Ngành thép Việt Nam đang khó khăn khi việc tiêu thụ trong nước chưa thật sự khởi sắc, xuất khẩu cũng gặp khó bởi các loại thuế quan cùng áp lực cạnh tranh khốc liệt từ thép nhập khẩu giá rẻ...

Dây chuyền sản xuất thép tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) của Bộ Chính trị với định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ mở lối cho doanh nghiệp ngành thép bứt phá.
Song, để tận dụng cơ hội này, Chính phủ cần nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ quyết liệt, còn doanh nghiệp phải chủ động nâng tầm chất lượng sản phẩm, gia tăng năng lực cạnh tranh để không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động.
Cạnh tranh khốc liệt
Ngành thép Việt Nam đến nay đã đạt nhiều thành tựu, khi từ chỗ phải phụ thuộc vào thép thành phẩm nhập khẩu, đã trở thành quốc gia sản xuất thép lớn thứ 13 thế giới và dẫn đầu ASEAN, song hiện đang đối diện không ít khó khăn, thách thức. Từ đầu năm đến nay, ngành thép ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ sự phục hồi của thị trường xây dựng, trong đó chủ yếu do nhu cầu của các dự án nhà ở, khu công nghiệp và việc khởi công xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm, dẫn đến tiêu thụ thép xây dựng trong quý I/2025 tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ tiêu thụ vẫn chưa như kỳ vọng, đặc biệt khi thị trường bất động sản chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn và tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm. Bên cạnh đó, với sự thay đổi chính sách thuế quan của các nền kinh tế lớn, cùng xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng đang là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành thép Việt Nam phải đối mặt.
Mới đây nhất, ngày 4/6, Mỹ chính thức áp mức thuế nhập khẩu lên tới 50% đối với nhôm và thép từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Mặc dù thép Việt Nam chỉ chiếm 1,6% tổng lượng thép nhập khẩu vào Mỹ, nhưng động thái này không chỉ làm giảm cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ mà còn tạo phản ứng dây chuyền trong thương mại toàn cầu. Các quốc gia sản xuất thép lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản và thậm chí cả EU sau khi gặp khó trong việc xuất khẩu sang Mỹ, buộc phải tìm kiếm thị trường thay thế. Khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và nhu cầu xây dựng, công nghiệp lớn, dễ trở thành điểm đến tiềm năng.
Đánh giá về những tác động đối với các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam Lê Song Lai nhận định, biến động toàn cầu đã khiến áp lực cạnh tranh gia tăng, trong khi chi phí nguyên liệu và sản xuất tại Việt Nam chưa được cải thiện tương xứng, khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép ngày càng eo hẹp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư và duy trì sản xuất mà còn đe dọa sự phát triển dài hạn của ngành. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn hạn chế về công nghệ và năng lực tài chính, càng dễ bị “bóp nghẹt” trong cuộc đua này.
Hơn nữa, sự dư thừa thép nhập khẩu còn làm gia tăng nguy cơ Việt Nam bị cuốn vào các vụ kiện phòng vệ thương mại hoặc chống bán phá giá, gây tổn hại uy tín và cơ hội xuất khẩu của ngành thép trong nước. Hiện Mỹ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép thanh vằn xuất xứ Việt Nam, với mức biên độ sơ bộ lên tới 115,4%, khiến hàng chục nghìn tấn thép phải chịu thuế cao hoặc tạm ngừng xuất khẩu. Gần nhất, ngày 4/6, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức tiếp nhận hồ sơ đề nghị tiến hành điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cốt bê-tông nhập khẩu từ Việt Nam.
Chủ động nâng tầm năng lực
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW mới đây được xem là “luồng gió mới” mang lại hy vọng cho ngành thép Việt Nam. Trong đó, Nghị quyết khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như ngành thép; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực về vốn, công nghệ và thị trường. Trong ngành thép, điều này đặc biệt quan trọng khi các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh, giảm phát thải carbon để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như CBAM của EU. Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng cho rằng, Nhà nước cần cung cấp định hướng rõ ràng về phát triển kinh tế trong 5, 10, 20 năm tới nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, nhất là trong lĩnh vực “thép xanh” và thân thiện với môi trường.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa khuyến nghị các doanh nghiệp ngành thép cần chủ động hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó, tập trung đầu tư vào công nghệ tiên tiến, cải thiện chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí sản xuất để đối phó với áp lực từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Đồng thời, toàn ngành cần nâng cao vai trò của liên kết chuỗi giá trị trong ngành, khuyến khích các doanh nghiệp thép phối hợp chặt chẽ với các nhà cung ứng nguyên liệu, logistics và các ngành sử dụng thép như xây dựng, cơ khí chế tạo. VSA mong muốn Nhà nước hỗ trợ hình thành các chuỗi cung ứng khép kín, tạo động lực cho doanh nghiệp nội địa phát triển bền vững, đúng như tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW. Đặc biệt, cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy các dự án xây dựng; áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý để bảo vệ ngành thép trong nước khỏi tác động tiêu cực từ thép nhập khẩu giá rẻ.
Nghị quyết số 68-NQ/TW đã mở ra một hành lang chính sách thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.Tuy nhiên, thành công không chỉ đến từ chính sách hỗ trợ mà còn phụ thuộc vào sự chủ động của chính các doanh nghiệp trong việc cải thiện chất lượng, tối ưu chi phí và mở rộng thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp tư nhân lớn, “đầu tàu” của ngành cần tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng chuỗi giá trị bền vững, dẫn dắt các doanh nghiệp thép nhỏ và vừa cùng phát triển.
Nguồn: https://nhandan.vn/