KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 29/01/2016 - Lượt xem: 147
Nghị lực vươn lên của một người vợ liệt sỹ

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nhưng gọn gàng và xinh xắn, chị Lê Thị Hạnh- Chủ tịch Hội phụ nữ của xã Minh Hải (Văn Lâm) có nụ cười tươi tắn và giọng nói đầy tin tưởng, lạc quan. Nhưng trong ánh mắt thăm thẳm của người phụ nữ ấy, tôi vẫn thấy phảng phất một nỗi u hoài. Quả thật, câu chuyện về cuộc đời của chị như một thước phim dài về sự nghiệt ngã của số phận, về sự quay quắt của cuộc sống. Nhưng trên hết, đó là nghị lực sống của một người vượt qua số phận, qua trắc trở để bước tới tương lai hạnh phúc.

1- Hạnh phúc ngắn ngủi

Dù bước vào tuổi ngũ tuần nhưng gương mặt chị Lê Thị Hạnh vẫn còn vương nhiều nét đẹp của một thời xuân sắc. Khi chị đưa tôi xem tấm ảnh anh Nguyễn Quang Đức gửi cho chị trong những ngày đầu quân ngũ tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), tôi cứ nghĩ, chắc lúc chị 19 tuổi, kết hôn với anh, hẳn khối người tấm tắc và thầm ghen tỵ với đôi trai tài gái sắc này. Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, anh chị chỉ giành niềm vui niềm hạnh phúc trọn vẹn bên nhau được gần một năm. Đến khi chị mang trong mình hình hài đứa con chung của hai người thì anh theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường đi chiến đấu. Những năm 1982, 1983, dù cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã chấm dứt, nhưng tiếng súng lại chưa hề ngưng hẳn. Việc phải tiễn đưa người chồng ra biên giới với mỗi người vợ, dù thật vinh quang, thật tự hào nhưng trong lòng hẳn cũng có nỗi xót xa, có sự sợ hãi mơ hồ nào đó, nhất là của một người con gái mới hưởng hạnh phúc vợ chồng một thời gian ngắn ngủi như chị. Mỗi ngày xa chồng, là một ngày nhớ nhung và lo lắng, là một đêm mộng mị phập phồng. Như bao người mẹ, người vợ thời tao loạn, bữa bữa chị đều trông mong những cánh thư từ biên giới gửi về. Bởi ngoài việc biết tin tức của anh, mỗi cánh thư là một sự khẳng định rằng anh vẫn bình yên. Anh Đức đóng quân tại đảo tiền tiêu Cô Tô (Quảng Ninh) nên liên lạc của anh chị lại càng thưa thớt bởi sự xa xôi diệu vợi giữa đất liền và hải đảo trong điều kiện đất nước khó khăn lúc ấy.

Những phập phồng lo sợ của người vợ trẻ chưa đầy hai mươi xuân xanh không phải là vô căn cứ. Vào một ngày u ám mùa Ngâu năm 1984, như một định mệnh nghiệt ngã, chị nhận được tin anh Đức hy sinh. Số phận đã giáng một đòn chí mạng vào người thiếu phụ nhỏ nhắn ấy, tưởng chừng như làm cho chị gục ngã. Nhưng nhìn lại giọt máu của người chồng liệt sỹ của mình mới đầy 8 tháng tuổi, nhìn vào hoàn cảnh gia đình, chị cảm nhận được rằng, ở xa xanh trên kia, anh Đức đang gửi gắm vào chị niềm tin tưởng. Chị đã cố gượng dậy, vượt qua nỗi đau thương.

2- Vượt qua số phận

Cho đến bây giờ, nhắc lại giai đoạn đầu nghe tin anh Đức hy sinh, chị Hạnh vẫn cho rằng sự đồng cảm, đùm bọc của gia đình, làng xóm và chị em trong Hội Phụ nữ là động lực lớn giúp chị vượt qua đau thương, mất mát. Hoàn cảnh của người vợ liệt sỹ lúc bấy giờ vô cùng khó khăn với con nhỏ, bố mẹ chồng già yếu, chỉ có chị là lao động chính. Nhưng nhờ vào sự đùm bọc của bà con mà chị vẫn vừa đi học thêm lớp bồi dưỡng kiến thức về y tế nông thôn, vừa nhận thêm tới một mẫu bảy đất ruộng để canh tác. “Biến đau thương thành hành động”, dường như câu khẩu hiệu của một thời chưa xa ấy lại vận vào chị Hạnh. Chị ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, lao vào công việc. Chị say làm như thể để cho quên đi nỗi đau thương, mất mát, từ nhận ruộng trồng lúa đến nuôi gà công nghiệp, đóng gạch ba-banh. Trong suốt khoảng thời gian dài, chị không những chèo chống để giữ ổn định kinh tế cho gia đình, mà hơn cả, là trụ cột để giữ được sự ổn định về tinh thần, giữ được sự an tâm và niềm tin tưởng đối với gia đình bên chồng.

Có lẽ, linh hồn của liệt sỹ Nguyễn Quang Đức cũng ngậm cười nơi chín suối khi hàng ngày vẫn quan chiêm người vợ đảm của mình quán xuyến việc gia đình. Anh Đức là con trai duy nhất trong gia đình đã mấy đời độc đinh. Khi nghe tin anh hy sinh, hai cụ thân sinh ra anh đều suy sụp tinh thần, sức khỏe bị suy giảm đáng kể. Liên tiếp mấy năm sau đó, chị Hạnh vừa nuôi con nhỏ, vừa phải chăm sóc bố mẹ chồng đau yếu. Những năm ấy, dân trong xóm, thôn lại chứng kiến lòng hiếu thảo tưởng chừng chỉ có trong cổ tích. Cho đến bây giờ, chị Hạnh vẫn là một tấm gương để nhiều gia đình răn dạy con cháu noi theo về những cử chỉ nâng giấc với bố mẹ chồng. Chăm sóc mẹ chồng ốm cũng chỉ là một việc bình thường, nhưng tắm rửa, vệ sinh cho bố chồng những năm tháng cụ bị bại liệt thì có lẽ hiếm cô con dâu nào có thể làm được cẩn trọng và chu đáo được như chị Hạnh. Còn chị thì lại cho rằng, đó là nghĩa vụ hiển nhiên của một người con dâu. Vả lại, bận bịu chăm sóc bố mẹ, chăm sóc con nhỏ đã làm nguôi ngoai dần nỗi đau mất chồng trong chị.

Nhưng rồi, song thân anh Đức cũng về trời, chị Hạnh lại vò võ nuôi con nhỏ. Dồn hết tình cảm, nhưng chị không nuông chiều con mà lựa chọn những cách giáo dục thích hợp để nuôi dạy đứa con duy nhất của chị thành người. Từ tấm gương mẫu mực của mẹ, từ tình cảm và công lao khó nhọc tần tảo của mẹ, con trai chị giờ đã trưởng thành, là giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Văn Lâm.

Khổ tận cam lai, những nhọc nhằn rồi đã qua đi, giờ thì chị Hạnh đã lên chức bà nội. Chỉ vào cậu bé đang mải mê với giỏ đồ chơi trên nền nhà, chị cười thật tươi: Từ mấy đời nay, anh Đức nhà chị chỉ độc đinh, nhưng giờ con trai chị đã có hai cháu trai kháu khỉnh. Chắc là các cụ và anh linh của anh Đức phù hộ mẹ con chị nên mới được như thế…

 *

Thực tình là, trước khi về thôn Chùa, xã Minh Hải gặp chị Lê Thị Hạnh, tôi đã được nghe nhiều về tấm gương của chị. Ngay khi giới thiệu cho tôi về gặp chị Hạnh, đồng chí Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh cũng đã nói với tôi đã tấm tắc khen ngợi. Lúc chúng tôi còn lân la đầu xã, nhẩn nha uống cốc nhân trần trong một quán cóc để lân la hỏi chuyện về chị, một cụ già ngòi hóng mát ngồi cạnh đã nói rằng, nếu vào thời xưa, những người như chị Hạnh hẳn là đã được vua ban cho tấm hoành phi “tiết hạnh khả phong” rồi. Chợt nhớ đến trích ngang lý lịch của chị Hạnh mà đồng chí Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh truyền đạt, tôi vội đỡ lời cụ già “Chị Hạnh cũng được nhiều cấp, nhiều ngành biểu dương rồi cụ ạ”...

Ấy thế mà, bước vào nhà chị Hạnh, tôi vẫn ngỡ ngàng trước những tấm bằng khen, những bức ảnh chị đang được đứng trên bục danh dự. Cũng cần phải nói thêm là, chị Hạnh có thâm niên cao trong công tác xã hội. Từ năm 1984, chị đã làm y tế thôn, rồi tham gia vào Ban chấp hành phụ nữ xã. Từ năm 2006, chị Hạnh được bầu là Chủ tịch Hội phụ phụ nữ xã Minh Hải. Bằng phẩm chất đạo đức của chính mình, chị Hạnh đã cùng Ban Chấp hành Hội tập hợp được các chị em trong xã, cùng nhau xây dựng gia đình hành phúc, xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhiều phong trào, cuộc vận động do chị tham mưu thực hiện đã được chính quyền và Hội phụ nữ xã phát động và thực hiện thành công. Trong Hội, có nhiều tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, giữ gìn gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái trưởng thành.

Chúng tôi chia tay chị Lê Thị Hạnh khi những tia nắng quái chiều thu đã dần tắt trên con đường làng. Xã Minh Hải đang xây dựng nông thôn mới, đường bê tông thênh thang, san sát nhà kiên cố cao tầng. Đâu đó ti-vi nhà ai vẳng ra giọng cô ca sỹ chuông vàng khánh ngọc: Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hoá bóng cây tre…Bất giác tôi chợt nghĩ, những người lính như anh Đức, chồng chị Hạnh dù một đi không trở lại, hiến dâng xương máu cho Tổ quốc thì vẫn ấm lòng nơi cực lạc. Bởi đất nước này còn có những người vợ, người mẹ, người phụ nữ thảo hiền như thế./.

Long Hải

 

 

Tin liên quan