Phong trào Bình dân học vụ số hiện nay nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt ra nhiều mục tiêu như “xóa mù số”, “phổ cập số” giúp người dân tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm mới và hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số.

Thành viên tổ "Chuyển đổi số" Đoàn thanh niên xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) hướng dẫn người dân bán hàng trên mạng xã hội. (Ảnh: VŨ TUẤN)
Tám mươi năm trước, phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã nhanh chóng giải quyết nạn mù chữ và quan trọng nhất là khơi dậy ý thức, quyền lợi và bổn phận của nhân dân với học tập.
Trên tinh thần và niềm cảm hứng ấy, phong trào Bình dân học vụ số hiện nay nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt ra nhiều mục tiêu như “xóa mù số”, “phổ cập số” giúp người dân tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm mới và hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số; tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số..., góp phần thúc đẩy phong trào thi đua học tập, học tập suốt đời, tạo động lực quan trọng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công cuộc chuyển đổi số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân, doanh nghiệp vì những lợi ích thiết thực, không thể phủ nhận. Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành ngày 31/3/2022 tiếp tục nhấn mạnh “Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia”.
Từ chủ trương phổ cập kỹ năng số, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện như: Tổ công nghệ số cộng đồng, giáo dục đại học số, nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) Onetouch, Mobiedu, daotao.ai...
Tại nhiều tỉnh, thành phố, các tổ công nghệ số cộng đồng đã thu hút hàng nghìn thành viên tham gia. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng góp phần vào quá trình phát triển kỹ năng số trong toàn dân khi chủ động xây dựng các cộng đồng học tập như: “Bình dân học AI & Chương trình luyện AI”, “Vũ trụ AI - Ứng dụng AI tối ưu hóa công việc”, “Hỏi đáp công nghệ (Hỏi đi đáp luôn)”.
Trong phong trào phổ cập kỹ năng số, Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước đang phát triển nhờ lượng người dùng internet, sở hữu các thiết bị thông minh liên tục gia tăng. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2024, vẫn còn 21% dân số Việt Nam thiếu khả năng kết nối internet.
Trong phong trào phổ cập kỹ năng số, Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước đang phát triển nhờ lượng người dùng internet, sở hữu các thiết bị thông minh liên tục gia tăng. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2024, vẫn còn 21% dân số Việt Nam thiếu khả năng kết nối internet.
Báo cáo của UNICEF cho biết, chỉ có khoảng 36% dân số Việt Nam từ 15-24 tuổi có kỹ năng số cơ bản. Một số nghiên cứu trong nước và quốc tế cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, những nhóm yếu thế tại Việt Nam đang có nguy cơ bị tụt hậu trong phong trào phổ cập kỹ năng số do thiếu sự quan tâm và các hình thức, mô hình đào tạo, hỗ trợ.
Bên cạnh đó, còn tồn tại khoảng cách giữa các chương trình phổ cập kỹ năng số tại Việt Nam. Các cộng đồng, nhóm học tập số đang ngày một phổ biến nhưng thiếu sự gắn kết, liên thông với nhau để từng bước kiến tạo một xã hội học tập số.
Do đó, chưa thật sự khuyến khích công dân học tập suốt đời, không ngừng nâng cao kỹ năng, trình độ, kịp thời thích ứng trước những biến đổi nhanh chóng của đất nước và thế giới. Một tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong nhà nước chưa nắm vững các yêu cầu ngày càng cao về chuyển đổi số, học tập số mà mới chỉ dừng lại ở việc tiếp cận, sử dụng các ứng dụng dịch vụ số.
Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình phổ cập kỹ năng số là sự bất cập của một bộ phận người dân khi tiếp nhận kiến thức mới phục vụ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Không ít người vẫn còn thờ ơ, xem nhẹ các buổi học, buổi thực hành do chính quyền, cơ quan đơn vị tổ chức; bỏ qua các video, bài viết hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm phổ cập phổ biến như VNeID, VSSID dù chúng trực tiếp thay thế, giảm bớt giấy tờ, thủ tục hành chính, dịch vụ công hiện hành.
Bên cạnh đó, có tình trạng vẫn có những người dân từ chối sử dụng các phần mềm quản lý do Nhà nước và chính quyền địa phương ban hành vì tin vào thuyết âm mưu, thông tin sai lệch do các đối tượng xấu gieo rắc, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội.
Phổ biến nhất là những thông tin bịa đặt như “cơ quan quản lý cố tình đánh cắp và bán thông tin của người dân”, “cơ chế bảo mật kém”, “Nhà nước ban hành những ứng dụng, căn cước công dân, hộ chiếu gắn chip điện tử để theo dõi người dân”, “vi phạm tự do cá nhân”,... Thực tế, các ứng dụng này đều an toàn về mặt bảo mật dữ liệu, chỉ có chức năng quản lý chứ không hề kiểm soát người dùng như thông tin sai sự thật đang được lan truyền trên mạng.
Để thực hiện những mưu đồ thiếu trong sáng, một số cá nhân, tổ chức không thiện chí, cực đoan cũng thường xuyên đăng tải các bài viết, nội dung gây tranh cãi về các ứng dụng, nền tảng số do các cơ quan chức năng phát hành nhằm gieo rắc sự nghi ngờ hoặc kích động tâm lý chống đối.
Họ phóng đại sự thiếu ổn định của ứng dụng này khi bổ sung các cập nhật mới hữu ích như tích hợp giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội để quy chụp “Nhà nước làm khó” người dân.
Trong một số trường hợp, ứng dụng, nền tảng số không hoạt động ổn định trên thiết bị do lỗi người dùng vì khai báo sai thông tin, không nhớ mật khẩu và địa chỉ thư điện tử, không cập nhật theo yêu cầu từ thiết bị… nhưng họ cũng tìm cách đổ lỗi cho đơn vị cung ứng.
Các đối tượng xấu đã tìm cách lôi kéo, kích động những cá nhân thiếu hiểu biết cùng tham gia vào các hoạt động tẩy chay ứng dụng, nền tảng số bằng cách gửi nhiều bình luận, đánh giá chủ quan, tiêu cực. Qua đó, tạo ra tâm lý hoang mang, e ngại cho người khác trong quá trình “xóa mù” về chuyển đổi số.
Trong bối cảnh “phương thức sản xuất số” với đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo đang hình thành, việc phổ cập kỹ năng số trở thành yêu cầu cấp bách cho Việt Nam nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh “phương thức sản xuất số” với đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo đang hình thành, việc phổ cập kỹ năng số trở thành yêu cầu cấp bách cho Việt Nam nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới.
Điều này đòi hỏi một phong trào rộng khắp về học tập, phát động trong toàn đảng, toàn quân, toàn dân như tầm vóc của phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngay trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945.
Ngày 18/11/2024, tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, một trong những công việc mà Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ ngành giáo dục cần làm ngay là phát động thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”.
Tinh thần của người đứng đầu hệ thống chính trị đã được thể hiện tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó chỉ rõ: “Có chương trình tuyên truyền, giáo dục hiệu quả để nâng cao nhận thức, quyết tâm, phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin, khí thế mới trong xã hội. Triển khai sâu rộng phong trào “học tập số”, phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học-công nghệ, kiến thức số trong cán bộ, công chức và nhân dân”.
Mới đây, ngày 26/3, tại lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, “Bình dân học vụ số” được kế thừa, nuôi dưỡng, cổ vũ từ phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, là cầu nối quá khứ và tương lai.
Không dừng lại ở đó, phong trào còn nhằm cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW; hưởng ứng tinh thần học tập suốt đời do Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo; cho thấy quyết tâm cao độ của tất cả hệ thống chính trị trong phát động và triển khai phong trào Bình dân học vụ số.
Tuy nhiên, để một phong trào có giá trị bền vững, cần có những chính sách, phương pháp cụ thể bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, việc xây dựng các nền tảng phổ cập kiến thức số mà mới nhất là binhdanhocvuso.gov.vn đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp kiến thức, giải pháp học tập liên tục cho nhân dân.
Song song đó, phải gắn liền phong trào Bình dân học vụ số với tinh thần học tập suốt đời, xã hội học tập, qua đấy khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về học tập từ trước đến nay, giúp nhân dân có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quyền lợi và bổn phận, trách nhiệm “học tập số”.
Theo GS, TS Phạm Tất Dong, phong trào Bình dân học vụ số đòi hỏi học viên tự học là chính, học mọi lúc, mọi nơi bằng các thiết bị công nghệ, thông minh, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều hình thức học trực tuyến, học trực tiếp. Người học có thể tận dụng thời gian để tự học tại nhà, nơi làm việc, trên các phương tiện công cộng.
Do đối tượng của bình dân học vụ số là toàn dân, vì vậy, nguồn học liệu phải rất phong phú, đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp phù hợp từng đối tượng người học. Cũng vì lý do này, việc chuẩn hóa các tài liệu học tập số cũng là một vấn đề cần đặt ra trong quá trình phổ cập kỹ năng, kiến thức số.
Các chương trình bình dân học vụ số cũng cần có những biện pháp, tiêu chí đánh giá kết quả phổ cập kỹ năng số trong điều kiện tự học, học trực tuyến, học từ xa. Qua đó, vẫn bảo đảm các tiêu chí học thực chất như các hình thức giáo dục truyền thống.
Đây là tiền đề quan trọng để phát triển các hình thức đào tạo trong tương lai gần ở Việt Nam như mô hình đại học số, cho phép người dân có cơ hội học lên cao, bổ sung kiến thức một cách linh hoạt.
Ngoài ra, trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào Bình dân học vụ số cũng cần có những chính sách đặc biệt để các nhóm yếu thế như người khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, người cao tuổi có cơ hội tiếp cận công nghệ, phát triển kỹ năng số và ứng dụng vào công việc, học tập. Trong đó, người khuyết tật là một lực lượng lao động đầy tiềm năng mà Việt Nam chưa thể tận dụng do thiếu phương pháp, cơ chế đào tạo phù hợp.
Bình dân học vụ số với công nghệ ưu việt sẽ giải quyết nhanh chóng vấn đề này, khi có thể hỗ trợ người khuyết tật học tập kỹ năng phổ thông cho đến tìm kiếm công việc phù hợp năng lực của họ.
Với những thành tựu đạt được từ các phong trào khuyến học, khuyến tài trong quá khứ, chúng ta có quyền tin tưởng vào sự thành công của bình dân học vụ số với việc phổ cập, phát triển kỹ năng số trong toàn quốc, trở thành động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước.
Nguồn: https://nhandan.vn/