu Xích Đằng, đình chùa Hiến, Đông Đô quảng hội, chùa Chuông, đền Mẫu, đền Trần, đền Thiên Hậu, đền Mây, đền Tân La...

Thành phố Hưng Yên hiện còn bảo tồn được 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật (trong đó có 01 Khu di tích Quốc gia đặc biệt, 20 di tích xếp hạng quốc gia, 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh); gần 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị. Sự đậm đặc về di tích gắn với tâm linh, tín ngưỡng thờ nhân thần và thiên thần đã tạo cho thành phố Hưng Yên một bản sắc văn hoa sâu đậm, vừa mang tính dân tộc cộng đồng vừa mang đặc trưng riêng của địa phương; đồng thời cũng tạo cho thành phố một hệ thống các lễ hội dân gian truyền thống độc đáo, với trên 40 lễ hội được diễn ra hằng năm, đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.

TM

 

 

Tin liên quan