Đối với những người bình thường, vươn lên từ 2 bàn tay trắng là điều không dễ dàng nhưng đối với người khuyết tật là cả một thử thách lớn lao. Dù khiếm khuyết một phần cơ thể, phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ông Trần Đình Thư (53 tuổi) ở thôn Diệt Pháp, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ không buông xuôi, phó mặc số phận mà luôn nỗ lực vươn lên, là tấm gương về nghị lực sống.
Ông Trần Đình Thư (ngoài cùng bên phải) nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
Về xã Thiện Phiến, hỏi thăm xưởng sửa chữa ô tô “Thư thọt”, tôi được người dân nơi đây nhiệt tình hướng dẫn và cho biết: “Hỏi ông “Thư thọt” sửa chữa ô tô ở vùng này ai chả biết! Ông ấy tuy bị khuyết tật ở chân nhưng giỏi và nhiệt tình trong hoạt động của thôn, xóm lắm!”. Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến nơi ông Thư đang làm việc, được ông niềm nở chào đón bằng nụ cười hiền hậu. Bên ấm trà nóng, ông Thư bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình.
Ông Thư sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo lại đông anh chị em. Ngày chào đời, ông lành lặn, khôi ngô như bao đứa trẻ khác. Khi ông 4 tuổi, một cơn sốt kéo đến khiến ông co giật liên hồi, miệng méo xệch, chân tay co rút. Di chứng cơn bạo bệnh đã làm cho cơ và xương khớp chân trái bị teo, bại liệt từ đó. Tuổi thơ của ông gắn liền với những lần ngã lăn lóc, thân thể rớm máu, đầy sứt sẹo. Nhưng ông chưa bao giờ tự ti về khiếm khuyết của bản thân, thay vào đó ông luôn nhìn những phần lành lặn để tiếp tục lạc quan sống với ý thức “mình phải thay đổi số phận, mình còn cái gì thì sẽ lao động bằng cái đó, đôi chân tuy xiêu vẹo nhưng vẫn còn bước được, vậy thì mình phải nỗ lực bước đi”.
Cách đây gần 40 năm, thời điểm khi anh trai cả của ông Thư lập gia đình cũng là lúc ông quyết tâm đi tìm cho mình cơ hội mới để sống tự lập. Khởi đầu nhiều khó khăn từ nghề phục vụ phông rạp, bàn ghế đám cưới đến chạy máy tuốt lúa, nghề may, sửa quạt điện, máy bơm nước, cơ khí... và cuối cùng ông chọn gắn bó với nghề sửa chữa xe đạp, xe máy - bởi đó cũng là sở trường, niềm đam mê của ông.
Năm 1988, khi có được chiếc xe đạp đầu tiên, ông bắt tay vào nghiên cứu, tự sửa chữa các lỗi hỏng hóc. Cứ như vậy, bà con khắp nơi tìm đến nhờ ông sửa mỗi khi xe đạp, xe máy có vấn đề. Nhận thấy nhu cầu của bà con ngày càng nhiều, ông Thư đã mở một cửa hàng nhỏ tại nhà để mưu sinh. Nhờ năm tháng tự học hỏi đã mở ra cho ông Thư thêm niềm đam mê sửa chữa ô tô. Năm 2001, khi gia đình em gái đầu tư mở xưởng sữa chữa ô tô, ông Thư quyết định hỗ trợ em gái quản lý, vận hành xưởng với vai trò “thợ cả”. Những ngày đầu, ông gặp không ít khó khăn, cũng có nhiều lần thất bại nhưng không nản, ông lấy đó làm bài học kinh nghiệm. Không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp, ông luôn chịu khó tìm hiểu về công nghệ ô tô để cập nhật các kiến thức phục vụ công việc. Theo ông Thư “Sửa chữa ôtô cần độ chính xác và yếu tố kỹ thuật cao để đảm bảo an toàn của xe, do đó người thợ phải nắm vững tay nghề, không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Nhưng quan trọng nhất là người thợ cần có cái tâm để “bắt” đúng “bệnh”, khắc phục tối đa hỏng hóc để giữ chữ tín với khách hàng”. Tiếng lành đồn xa, dần dần xưởng sửa chữa ngày càng đông khách hơn nhờ sự tỉ mỉ và chu đáo, trở thành một trong những địa chỉ uy tín và hoạt động lâu nhất tại huyện Tiên Lữ, với trên 20 năm.
Tự hào khi nói về anh trai, bà Trần Thị Lơ (em ruột ông Thư) cho biết: “Trời không cho anh tôi thân thể lành lặn như người ta nhưng bù lại anh ấy rất thông minh và chịu khó”. Và minh chứng cho lời nói, bà Lơ chỉ tay xung quanh xưởng của gia đình rồi nói: “Xưởng của chúng tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay, được khách hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh biết đến cũng nhờ có người thợ cả tay nghề cao, khéo léo và có tâm như anh Thư”.
Với anh Phạm Văn Hoan (thôn Toàn Tiến, xã Thiện Phiến), ông Thư như một người thầy đáng kính. Anh cho biết, dù khiếm khuyết đôi chân nhưng ông Thư luôn là tấm gương về nghị lực, tay nghề, đạo đức nghề nghiệp cho mọi người trong xưởng học tập và noi theo. Ông hướng dẫn tỉ mỉ cho những người thợ kỹ thuật sửa xe, từ dễ đến khó với những yêu cầu nghiêm ngặt. Nhờ đó, từ thanh niên chưa có hiểu biết về nghề cơ khí, sửa chữa ô tô, anh Hoan đã trở thành thợ lành nghề với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh đã có 10 năm đồng hành, gắn bó với ông Thư trong công việc sửa chữa ô tô.
Đến bây giờ, ông Thư vẫn không dám tin rằng, với cơ thể khiếm khuyết như thế, ông lại lấy được người vợ tảo tần, đảm đang và là bố của 2 anh con trai khỏe mạnh, chăm ngoan, học tập, lao động tốt. Người con trai cả tốt nghiệp Thủ khoa Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, hiện đang công tác tại Tổng Công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel; con trai thứ hai làm việc tại Công ty Samsung Electronics Vietnam. Ông thầm cảm ơn cuộc đời đã cho ông nghị lực sống, cống hiến và bà con lối xóm, các cơ quan, đoàn thể đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của mình. Mới đây, tại Hội nghị tổng kết Đợt thi đặc biệt chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước tỉnh Hưng Yên, ông Thư là 1 trong số các điển hình tiên tiến được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biểu dương, tôn vinh và tặng Bằng khen.
Chia tay ông “Thư thọt” mà lòng tôi trào dâng niềm cảm phục. Trên đường về vẫn văng vẳng câu nói của ông lúc chia tay: “Điều đáng sợ nhất của con người là bị “tật nguyền” về ý chí, tâm hồn. Chỉ cần có nghị lực niềm tin, dù bị thiệt thòi, khiếm khuyết về cơ thể, người ta vẫn có thể sống có ích, tạo ra các giá trị làm đẹp cho mình, cho cuộc đời”.
Trần Kim Vui