KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 19/12/2018 - Lượt xem: 905
Mạng xã hội và ứng dụng trong hoạt động thông tin đối ngoại

Tại Việt Nam thời gian gần đây, vấn đề mạng xã hội, đặc biệt là tác động của mạng xã hội trong truyền thông hiện đại đã thu hút sự quan tâm không nhỏ của các nhà quản lý truyền thông, báo giới và các nhà nghiên cứu. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin trong thế kỷ XXI đã biến các phương tiện truyền thông hiện đại trở thành những công cụ có sức mạnh to lớn, nhờ vào khả năng truyền tải thông tin gần như tức thời, phạm vi lan tỏa rộng, mức độ ảnh hưởng sâu sắc tới các quốc gia. Ở góc độ thông tin tuyên truyền, các phương tiện truyền thông mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng, có sức mạnh thay đổi chiều hướng dư luận với tốc độ nhanh chóng và quy mô không giới hạn.

Trong xu thế đó, việc áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông mới, nhất là mạng xã hội đã trở thành một tất yếu khách quan. Việc thúc đẩy đưa các ứng dụng của các công cụ truyền thông mới vào các hoạt động thông tin đối ngoại đã mở ra một kênh thông tin và giao tiếp quan trọng giữa Chính phủ và công chúng trong nước và ngoài nước, góp phần hỗ trợ cho việc triển khai các chính sách đối ngoại. Mạng xã hội cũng sẽ bổ trợ cho báo chí và các kênh thông tin truyền thống, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong thời đại công nghệ cao; trở thành công cụ hữu hiệu trong các chiến dịch thông tin, dư luận.
Một trong những thuận lợi lớn mà mạng xã hội mang lại, đó là khả năng tiếp cận nhiều đối tượng công chúng. Trong khi các kênh truyền hình truyền thống đang ngày càng bị thu hẹp phạm vi công chúng thì ngược lại, số lượng người theo dõi các kênh tuyên truyền kỹ thuật số, mạng xã hội đang tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, với ưu điểm là khả năng cho phép người dùng kết nối rộng rãi và khả năng truyền tải lưu trữ lượng thông tin khổng lồ, truyền thông qua mạng xã hội có phạm vi lan tỏa rộng lớn cả về không gian lẫn thời gian. Khả năng lan truyền của thông tin trên mạng Internet nói chung và qua truyền thông mạng xã hội nói riêng, cùng với sự đa dạng, tự do sáng tạo trong phương thức truyền tải thông tin chính là ưu điểm mà không thể không thừa nhận của mạng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội đồng thời cũng đặt ra những thách thức đối với công tác thông tin đối ngoại. Mạng xã hội đang thay đổi từng bước tư duy truyền thống về thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Theo đó, với những mục tiêu, đối tượng đa dạng, phong phú, công tác thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội đòi hỏi không chỉ sự chính thống, vững vàng trong lập trường mà còn cần sự linh hoạt, mềm dẻo trong cách thức chuyển tải thông tin đến các đối tượng phù hợp.
Mạng xã hội là các trang thông tin mở với nội dung do người dùng tự đăng tải, nên không có cơ quan nào giám sát, kiểm duyệt nội dung, chất lượng của thông tin. Việc kiểm chứng thông tin không đơn giản trong khi tốc độ phát tán lại rất nhanh. Chỉ một thông tin sai sự thật, xúc cảm hay phản cảm được lan truyền có thể gây tác động tiêu cực đến rất nhiều người, do đó mạng xã hội được nhận định là môi trường lý tưởng để các thế lực thù định, đối tượng xấu lợi dụng để phá hoại. Cùng với việc mạng xã hội trở nên quá thông dụng, sự lan tỏa nhanh chóng đến mức khó kiểm soát đã kéo theo một tâm lý đám đông trên mạng xã hội rất dễ bị kích động, bùng phát.
Ở nước ta, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số và các phương tiện truyền thông hiện đại trong các hoạt động thông tin đối ngoại còn chưa phổ biến. Một số bộ, ngành đã thí điểm sử dụng mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền, phần nào đã có tác dụng tuyên truyền đối ngoại. Tuy nhiên các kênh tuyên truyền mạng xã hội nói trên đều ở dạng thử nghiệm hoặc chính thức thử nghiệm, chứ chưa trở thành một kênh tuyên truyền chính thức, đại diện cho một bộ, ngành nào.
Công tác thông tin đối ngoại luôn phản ánh chính sách, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong công tác đối ngoại nói chung và công tác thông tin đối ngoại nói riêng. Do đó việc ứng dụng mạng xã hội và công tác thông tin đối ngoại cần phải có một quy chuẩn nhất định, tạo sự tin cậy đối với công chúng khi tiếp cận, thể hiện đúng vai trò là một trong những kênh thông tin chính thức. Mạng xã hội hoạt động trong môi trường khác với báo chí truyền thống, quy trình ra quyết định cần nhanh chóng và điều này dễ dẫn tới sai sót. Do đó khi ứng dụng mạng xã hội vào công tác thông tin đối ngoại, cần hết sức cẩn trọng và bài bản với các thông điệp viên cần được xây dựng trước. Việc tùy tiện ứng dụng mạng xã hội có thể dẫn đến những nguy cơ như: người đọc nghi ngờ tính chính thức của tài khoản mạng xã hội, từ đó nghi ngờ mọi thông tin được đăng tải; không thu hút được nhiều lượt theo dõi; người đọc không đánh giá cao tính chuyên nghiệp của trang mạng xã hội nên không tạo được tình cảm, sự tin cậy.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nhân lực cần tiến hành thường xuyên, định kỳ và có kế hoạch cụ thể về nghiệp vụ báo chí, quay phim, chụp ảnh, các thao tác kỹ thuật, kỹ năng xử lý khủng hoảng thông tin. Về kinh phí, tuy mạng xã hội luôn được coi là kênh truyền thông chi phí thấp, song để vận hành và duy trì mạng xã hội chính thức, ngoài kinh phí dành cho nguồn nhân lực phụ trách, cần bố trí một số khoản chi phí khác như: tư vấn hỗ trợ các chuyên gia, phí mua bản quyền hình ảnh, video, dữ liệu; phí mua sắm các trang thiết bị cần thiết như máy tính, điện thoại thông minh, máy ảnh kỹ thuật số, máy ghi âm...; phí đào tạo cán bộ làm công tác truyền thông mạng xã hội về nghiệp vụ báo chí, quay phim, chụp ảnh, kỹ năng xử lý khủng hoảng thông tin...
Có thể nhận biết và xử lý tốt những yêu cầu đặt ra trong quá trình ứng dụng mạng xã hội vào thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại là trách nhiệm không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí...mà còn có vai trò của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội. Phát huy tốt vai trò của mạng xã hội trong công tác thông tin đối ngoại là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - đối ngoại, đưa nước ta ngày càng phát triển.
(Tổng hợp theo tài liệu Công tác thông tin đối ngoại, những điều cần biết – Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương)
Thanh Giang
 

 

Tin liên quan