KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 02/12/2015 - Lượt xem: 241
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền công tác bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm

Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao trên thế giới. Đa dạng sinh học nói chung, các loài động vật, thực vật hoang dã nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và môi trường Việt Nam, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp nguyên vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của đa dạng sinh học, cũng như tầm quan trọng của các loài động vật, thực vật hoang dã, từ đầu những năm 1960, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách bảo vệ các khu rừng nguyên sinh (rừng cấm), nhờ đó Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập. Quyết tâm và cam kết bảo tồn đa dạng sinh học của nhà nước được chú trọng hơn sau khi Việt Nam trở thành viên Công ước CBD và CITES năm 1994. Ngày 25/6/1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 36/1998/CT-TW về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ngày 15/11/2004,  Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW đặt ra mục tiêu là “Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học “phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái”, đồng thời đề ra những nhiệm vụ rất cụ thể đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học cũng như các loài động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm. Cột mốc quan trọng nhất cho sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam là Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Luật Đa dạng sinh học được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Luật đa dạng sinh học có riêng Chương 4 (từ điều 37 đến điều 49) quy định về “bảo vệ động vật, thực vật hoang dã”. Luật hình sự sửa đổi năm 2009, Chương 17 có quy định xử phạt đối với tội săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó.

Tuy vậy, không thể phủ nhận được thực tế là tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam liên tục bị suy giảm và suy thoái dưới áp lực của gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và sự đánh đổi với ưu tiên phát triển kinh tế. Trước thực trạng đó, ngày 03/6/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thực hiện Nghị quyết, các cơ quan trong hệ thống chính trị đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp toàn diện. Ngày 26/12/2013, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 98- HD/BTGTW “Công tác tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã’”. Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030... Quyết định số 539/QĐ-TTg, ngày 16/4/2014 phê duyệt Chương trình Quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022, với mục tiêu “Bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu đã được xác định tại Chương trình bảo tồn hổ toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện”. Đến nay, đã có 10 Nghị định của Chính phủ, 12 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 23 Thông tư của Bộ trưởng đã được ban hành, thể chế hóa các chiến lược, quy hoạch, cơ chế về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác, huy động sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức bảo tồn cũng được quan tâm đẩy mạnh.

Cùng với những kết quả quan trọng đạt được trên cơ sở sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm như chương trình hội thảo tập huấn, nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý địa phương, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; chiến dịch truyền thông giảm tiêu thụ trái phép các loài hoang dã nguy cấp với quy mô lớn nhân dịp các sự kiện đặc biệt như ngày quốc tế đa dạng sinh học, ngày hội tình nguyện viên quốc tế và các đợt trọng điểm như nghỉ lễ, Tết,... cũng đạt được những hiệu quả lớn, tác động tích cực tới công tác bảo  bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Những con voọc ở Khu bảo tồn và sinh cảnh Khau Ca, Hà Giang. (Ảnh: internet)

Hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn của Việt Nam đã được quy hoạch và thành lập, phân loại, xếp hạng trên toàn quốc, số lượng và diện tích ngày càng tăng. Đã thiết lập được 30 vườn quốc gia, 69 khu bảo tồn thiên nhiên, đã phê duyệt 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa và 16 khu bảo tồn biển. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên đã được công nhận là di sản tự nhiên của thế giới, là khu dự trữ sinh quyển quốc tế, di sản tự nhiên của ASEAN. Đến nay, Việt Nam đã có 164 khu bảo tồn rừng đặc dụng với tổng diện tích gần 2,2 triệu ha và dự kiến đến năm 2020 sẽ nâng lên 176 khu tương đương 2,4 triệu ha. Mặc dù số loài và số cá thể các loài động vật, thực vật có giảm, nhưng nhiều loài, đặc biệt là các loài hoang dã đã được bảo vệ thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loài hoang dã quý, hiếm, nhiều nguồn gen đã phát huy giá trị bảo tồn và mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần làm giàu thêm đa dạng sinh học toàn cầu. Với nhiều kiểu rừng, hệ sinh thái đất ngập nước, đầm lầy, sông suối, biển, v.v. tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới. Việt Nam được Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công nhận có 3 trong số hơn 200 vùng sinh thái toàn cầu; Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (Birdlife International) công nhận là một trong 5 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới; Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) công nhận có 6 trung tâm đa dạng sinh học về thực vật. Năm 2012, Vườn Quốc gia Tràm Chim và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được Ban Thư ký Công ước RAMSAR công nhận là khu Ramsar thứ 4 và thứ 5 của Việt Nam. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia U Minh Thượng cũng đã được Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN thống nhất với đề xuất đưa vào danh mục các Công viên Di sản quốc gia ASEAN…

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai công tác tuyên truyền và công tác bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm vẫn còn những hạn chế và yếu kém. Pháp luật về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã còn tồn tại nhiều mâu thuẫn và lỗ hổng, gây khó khăn cho công tác thực thi. Quy định về bảo vệ động vật hoang dã, cũng như các quy định về xử phạt vi phạm có liên quan đến các loài động vật hoang dã không được quy định có hệ thống, mà nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây khó khăn và lúng túng cho cơ quan chức năng địa phương trong việc áp dụng pháp luật về quản lý và bảo vệ các loài này. Cụ thể, các loài động vật hoang dã được quy định và bảo vệ trong Luật Thủy sản (2003), Luật bảo vệ và Phát triển rừng (2004), Luật Đa dạng sinh học (2008) và Luật Bảo vệ môi trường (2014), trong động vật hoang dã vừa được coi là “lâm sản” trong hệ sinh thái rừng, loài “thủy sản” trong hệ sinh thái biển và đồng thời là một bộ phận quan trọng của đa dạng sinh học đất nước. Nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đồng thời được ghi nhận trong các danh mục khác nhau thì một số loài động vật hoang dã khác hiện nay không được ghi nhận trong bất kỳ danh mục chính thống nào của Nhà nước. Quy định xử lý hình sự tội phạm về động vật hoang dã hiện hành còn chưa hợp lý, dẫn tới các quan điểm rất khác nhau khi xử lý các vi phạm; có những vụ việc đáng lẽ phải xử lý hình sự thì lại chỉ chịu mức xử phạt hành chính; các quy định hiện hành mới chỉ giới hạn trong việc điều chỉnh những quan hệ xã hội hiện đang tồn tại mà chưa dự tính và có biện pháp ngăn chặn nguy cơ tội phạm có thể xảy ra trong tương lai... Tại Việt Nam, số lượng động vật, thực vật hoang dã đang bị suy giảm nghiêm trọng trong thời gian qua, cả về số lượng loài và số cá thể trong một loài. Thống kê về hiện trạng các loài động vật nguy cấp, quý hiếm cho thấy nhiều loài đang ở mức báo động, bị tuyệt chủng hoặc đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao do nguyên nhân chính là việc khai thác quá mức và mất môi trường sống, đặc biệt trong đó có nhiều loài đặc hữu như: Voọc mũi hếch, voọc mông trắng, hổ, tê giác Java Việt Nam…

Tê giác một sừng không còn tồn tại ở Việt Nam. (Ảnh: internet)

Vấn đề đặt ra đối với công tác bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã không chỉ ở nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền cũng như nhiều người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã chưa đầy đủ và đúng mức; việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã chưa thực sự được coi trọng, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục mà còn cả trong quản lý, điều hành còn thiếu kiên quyết; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã chưa thực sự nghiêm minh. Trong nhân dân, còn khá phổ biến tư tưởng muốn sử dụng các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng; coi đó như là phương thuốc quý để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh và thể hiện thực lực kinh tế của bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật liên quan đến bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã còn thiếu nhất quán, thiếu tính đồng bộ, chồng chéo và nhiều lỗ hổng gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Việc áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm đối với động vật hoang dã vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến xử lý khác nhau tại các cơ quan thực thi pháp luật; xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Tiêu thụ trái phép động vật hoang dã không chỉ hủy diệt quần thể loài động vật trong tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, làm tổn hại đến đa dạng sinh học, môi trường, mà còn làm Việt Nam mất đi một phần di sản văn hóa, các điểm du lịch sinh thái quan trọng và suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa đến các hệ lụy về mặt xã hội như gia tăng vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới tập quán tiêu dùng thực phẩm, môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật, hình ảnh, uy tín của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như vị trí, vai trò của đa dạng sinh học, các loài động vật, thực vật hoang dã đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Quán triệt sâu sắc, nghiên cứu cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và tăng cường kiểm soát buôn bán, tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã. Tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Xây dựng các chiến dịch, chương trình tuyên truyền bảo vệ các loài động vật nguy cấp quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng như hổ, tê giác, gấu, tê tê...; tổ chức các hội nghị, hội thảo; đặt các pano, áp phích ở các cơ quan, công sở và những nơi công cộng...; đưa nội dung tuyên truyền về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo tồn các loài hoang dã, nguy cấp quý hiếm vào các nội dung sinh họat của các cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí; mở các chuyên trang, chuyên mục trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử; đặc biệt phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở.

Đồng thời, Ngành Tuyên giáo cần tham mưu giúp cấp ủy các cấp tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; Hướng dẫn số 109 - HD/BTGTW ngày 8/6/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương về hướng dẫn “tiêu dùng bền vững động vật, thực vật hoang dã” và Hướng dẫn số 98-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Công tác tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã”. Việc sơ kết, tổng kết phải gắn với biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã.

Cùng với việc rà soát đồng bộ, chỉnh sửa, bổ sung Luật và các luật có liên quan đến đa dạng sinh học như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật thủy sản, cần nghiên cứu sửa đổi và bổ sung Luật Hình sự đảm bảo các quy định và chế tài đủ tính răn đe, phòng ngừa tội phạm; nghiêm trị hành vi khai thác, đánh bắt, săn bắn, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Mặt khác, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp, các tổ chức đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng chung sức bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã. Đưa nội dung tuyên truyền bảo vệ các loài động thực vật hoang dã vào cuộc vận động toàn dân xây dựng nếp sống mới ở cơ sở; nội dung các quy ước, hương ước bảo vệ môi trường thiên nhiên tại các địa phương, cơ sở. Hình thành và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Bộ Đội biên phòng, An ninh hàng không, Cơ quan quản lý Cites VietNam, INTERPOL, ASEAN-WEN... để trao đổi, chia xẻ, phối hợp xử lý thông tin về đối tượng và tương trợ tư pháp về điều tra hình sự đối với tội phạm môi trường, tập trung vào các loại tội phạm buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo tồn động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Thực hiện nghiêm các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đ.X.T

 

 

 

Tin liên quan