Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh đời sống, trong đó có văn hóa đọc. Giới trẻ, nhóm đối tượng năng động và nhạy bén với công nghệ là những người chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất.

Phòng không gian chia sẻ tại Thư viện Quốc gia được thiết kế mở giúp bạn đọc luôn cảm thấy thỏa mái, thư giãn khi đọc sách. (Ảnh: KIM THOA)
Chủ động trong tiếp cận sách
Những năm gần đây, hàng loạt trào lưu liên quan đến sách xuất hiện trên các nền tảng như TikTok, Facebook, YouTube: review sách, book challenge (thử thách đọc sách), hay trào lưu BookTok (xu hướng, trào lưu sách trên mạng xã hội TikTok). Điều này giúp sách tiếp cận nhanh chóng hơn với công chúng, tạo ra những "hiện tượng" sách được nhiều người quan tâm.
Việc mua sắm và tìm hiểu sản phẩm qua mạng xã hội đang trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, không chỉ đối với các mặt hàng thời trang hay công nghệ mà còn cả với sách. Nhưng liệu người đọc có còn tự chủ trong việc tiếp cận sách hay đã và đang bị chi phối bởi thuật toán và hiệu ứng đám đông?
Bên cạnh những người có đủ kinh nghiệm, nhận thức về việc đọc có mục đích, phục vụ sở thích thì một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang vô tình bị thuật toán của công nghệ dẫn dắt trong việc chọn sách, chọn cách đọc. Vì thế, không ít bạn trẻ mua sách theo phong trào hoặc coi sách như vật trang trí. Thực trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, khi tiếp cận sách thông qua mạng xã hội, người dùng vô tình bị tác động, thậm chí là chịu sự chi phối của các thuật toán. Những nội dung người dùng từng quan tâm, tìm kiếm hoặc nhắc đến nhiều lần sẽ được các nền tảng ghi nhận và liên tục đề xuất các cuốn sách theo xu hướng, khiến họ không còn chủ động trong việc lựa chọn mà phụ thuộc vào những gì mạng xã hội sắp đặt.
Thứ hai, hiệu ứng đám đông và tâm lý “sợ bỏ lỡ” (FOMO - Fear of Missing Out) khi một cuốn sách trở thành "hiện tượng" trên các mạng xã hội, hàng nghìn người "đổ xô" mua mà chưa chắc đã hiểu rõ giá trị thực sự của nó; nhiều cuốn sách được đánh giá cao chỉ vì được quảng bá tốt chứ không phải vì nội dung xuất sắc.
Thứ ba, sự lấn át của nội dung ngắn trên các mạng xã hội khiến người trẻ quen với việc tiếp thu thông tin nhanh; rất nhiều người đọc theo kiểu xem tóm tắt sách qua các video vài phút hơn là dành thời gian để đọc toàn bộ cuốn sách.
Chị Lê Thắm, biên tập viên Nhà xuất bản Thời Đại từng bức xúc khi chính cuốn sách mình biên tập bị tóm tắt sai lệch trên mạng xã hội, bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn người đọc đón nhận cuốn sách như một tác phẩm hoàn chỉnh, không phải là vài phút tóm lược. Việc hiểu sai nội dung do thông tin bị cắt xén sẽ làm hại cả người viết lẫn người đọc”. Tư duy "mì ăn liền" này lâu dần khiến nhiều người thiếu đi sự kiên nhẫn trong việc đọc và nghiền ngẫm các tác phẩm có giá trị.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình từng nhận định: "Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở. Đọc sách chạy theo xu hướng, không xuất phát từ nhu cầu thực sự sẽ chỉ tạo ra một trào lưu lệch lạc, sáo rỗng".
Chuyển đổi số giúp hỗ trợ tri thức
Làm thế nào để gìn giữ và phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số, nơi mạng xã hội đang thay đổi cả thói quen và tư duy đọc. Không thể phủ nhận rằng ngày nay, khi cần tra cứu thông tin, người trẻ không còn đến thư viện hay hiệu sách như trước, mà ưu tiên Google, mạng xã hội hay các nền tảng sách điện tử. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là văn hóa đọc đang mất đi giá trị, mà là đang thay đổi hình thức tồn tại.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Trưởng khoa Thông tin-Thư viện, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), văn hóa đọc là một khái niệm có tính chất động. Cốt lõi của nó gồm ba yếu tố: đối tượng đọc, khả năng tiếp nhận và vận dụng thông tin và thái độ đối với tri thức. Dù công nghệ thay đổi phương tiện đọc thì giá trị cốt lõi này vẫn không thay đổi. Điều đáng quan tâm là người đọc có thực sự "tiêu hóa" tri thức hay chỉ đang đọc để thỏa mãn cảm xúc nhất thời.
Chính vì thế, vấn đề không nằm ở hình thức đọc truyền thống hay hiện đại mà là ở chiều sâu tiếp cận và thái độ đối với tri thức. Những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước đã triển khai hàng loạt dự án, chiến dịch khuyến đọc, như: Ngày hội đọc sách, Thư viện thông minh, Đọc sách cùng con, Tủ sách lớp học… Tuy nhiên, để phù hợp hơn với người trẻ trong kỷ nguyên số, cần những mô hình linh hoạt, sáng tạo hơn và gắn với công nghệ.
Một thí dụ điển hình là thư viện số của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tại đây, sinh viên có thể mượn, tra cứu, truy cập kho sách số hàng nghìn đầu sách thông qua vài thao tác đơn giản.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm rằng hàn lâm là nền tảng, nhưng hiện đại là xu hướng. Vì thế nhà trường nỗ lực hài hòa hai yếu tố này trong mọi hoạt động từ giảng dạy, nghiên cứu đến khuyến khích sinh viên đọc sách. Chuyển đổi số không phá vỡ văn hóa đọc, ngược lại, nếu ứng dụng hợp lý nó có thể giúp văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ hơn”.
Trong bối cảnh công nghệ số nói chung và mạng xã hội nói riêng định hình hành vi tiêu dùng, các nhà xuất bản và người làm sách cần có chiến lược dài hơi để thích nghi nhưng không được chạy theo xu hướng một cách mù quáng.
Thay vì cố đẩy sách lên "top thịnh hành" bằng các chiêu trò tiếp thị hay hợp tác với KOLs (người có tầm ảnh hưởng) thiếu chuyên môn, cần chú trọng đầu tư vào giá trị nội dung. Một cuốn sách thực sự hay có thể lan tỏa chậm hơn, nhưng sức sống sẽ bền bỉ và sâu rộng hơn.
Cuối cùng, trách nhiệm phát triển văn hóa đọc trong thời đại số không chỉ thuộc về người đọc hay người làm sách, mà cần sự chung tay của cả hệ thống: gia đình, nhà trường, cơ quan quản lý và toàn xã hội.
Nguồn: https://nhandan.vn/