KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 07/11/2019 - Lượt xem: 249
Người cựu nữ du kích Hoàng Ngân kiên trung bảy mươi tuổi Đảng, một trăm linh một tuổi đời

Sinh năm 1918, tại xã Phú Nham, huyện Khoái Châu (từ năm 1955 được tách thành hai xã Phú Thịnh và Thọ Vinh và thuộc huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), trong một gia đình cố nông. Lớn lên trong cảnh áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến, cô thôn nữ Nguyễn Thị Vì đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia đội nữ du kích Hoàng Ngân của xã.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã hăng hái hoạt động trong phong trào cách mạng của địa phương. Từ tháng 10/1946 đến tháng 12/1951 làm ủy viên Ban chấp hành, Phó Bí thư phụ nữ, rồi làm Bí thư phụ nữ xã, kiêm giao thông của xã. Đồng chí đã lãnh đạo đội quân tóc dài, đấu tranh hợp pháp với địch: Chống bắt lính, chống sưu cao, thuế nặng, quyên góp ủng hộ Việt minh. Trong thời gian này (tháng 6/1949), đồng chí Nguyễn Thị Vì được kết nạp Đảng. Tháng 4/1951 trong một lần khi vừa qua sông Hồng sang khu tự do Hà Tây ( Nay thuộc thành phố Hà Nội), nơi Huyện ủy Khoái Châu sơ tán để nhận tài liệu, đồng chí Vì bị địch bắt giam tại bốt Giáng (Phú Xuyên- Hà Tây) bốn tháng, địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn, nhưng đồng chí thể hiện lòng kiên trung với Đảng, một lòng, một dạ theo Bác, theo cách mạng, không hề khai báo. Không tìm được chứng cứ, bọn địch phải thả. Đồng chí tiếp tục công tác. Từ tháng 01/1952 đến tháng 8/1954 được giao nhiệm vụ xã đội phó, chính trị viên phó xã đội, tổ trưởng Đảng thôn Phó Nham. Trong thời gian cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra gay go, khốc liệt, đồng chí Nguyễn Thị Vì đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, cùng lãnh đạo xã, lãnh đạo xã đội tổ chức các trận chiến đấu và phục vụ chiến đấu thắng lợi:
Năm 1950, lực lượng dân quân, du kích xã phối hợp với bộ đội địa phương huyện Khoái Châu, đã phối hợp hai mũi binh vận và công đồn tại bốt lính dõng Hậu Đền xã Phú Nham để làm thông tuyến liên lạc với khu tự do Hà Tây qua sông Hồng, đã tiêu diệt 2 xếp bốt và 1 cai đội, vận động 9 lính ngụy buông súng, ta đưa sang vùng tự do Hà Tây, số anh em này sau đó đã tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, cầm súng đánh giặc.
Ngày 20/02/1952, giặc Pháp tiến hành trận càn mang tên “Lạc Đà” vào địa bàn xã, để chặn mũi tiến công của giặc, lực lượng dân quân, du kích xã Phú Nham đã dựng chướng ngại vật, rào tuyến đường chính nối từ đê sông Hồng và gài mìn chiến đấu ở hai vị trí. Một tên quan ba Pháp hùng hổ nhổ hàng rào tại đoạn đường cửa Văn Chỉ, bị mìn nổ tan xác. Giặc Pháp phải gọi trực thăng đến chở xác. Chúng tiếp tục tiến vào nhổ tiếp hàng rào tại cống Trung (cách hàng rào thứ nhất 300m), mìn nổ, hai tên lính ngụy bị tiêu diệt. Cay cú, giặc Pháp đã đốt hơn bốn chục nóc nhà hai bên đường. Chiến công của lực lượng dân quân, du kích xã Phú Nham đã làm thất bại âm mưu đánh nhanh hòng tiêu diệt lực lượng bộ đội chủ lực huyện Khoái Châu.
Cùng với việc bám dân, bám đất, chiến đấu bảo vệ quê hương xã Phú Nham, đồng chí Nguyễn Thị Vì còn cùng Ban chỉ huy xã đội lãnh đạo các nữ du kích Hoàng Ngân và lực lượng dân quân, du kích xã chiến đấu và phục vụ  chiến đấu trong các trận đánh: Bốt Đường Cái, huyện Văn Lâm và các bốt thuộc các xã An Vĩ, Dân Tiến, Chí Tân - Huyện Khoái Châu.
Hòa bình lập lại, từ tháng 9/1954 đến tháng 7/1955 đồng chí Nguyễn Thị Vì tiếp tục được giao  nhiệm vụ Phó Bí thư, quyền Bí thư Chi bộ xã Phú Nham. Từ tháng 10/1956 đến tháng 4/1959 đồng chí được phân công làm Bí thư Chi bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Phú Thịnh, huyện Kim Động. Đồng chí đã lãnh đạo lực lượng đảng viên và quần chùng nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.
Từ tháng 5/1959 đồng chí được điều động lên công tác tại huyện Kim Động, đồng chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như công tác phụ nữ, tham gia các đoàn công tác khai hoang của huyện Kim Động tại các địa phương:Yên Châu (Sơn La), Văn Bàn (Yên Bái)…
Từ tháng 6/1967 đến tháng 8/1970 đồng chí Nguyễn Thị Vì phụ trách trạm bơm Song Mai- Kim Động. Bà con nông dân các xã thuộc vùng trạm bơm cung cấp nước tưới không quên hình ảnh nữ đồng chí Nguyễn Thị Vì sâu sát từng cánh đồng, thửa ruộng, chỉ đạo công nhân trạm bơm cung cấp nước tưới kịp thời cho những cánh đồng lúa đạt năm tấn một ha. Góp phần thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân” cung cấp cho chiến trường đánh Mỹ.
Từ tháng 9/1970, đồng chí Nguyễn Thị Vì được nghỉ hưu tại quê hương xã Phú Thịnh, đồng chí luôn giữ trong mình dòng máu nhiệt huyết cách mạng. Tích cực tham gia các phong trào tại địa phương như: Xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư: xóa đói giảm nghèo; các cuộc vận động ủng hộ quỹ nạn nhân chất độc da cam, đồng bào bị bão lụt, quỹ khuyến học…Cụ sống thủy chung với đồng chí, đồng đội và bà con lối xóm, nhất là những đồng đội một thời vào sinh, ra tử. Ở vào độ tuổi cực hiếm, cụ cựu nữ du kích Hoàng ngân Nguyễn Thị Vì vẫn không quên người đồng đội nào thủa đánh Pháp. Cụ bùi ngùi khi kể chuyện đã thăm hỏi, tiễn đưa 130/160 hội viên Câu lạc bộ những người kháng chiến chống Pháp xã Phú Nham về cõi vĩnh hằng.
Cụ đã được Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đón xuân Mậu tuất (2018), cụ rất phấn khởi khi được nhận thư chúc thọ 100 tuổi của Chủ tịch nước. Một vinh dự lớn lao đã đến với cụ, vào dịp Quốc khánh 2 tháng 9 năm 2019, đồng chí Đoàn Văn Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, Giám đốc sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, thay mặt Tỉnh ủy trao tặng đồng chí Đảng viên lão thành Nguyễn Thị Vì Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Đồng chí Đoàn Văn Hoà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi đảng cho đảng viên Nguyễn Thị Vì
Thật cảm động với lời nhận xét chí tình của đồng chí Nguyễn Văn Bẩy- Bí thư Đảng bộ xã Phú Thịnh: “ Người Đảng viên lão thành, Cụ cựu nữ du kích Hoàng Ngân  Nguyễn Thị Vì là một trong những biểu hiện sinh động cho khí tiết Người phụ nữ Việt Nam: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Cụ đã giành cả tuổi thanh xuân và suốt đời cống hiến cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Cụ như một pho tư liệu lịch sử sống động, là tấm gương sáng về lòng yêu nước cho các thế hệ xã Phú Thịnh noi theo. Chiến công của các lực lượng vũ trang và nhân dân xã Phú thịnh nói chung và thành tích xuất sắc của cụ đã góp phần vào thành tích chung làm lên danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của địa phương”!
 
Trần Văn Quý
                               
         
 
 
Tin liên quan