Sau mấy năm thực hiện chương trình thí điểm, năm 2013 các trung tâm BDCT cấp huyện bắt đầu triển khai giảng dạy, học tập chương trình Sơ cấp LLCT mới. Đây là một chương trình được viết theo tinh thần đổi mới với sự tích hợp kiến thức của các môn LLCT cơ bản gắn với những nội dung chủ yếu về chủ trương đường lối của Đảng, lịch sử của Đảng ta… Với tổng thời gian là 295 tiết, trong đó có 18 bài cơ bản (180 tiết giảng), so với chương trình cũ, có lẽ đây là chương trình đào tạo lý luận có số bài và thời gian khá hợp lý đối với người học chương trình Sơ cấp LLCT.
Căn cứ Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện chương trình Sơ cấp LLCT mới, 03 năm qua, các trung tâm BDCT huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (nói gọn là trung tâm BDCT cấp huyện) đã tích cực triển khai mở lớp Sơ cấp LLCT. Hàng năm, trong tổng số trên 20 chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hầu hết trung tâm BDCT cấp huyện đã mở được 01 lớp Sơ cấp LLCT (năm 2013, đã có 8/10 trung tâm BDCT, năm 2014 là 9/10 và năm 2015 là 7/10 trung tâm BDCT mở lớp Sơ cấp LLCT); tỷ lệ trung bình mỗi lớp từ 40 - 50 học viên. Đối tượng người học chủ yếu là đảng viên dự bị chưa có trình độ Sơ cấp LLCT với đa dạng các thành phần đang làm ăn, công tác ở khu vực nông thôn, công nhân trong các doanh nghiệp, cán bộ, giáo viên trường mầm non, trung tâm trạm y tế xã, giáo viên tiểu học,…Tham gia giảng dạy các chương trình chủ yếu là giảng viên kiêm chức, có rất ít trung tâm mà hầu hết các bài giảng là do giảng viên trung tâm tham gia giảng dạy (duy nhất chỉ có trung tâm BDCT Tiên Lữ).
Qua đôn đốc theo dõi và kiểm tra về chuyên môn cho thấy: hầu hết các trung tâm BDCT đã có nhiều cố gắng, phối hợp với Ban tổ chức cấp ủy rà soát các đối tượng cán bộ đảng viên chưa có trình độ Sơ cấp LLCT, xây dựng chỉ tiêu mở lớp báo cáo với Thường trực cấp ủy. Sau khi được giao chỉ tiêu, các trung tâm BDCT cấp huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai mở lớp: dự kiến thời gian, lựa chọn bố trí giảng viên tham gia giảng dạy các bài trong chương trình, phân công cán bộ theo dõi quản lý lớp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập của học viên…
Trong quá trình giảng dạy, học tập, các trung tâm BDCT đã thực hiện khá nghiêm túc nội dung chương trình theo quy định. Nội dung giảng dạy đã bám sát hướng dẫn; có trung tâm BDCT đã tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế ở trong và ngoài tỉnh; có các báo cáo bổ sung về tình hình thời sự, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương (trung tâm BDCT Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ,…). Nhiều đồng chí giảng viên kiêm chức của các trung tâm BDCT tham gia giảng dạy tích cực, chuẩn bị bài giảng chu đáo và có ý thức ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tạo sự hấp dẫn đối với người học. Học viên theo học các lớp Sơ cấp LLCT đa số tuổi còn trẻ và có ý thức trong học tập.
Công tác quản lý lớp được các trung tâm BDCT hết sức coi trọng, vì vậy tỷ lệ học viên tham dự đầy đủ thường xuyên đạt khoảng 90%. Với sự cố gắng trong công tác tổ chức quản lý của đội ngũ cán bộ, giảng viên, 03 năm qua, các trung tâm BDCT đều vượt chỉ tiêu kế hoạch giao (năm 2013 đạt 406/305 học viên, đạt 133% kế hoạch; năm 2014 đạt 375/325, đạt 115% kế hoạch và năm 2015 có 323/285, 113% kế hoạch); tỷ lệ học viên đạt khá, giỏi chiếm khoảng 30%.
Tuy nhiên, trong việc tổ chức các lớp Sơ cấp LLCT của các trung tâm BDCT vẫn còn có những hạn chế sau:
Thực hiện nội dung chương trình chưa bảo đảm theo đúng kế hoạch, các bài học theo trình tự quy định hầu hết bị đảo lộn; tổ chức thảo luận và nghiên cứu thực tế chưa bảo đảm theo yêu cầu; phương pháp giảng dạy của nhiều giảng viên còn lạc hậu, chất lượng còn hạn chế. Còn một bộ phận học viên ý thức học tập chưa tự giác, ít ghi chép, chưa thực sự tập trung nghe giảng. Công tác quản lý một số trung tâm BDCT chưa chặt chẽ, tài liệu phục vụ học tập có nơi còn thiếu...
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, xin được nêu mấy nguyên nhân chính sau:
Một là, trên thực tế hiện nay, nhận thức về vị trí, vai trò lớp đào tạo Sơ cấp LLCT trong tổng thể giáo dục LLCT chưa được coi trọng đúng mức. Hiện nay với tấm bằng Sơ cấp LLCT chưa phải là tiêu chuẩn, là điều kiện đánh giá và đề bạt cán bộ, cho nên các tổ chức cơ sở đảng chưa thật sự quan tâm cử người đi học và học viên cũng không hào hứng, phấn khởi đi học Sơ cấp LLCT như các đối tượng được cử đi học trung cấp LLCT và cao cấp LLCT. Đây có lẽ là nguyên nhân sâu xa cho việc mở các lớp Sơ cấp LLCT khó khăn như hiện nay;
Hai là, nội dung chương trình Sơ cấp LLCT hiện nay vẫn còn bất cập. Mới có tài liệu học tập và tham khảo cho giảng viên, chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể. Theo ý kiến của nhiều giảng viên, học viên khi dạy và học SCLLCT cho thấy: chương trình học còn nặng; nội dung có đổi mới, song vẫn còn nặng về cung cấp những kiến thức về lý luận kinh điển, hàn lâm, chưa gắn kết lý luận với thực tiễn đời sống; nhiều khái niệm, nội dung trong các bài đưa vào trừu tượng, khó hiểu, chưa phù hợp với đối tượng học; còn không ít nội dung trong các bài thể hiện giống hoặc gần giống với nội dung chương trình bồi dưỡng đảng viên mới, gây tâm lý nhàm chán; không ít giảng viên và học viên không hứng thú khi nghiên cứu và học tập tài liệu trên. Sách viết cho đối tượng học tập Sơ cấp LLCT nhằm phục vụ cho người nghiên cứu lý luận chuyên sâu hơn là phổ cấp kiến thức LLCT cho người học.
Ba là, do các trung tâm BDCT cũng còn có những bất cập, khó khăn và hạn chế: giảng viên chuyên trách ít (mỗi trung tâm có 1 hoặc 2 giảng viên chuyên trách), chất lượng cũng còn bất cập, không đủ bảo đảm giảng viên giảng dạy các bài; hầu hết các đồng chí giảng viên kiêm chức mặc dù có trình độ đại học, trình độ LLCT trung cấp hoặc cao cấp song thời gian tham gia giảng dạy ít; phương pháp giảng dạy và kinh nghiệm còn hạn chế, vì vậy chất lượng giảng dạy và học tập chắc chắn chưa thể đáp ứng yêu cầu…
Để thực hiện tốt việc tổ chức, quản lý có hiệu quả lớp Sơ cấp LLCT trong những năm tới, theo chúng tôi cần phải:
Một là, điều quan trọng trước hết là các trung tâm BDCT cần làm tốt việc rà soát đối tượng chưa học Sơ cấp LLCT theo quy đinh để xây dựng chỉ tiêu đào tạo sát hợp. Tổ chức các hình thức học tập hợp lý cho các đối tượng, (nếu đối tượng đảng viên là công nhân đang làm việc ở các doanh nghiệp học lớp Sơ cấp LLCT có thể bố trí ngày nghỉ thứ 7 hoặc chủ nhật để họ có thể tham gia học tập). Phân công giảng viên tham gia giảng dạy phù hợp với yêu cầu của mỗi bài. Các đồng chí giảng viên nêu cao trách nhiệm trong việc chuẩn bị bài và giảng bài; coi trọng trao đổi kinh nghiệm giảng bài trong các trung tâm BDCT;
Hai là, đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung giáo dục LLCT nói chung, chương trình Sơ cấp LLCT nói riêng theo tinh thần dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng.
Riêng đối với chương trình Sơ cấp LLCT, chúng tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương cần tổ chức rút kinh nghiệm về thực hiện chương trình; biên tập lại nội dung bảo đảm tính thiết thực, phù hợp với đối tượng học cả về nội dung và thời gian. Ngoài việc hoàn chỉnh nội dung chương trình, cần có sách hướng dẫn giảng dạy cụ thể để giảng viên thống nhất mục đích yêu cầu và phương pháp giảng dạy…
Ba là, Ban Tuyên giáo Trung ương cần phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương kiểm tra đánh giá và chấn chỉnh việc học tập Sơ cấp LLCT; thực hiện nghiêm túc quy định để học trung cấp LLCT nhất thiết phải có trình độ Sơ cấp LLCT và chỉ đạo các tổ chức đảng phải coi đảng viên được cử đi học Sơ cấp LLCT (đối với đảng viên chưa có trình độ Sơ cấp LLCT) là một nhiệm vụ, trách nhiệm, là điều kiện để đánh giá xếp loại đảng viên cuối năm.
Đỗ Cảnh Hưng