Thời gian như thoi đưa, mới đó mà đã 10 năm trôi qua. Có lúc chị Hoàng Thị Thủy tưởng như mình đã quên được hết cơ cực, tủi buồn với biết bao đắng cay, khó nhọc mà 3 mẹ con chị từng nếm trải và kiên cường vượt qua kể từ ngày vắng anh vĩnh viễn.
 |
chị Hoàng Thị Thủy |
Giông bão cuộc đời…
Hai mươi mốt tuổi, được sự ưng thuận của hai bên gia đình, Hoàng Thị Thủy, cô gái làng Đào Xá, xã Đào Dương, huyện Ân Thi bẽn lẽn bước lên xe hoa về nhà chồng. Cùng cảnh nhà đông con, lại thuần túy nông nghiệp nên đôi vợ chồng trẻ không nề hà việc đồng áng, sớm hôm ríu rít bên nhau, hết cấy cày, lại rau hành, lợn gà. Rồi mụn con đầu tiên cũng chào đời trong sự đón chờ của anh chị. Nhưng duyên phận ngắn ngủi, anh chị phải âm thầm đưa cháu ra đồng chỉ sau chục ngày bế ẵm, yêu thương. Xót con, thương vợ tiều tụy, anh gắng vượt lên đau buồn, làm chỗ dựa tinh thần, động viên, chăm sóc chị sớm qua biến cố đầu đời. Vết thương lòng dần nguôi ngoai, khi anh chị tiếp tục chào đón hai cậu con trai đẹp như tranh Dương Mạnh Huy và Dương Hoàng Hân. Được tiếp thêm động lực tinh thần từ các con, hai vợ chồng chị đều gắng sức làm việc gấp đôi ba lần trước đó. Rồi anh chị cũng dành dụm, vay mượn anh em, bạn bè dựng lên ngôi nhà nhỏ và khu chuồng trại chăn nuôi nho nhỏ với dự định sẽ chăn nuôi, phát triển kinh tế. Những lâng lâng hạnh phúc và hy vọng màu hồng ngày dọn về nhà mới dần nhường chỗ cho nỗi lo thường trực về cơm áo gạo tiền, nhất là khi cả Huy và Hân cùng đi học, nhu cầu tiêu pha nhiều hơn. Anh chị lúc nào cũng ở trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Trông chờ vào hạt thóc, mớ rau không thể đủ. Tiền chi tiêu còn không có, lấy đâu tiền đầu tư chăn nuôi, gây dựng kinh tế? Nhiều đêm, anh chị thức trắng để bàn bạc, tính toán. Thương chồng, mỗi ngày chị lại cố ra đồng sớm hơn, nán lại muộn hơn mọi người. Chị tham công tiếc việc, tằn tiện từng gánh lúa, mớ rau. Nhưng khó vẫn hoàn khó. Thế rồi một ngày anh bàn với chị, anh sẽ theo cánh thợ xây trong làng đi làm ăn xa. Có vậy mới mong được đồng ra đồng vào đỡ chị việc chi tiêu trong nhà. Chị băn khoăn lắm, không phải chị lo mình chị ở nhà không cáng đáng được hết việc đồng áng mà bởi chị và các con đã bao giờ xa anh lâu ngày đâu. Từ ngày về làm vợ anh tới giờ, hai vợ chồng đi đâu, làm gì cũng có nhau. Nay anh đi làm ăn xa, các con lại đang tuổi lớn cần sự dạy bảo của cả bố và mẹ thì chị biết làm sao? Lần nữa mãi, rồi anh cũng đả thông tư tưởng được cho chị. Chị bịn rịn để anh đi làm ở tít tận Đồng Đăng, Lạng Sơn với lời dặn dò, nhớ viết thư và về thăm nhà thường xuyên. Quả tình, dù vất vả hơn, nhưng với một triệu mỗi tháng anh gửi về, chị đã có thể rộng tay đôi chút trong chi tiêu, thơm thảo, hiếu đễ với cha mẹ hai bên, lại qua thăm hỏi xóm giềng lúc tối lửa tắt đèn. Anh chị dặn dò, hẹn nhau để anh cố thêm hai, ba năm nữa là dành đủ tiền mua đôi lợn nái, chục đàn gà, vịt, rồi anh sẽ ở nhà cùng chị làm ăn, nuôi con.
Một buổi chiều muộn, chồng chị trở về xóm trọ sau một ngày lao động vất vả. Đang đi trên đường thì bỗng một trái bóng của mấy người chơi bên đường lạc hướng, sút thẳng vào anh. Mất lái, anh loạng choạng rồi ngã lăn ra rải phân cách đúng lúc chiếc xe tải lớn đang lao vút tới. Tiếng xe phanh gấp nghe ghê rợn. Những người chơi bóng đã lảng đi đâu hết. Chỉ còn người tài xế tốt bụng vội vã bế anh với đôi chân dập nát vào viện cấp cứu. Nhưng đã quá muộn.
Tin dữ bay về tới quê hương khi chị đang quần xắn quá gối tưới nốt ruộng rau. Hoảng hốt, lo lắng, sợ hãi. Chị bỏ lại tất cả, sấp ngửa chạy về. Ngã dúi dụi bên những luống rau, chị lại cuống cuồng đứng dậy, tiếp tục chạy. Khi người nhà đưa chị tới được Bệnh viện Lạng Sơn nhận xác anh, mọi người kể lại cho chị, anh chỉ thở to lên một tiếng rồi đi, không kịp để lại lời trăng trối nào. Đau đớn và kiệt sức. Chị ngất lên ngất xuống. Nhưng rồi cũng phải đứng dậy để lo việc hậu sự cho anh. Khi công việc đã hòm hòm, mọi người ra về cả, chỉ còn lại 3 mẹ con trong căn nhà khói hương nghi ngút. Hết nhìn di ảnh của chồng, chị lại quay sang nhìn hai đứa con côi cút, đầu trắng khăn tang. Nước mắt tưởng đã cạn khô sau mấy ngày đau đớn, tuyệt vọng tột cùng lại lã chã rơi. Thương anh xấu số mỏng phận, thương thân mình góa bụa lúc tóc còn xanh, chị lại càng thương hai con sớm mồ côi cha, rồi nay mai biết lấy ai dạy dỗ nên người. Cứ thế, chị lại lịm đi…
Trong màn mây mờ mịt và vẩn đục, chị Thủy thấy mình bước thấp bước cao đi vào vô định. Tim chị đau nhức nhối. Chị cảm giác anh và đứa con bé bỏng mới chục ngày tuổi đang ở phía trước vẫy gọi chị, chị muốn từ bỏ tất cả, muốn đi theo chồng con để giải thoát khỏi những đau đớn, khổ ải của kiếp người.
Tìm lại nụ cười
Không biết phải mất bao lâu chị Thủy mới tỉnh lại. Khi mở mắt ra, chị lờ mờ thấy hai con trai đang ngồi ôm mẹ. Thằng lớn 14 tuổi tay bê cốc nước đường, thằng bé 10 tuổi vừa lay gọi vừa ôm chặt đầu mẹ. Cả 3 mẹ con lại nước mắt nhạt nhòa. Nghe tiếng con thơ khản giọng thảm thiết “Mẹ ơi, tỉnh lại đi”, “Mẹ ơi, đừng bỏ con”, “Mẹ ơi, đừng làm con sợ”… Chị như bừng tỉnh. Trước mắt chị không phải là anh, đấy chỉ là giấc mơ tuyệt vọng của chị mà thôi. Rõ ràng, hiển hiện trước chị là hai con trai – kết tinh tình yêu của anh chị - hốc hác, xanh xao và nhức nhối màu trắng khăn tang. Chúng cần chị hơn anh. Chị phải sống. Cho các con. Cho cả phần của anh nữa. Chị xót xa ôm các con vào lòng “Mẹ đây rồi. Mẹ đây rồi. Đừng khóc nữa. Các con nín đi. Bố mất rồi. Nhưng còn có mẹ đây”.
Quãng ngày đầu không có anh thật dài. Con gà, con lợn, cái cây trong vườn cũng cứ thi nhau héo hắt, bỏ đi theo anh, để lại ba mẹ con chật vật, khó nhọc. Rồi hè qua, thu đến. Các con lại bắt đầu năm học mới, Huy thì đã bước vào năm cuối cấp II, Hân cũng ở năm cuối cấp I. Lại bao nhiêu thứ phải chi tiêu, từ mua sách vở, bút mực, quần áo mới. Học kỳ một chị còn chủ động được, đến học kỳ hai chị đã thấy cheo leo, bấn bíu. Nhìn các bạn của con xúng xính quần áo mới, đi học thêm gọi nhau ơi ới, chị cứ quặn thắt lòng. Cũng may, anh Huy già dặn trước tuổi, luôn giúp mẹ bảo ban em Hân học tập, không so bì, hoàn cảnh nhà mình khác với các bạn, phải cố vượt qua, đừng đòi hỏi nhiều làm mẹ thêm khổ. Không cần học thêm học nếm, cũng chả có sách tham khảo với bồi dưỡng, chỉ luyện tập bài vở trong sách giáo khoa mà năm nào hai anh em cũng có giấy khen về thành tích học tập.
Có lần, thấy mẹ vất vả quá, Huy lén trốn mẹ đi xin việc bên bác thợ mộc hàng xóm, được bác nhận vào cho học việc với điều kiện hàng ngày chợ búa, nấu cơm phục vụ thợ, mỗi tháng bác sẽ trả công 700 nghìn đồng. Số tiền lúc ấy quá lớn đối với ba mẹ con. Nghe Huy trình bày ý định bỏ học để đi làm, chị Thủy lại rớt nước mắt. Chao ôi, con trai chị lớn thật rồi. Nếu giờ để con đi làm thì vừa đỡ khoản học hành của con, lại có tiền lo cho Hân ăn học chu đáo. Nhưng có lẽ nào lại đành lòng dứt đi mơ ước của con chỉ vì cho chị bớt khổ? Đời chị coi như hỏng, chả nói làm gì, nhưng đời con còn dài quá, không thể để con cũng hỏng được. Khổ thế chứ khổ nữa chị cũng sẽ cố chịu, không đời nào chị đóng cánh cửa tương lai của con mình. Nén giấu đi những tâm tư chất chứa, chị nghiêm giọng: “Có ăn cháo qua ngày mẹ cũng sẽ nuôi con học bằng được, đến khi nào con không học được nữa mới thôi. Từ nay, mẹ cấm con nghĩ đến chuyện bỏ học”.
Gieo lại quyết tâm học hành cho con, chị còn kiên trì nuôi dưỡng quyết tâm đó. Một mình chị quần quật tối ngày, không phút ngơi nghỉ, cũng không một tiếng thở than, oán trách. Chị tự dặn lòng, các con rất nhạy cảm, hiếu thảo, không được để cho con thấy một phút mẹ yếu mềm, rơi nước mắt. Mình có vững thì con mới có điểm tựa chắc chắn để vươn lên. Biết con đi học vất vả, hết giờ lại vội vàng về nhà phụ giúp mẹ việc đồng áng, ít có thời gian dành cho bài vở, chị thống nhất với các con những công việc sẽ phải làm trong ngày, rồi phân công việc cụ thể cho mỗi con, kể cả thời gian phải hoàn thành để còn đi học. Sáng sớm tinh mơ, chị dậy tưới rau, rồi nấu cơm cho con ăn lót dạ trước khi đi học. Những hôm vào mùa bận rộn, tranh thủ trưa nắng, ba mẹ con thay phiên nhau rũi thóc, gảy rơm để hai người còn lại có thời gian chợp mắt cho lại sức. Có ngày, việc chưa hết, các con thương mẹ cứ cố làm thêm, chị phải giả vờ giận, buộc các con về tắm táp, nghỉ ngơi còn có sức học. Tối mịt về, có mệt mỏi, thậm chí ngủ gật thì chị vẫn thức cùng con, khi bật thêm bóng điện, lúc quạt xua ruồi muỗi, ân cần nhắc nhở con học hết bài mới cùng đi ngủ. Thương các con tuổi ăn tuổi ngủ mà không có điều kiện bồi dưỡng thức ăn ngon, chị luôn nhắc con cố ăn nhiều cơm cho khỏe. Dõi theo con từng bữa, từng ngày, nên chỉ cần hôm nào con có biểu hiện mệt, chán ăn là chị phát hiện ra ngay, không ngần ngại, chị trèo lên ổ gà trên bếp, lấy một quả trứng gà xuống để “con có thức ăn tươi”, giữ gìn sức khỏe. Mỗi tối thắp hương cho anh, trước mặt hai con, chị đều nói rất to để các con cùng nghe thấy “Anh cứ yên tâm, ba mẹ con vẫn khỏe. Các con ngoan, học giỏi. Kinh tế nhà mình tuy có xuống nhưng tinh thần ba mẹ con vẫn rất vững”.
Năm 2009, con trai lớn của chị, Dương Mạnh Huy thi đỗ cả hai trường đại học Bách khoa và Y Hà Nội với số điểm cao. Họ hàng nội ngoại, bà con lối xóm ai cũng tấm tắc khen ngợi và chúc mừng. Theo nguyện vọng của con trai, chị để Huy nhập trường Đại học Y Hà Nội. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc thời gian học sẽ kéo dài hơn và Huy cũng sẽ không thể tranh thủ làm thêm phụ mẹ kiếm tiền được. Nhưng lại một lần nữa chị cứng cỏi động viên con không phải bận tâm, mẹ sẽ lo được cho con và em. Cũng năm ấy, Huy là một trong 25 học sinh xuất sắc của tỉnh Hưng Yên được nhận giải thưởng Hoa trạng nguyên, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp mặt, chúc mừng và tặng quà. Cầm chiếc phong bì quà tặng của Chủ tịch nước từ tay con trai, chị run run xúc động đặt lên trước bàn thờ anh, mời anh về chứng kiến thành quả đầu tiên từ công lao dạy dỗ, chăm lo cho con ăn học. Đấy cũng là lần chị không giấu được giọt nước mắt trước mặt hai con.
Vắng con trai lớn, con trai út lại cũng vào cao điểm ôn thi những năm cuối cấp, công việc càng đè nặng lên đôi vai chị. Một mình chị cày sâu cuốc bẫm, tối không rõ mặt người vẫn ở ngoài đồng. Về nhà, chị lại cố chăm thêm đàn gà, đàn vịt, con lợn để có nguồn vốn dự phòng mỗi lúc nộp học cho con. Nhưng rồi các khoản tiền phải lo cứ mỗi lúc một lớn thêm, nhất là khi Hân lại tiếp tục đỗ Đại học Sư phạm Kỹ thuật Khoái Châu. Quyết tâm nuôi con ăn học, dù chưa một lần xa nhà, chị vẫn xin phép mẹ chồng cho mình đóng cửa nhà, đi làm thuê để có tiền nuôi con. Chị làm mọi việc có thể, từ đi dọn nhà thuê, rồi nhận dán phong bì thuê cho một xưởng thủ công ở Hà Nội. Nhiều lần, đến thăm mẹ thấy trời nóng bức, chỗ làm việc chật chội mà tiền lương vẫn ít ỏi, bèo bọt, Huy tha thiết giục mẹ về đi, học bổng chưa đủ thì để chúng con đi làm thêm buổi tối, mẹ gầy yếu lắm rồi. Chị cứ phải gạt phắt đi, mẹ đã cố được đến giờ phút này rồi, trồng cây sắp đến ngày ăn quả, các con thương mẹ thì phải cố chăm học hơn nữa…
Cũng may, đến năm 2013, em trai chị xin được cho chị vào làm vệ sinh ở một công ty may Hàn Quốc đặt tại huyện Kim Động với mức lương 3,4 triệu một tháng. Công việc vất vả, đi sớm về muộn hơn công nhân, lúc nào cũng luôn chân luôn tay, nhưng chị phấn khởi lắm, không một lời kêu ca. Mỗi lúc các con xót lưng mẹ mỏi, tay mẹ chai sần, chị lại cười tươi bảo với các con so với công việc dán phong bì ở ngoài Hà Nội thì tốt hơn nhiều rồi, vẫn có thời gian ở nhà đồng áng và nhất là hương khói cho bố được đều đặn, sớm tối vẫn còn có lúc thăm nom được ông bà nội ngoại, trò chuyện được với xóm làng mà lương thì lại cao hơn, trưa lại được công ty hỗ trợ tiền ăn nữa. Chị chỉ đôi chút băn khoăn, hồi này sao chủ nhật nào Huy và Hân cũng về nhà, cứ ăn xong lại đóng cửa hì hụi làm gì mà không nói cho mẹ biết như mọi khi.
Sau bao ngày vất vả, chạy vạy vay mượn tiền nuôi con ăn học, tháng 7 năm 2015, con trai lớn của chị Thủy đã kết thúc 6 năm miệt mài rèn luyện tại giảng đường Đại học Y, được Đảng bộ Nhà trường cho học lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng. Nhận giấy của nhà trường mời đi dự lễ trao bằng tốt nghiệp của con trai, chị cứ xốn xang, luýnh quýnh. Rồi tin vui nối tiếp tin vui đến với chị. Chị gái chị đã dồn được hơn 60 triệu đồng cho chị vay lâu dài để trả nợ ngân hàng tiền vay vốn ưu đãi cho học sinh, sinh viên học tập. Đầu tháng 8, cháu Huy được nhận thử việc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Cuối tháng 8, cháu Hân báo cáo mẹ, với sự giúp đỡ ôn luyện bài vở của anh Huy mỗi thứ bảy, chủ nhật, cháu đã thi đỗ Khoa Hóa Dầu, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành học cháu mơ ước bấy lâu. Bà con, lối xóm nghe tin lại quây quần quanh chị chúc mừng, mỗi người mừng cho cháu ít quà cũng đủ để đóng học đầu năm. Đầu tháng 9, cháu Huy mang về nhà, đưa tận tay mẹ tháng lương đầu tiên để dâng lên bàn thờ thắp hương báo cáo với bố. Thời gian tới, Huy sẽ tiếp tục được học nâng cao nghiệp vụ tại Bệnh viện Sản Trung ương 2 năm…
Khúc vĩ thanh hạnh phúc
Cách đây tròn 10 năm, chồng chị Thủy đã bỏ lại vợ dại, con thơ và bao nhiêu dự định, ra đi mãi mãi sau một tai nạn oan nghiệt. Những tưởng chị sẽ ngã quỵ trước dập vùi giông bão của số phận. Nhưng chính tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp chị đứng vững và nuôi dạy hai con dần trưởng thành. Thành quả hôm nay chưa phải thật nhiều song đủ để chị có thêm niềm tin và sức mạnh tinh thần, tiếp tục nâng đỡ hai con dang rộng cánh vào đời.
Mỗi sáng trên con đường đông đúc người xe, tiếng còi ô tô, xe máy inh ỏi tuýt lên chói óc, chị Thủy vẫn lặng lẽ, khiêm nhường đạp xe tới công ty, rồi nhanh chóng mặc chiếc áo bảo hộ, cầm chổi quét dọn, lau chùi sạch sẽ. Không một buổi nghỉ phép. Không một lần chậm muộn. Không một ai phải phàn nàn về công việc của mình. Cũng không một bữa bỏ cơm ăn. Để mình không bao giờ bị ốm đau hay tốn một viên thuốc. Chị còn rất nhiều việc cần làm.
Mỗi chiều, khi hoàng hôn đã tắt rất lâu, chị Thủy mới cởi bỏ bộ quần áo lao động, thanh thản dắt xe ra về. Bóng chị nhỏ bé khuất xa khỏi cánh cổng công ty to lừng lững, sắt thép chọc trời. Bóng tối đổ xuống rất nhanh, ụp vây quanh chị. Nhưng chị không hề sợ hãi, cũng không hề có cảm giác đơn độc. Chị biết, đi thêm một quãng ngắn nữa thôi là sẽ về tới nhà, chị sẽ bật cả bóng điện khi xưa tự tay anh lắp, cả bóng điện cháu Huy vừa lắp thêm cho mẹ tận ngoài cổng. Căn nhà chị sẽ lại sáng bừng lên…
Hoàng Thị Thanh Mai