Những năm qua, phát huy phẩm chất Bộ đội Trường Sơn anh hùng, cán bộ, hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh đã tích cực nêu gương sáng, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống và có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Ngày 19/5/1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) chính thức được Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Đoàn 559 đã vượt qua mưa bom, bão đạn, thời tiết khắc nghiệt vận chuyển hàng vạn tấn quân lương, đạn dược, bộ đội vào chiến trường. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên 2 vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn hy sinh, hơn 32.000 cán bộ, chiến sĩ bị thương và hàng chục vạn người bị nhiễm chất độc da cam. Ghi nhận những cống hiến của Bộ đội Trường Sơn, Đoàn 559 đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước. Ngày 19/5 đã trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và đi vào huyền thoại như một bản anh hùng ca chói lọi của cả dân tộc trong thời kỳ chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh thăm, tặng quà cho hội viên
Trong 16 năm trên con đường Trường Sơn huyền thoại dài gần 2.000km, tỉnh Hưng Yên đã đóng góp cho chiến trường vô vàn sức người, sức của. Hàng nghìn người con Hưng Yên đã anh dũng ngã xuống hoặc bỏ lại một phần xương máu trên dãy Trường Sơn huyền thoại. Nhắc đến những kỷ niệm thời hoa lửa, ánh mắt người lính lái xe Trường Sơn năm xưa Nguyễn Văn Hạnh ở xã Minh Châu (Yên Mỹ) lại rực sáng với những ký ức hào hùng. Nhiệm vụ của ông Hạnh khi ấy là lái xe vận chuyển vũ khí, thực phẩm, chiến sĩ… vào chiến trường miền Nam. Hằng ngày, đoàn xe xuất phát từ xế chiều đi xuyên đêm cho tới sáng. Với người lính lái xe Trường Sơn, máu có thể đổ, người có thể hy sinh nhưng nhiệm vụ giữ và bảo vệ an toàn cho xe và hàng hóa phải được ưu tiên số một. Đường Trường Sơn gập ghềnh bởi bom cày đạn xới, những hố bom vừa mới kịp vá, thậm chí có chỗ còn chưa kịp san lấp. Một bên là đèo cao, một bên là vực sâu, địa hình hiểm trở, di chuyển vào ban đêm nhưng lái xe chỉ được sử dụng đèn gầm xe chiếu sáng trong cự li chừng 3m để tránh bị địch phát hiện. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng các chuyến xe dọc đường Trường Sơn chưa bao giờ dừng lại. Ông Hạnh chia sẻ: Là những người lính từng vào sinh ra tử ở những chiến trường khốc liệt, chúng tôi thực sự may mắn được trở về, được sống trong hòa bình. Nhiều đồng đội của chúng tôi còn nằm lại nơi chiến trường, nhiều người trở về thân thể cũng không còn nguyên vẹn.
Xuất phát từ mục đích xây dựng một "mái nhà chung" cho những người lính, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên được thành lập năm 2012. Đây chính là nơi gặp gỡ, trò chuyện, ôn lại truyền thống và hỗ trợ nhau trong cuộc sống của người lính Trường Sơn một thuở. Đến nay, hội có hơn 3.200 hội viên tham gia sinh hoạt tại tổ chức hội của 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hơn 10 năm qua, hoạt động của hội luôn bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích và hiệu quả.
Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Song Mai (Kim Động), bà Phạm Thị Lương là bộ đội Trường Sơn có nhiều năm phục vụ trên cung đường huyền thoại năm nào kể cho chúng tôi nghe về niềm vui từ ngày tham gia sinh hoạt Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Bà Lương chia sẻ: Kể từ ngày thành lập hội đến nay, những người có chung kỷ niệm về Trường Sơn như chúng tôi có cơ hội giao lưu gặp gỡ, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Từ thông tin qua tổ chức hội, nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã được trợ giúp kịp thời. Có thể kể đến như trường hợp bà Trần Thị Châm, xã Quang Vinh (Ân Thi). Bà Châm là chiến sĩ Trường Sơn nhưng hoàn cảnh có nhiều éo le. Căn nhà ở của bà đã xuống cấp nhiều năm mà vẫn chưa có điều kiện để sửa sang. Năm 2020, được các đồng đội ở Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hỗ trợ 25 triệu đồng cùng với số tiền tích góp của bản thân, bà đã xây dựng ngôi nhà mà mình mơ ước bấy lâu nay. Giờ đây, được ở trong ngôi nhà khang trang là nguồn động viên to lớn để bà Châm tiếp tục tham gia vào các hoạt động của hội, mang một phần sức nhỏ của mình tiếp tục giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn…
Với trọng trách và nghĩa tình đồng đội, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện các hoạt động nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2012 đến nay, hội đã hỗ trợ, giúp đỡ xây mới, sửa chữa nhà cho 26 hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với số tiền hơn 1 tỷ đồng; trao tặng hơn 1.000 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhân các ngày lễ, tết và những lúc ốm đau, hoạn nạn. Các cấp hội đã vận động quyên góp, ủng hộ 96 triệu đồng và sách vở, quần áo... cho đồng bào vùng lũ lụt. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hội đã ủng hộ 200 triệu đồng để chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch. Ngoài ra, các cấp hội còn chủ động đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách; tổ chức các hoạt động thăm, khám sức khỏe miễn phí cho hội viên; giúp đỡ nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng…
Đồng chí Phan Văn Mười, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đoàn kết, làm tốt việc giúp đỡ các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Mỗi hội viên cần phát huy vai trò, trách nhiệm để xứng đáng là gương sáng trong các gia đình, dòng họ; tích cực giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ; sôi nổi tham gia các hoạt động xây dựng địa phương; nhân rộng phong trào hội viên làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng; xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn