KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 07/04/2022 - Lượt xem: 213
Người đưa giải pháp công nghệ cho ngành chăn nuôi

Từ những thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, nhất là sự bấp bênh, rủi ro trong chăn nuôi đã ám ảnh, thôi thúc anh Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ phát triển nông nghiệp Việt Nam FAGO (trú tại phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên) đã nung nấu ý tưởng về một giải pháp công nghệ Việt để giải bài toán cho người nông dân bứt phá, chăn nuôi an toàn và hiệu quả. Chính vì vậy, từ ý tưởng khởi nghiệp được Tỉnh Đoàn Hưng Yên hỗ trợ, đầu năm 2017, anh Phạm Hồng Sơn chính thức bắt tay vào nghiên cứu sáng lập dự án FAGO.

Anh Phạm Hồng Sơn (ngoài cùng bên phải) giới thiệu sản phẩm của Fago với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
trong triển lãm Đột phá công nghệ Việt năm 2020.
FAGO là tên viết tắt của Farmer Growth (có nghĩa là Nông dân bứt phá), là 1 trong số ít thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất thông qua các giai đoạn như: Sản xuất (hệ thống thiết bị dành cho trang trại), kho vận (hệ thống thiết bị định vị), bảo quản (Hệ thống thiết bị giám sát kho cấp đông mềm). Trong đó, một số sản phẩm và dịch vụ tiêu biểu như: Phần mềm ứng dụng bao gồm giám sát tiểu khí hậu trang trại từ xa; vận hành thiết bị tại trang trại từ xa thông qua Smartphone; cảnh báo các sự cố về điện, khí hậu; cập nhật thông tin kỹ thuật mới. Dịch vụ đào tạo bao gồm tư vấn kỹ thuật trang trại; đào tạo xây dựng quy trình vận hành tại trang trại. Thiết bị chuyên dụng điện tử bao gồm cảm biến vi khí hậu tại trang trại; thiết bị điều khiển qua Smarphone; thiết bị giám sát hành trình; thiết bị giám sát bảo quản cấp đông mềm.
Ban đầu, dự án FAGO của anh Phạm Hồng Sơn cũng gặp không ít gian nan, thậm chí nhiều lần thất bại. Từ những kinh nghiệm rút ra, anh Sơn đã tìm ra hướng đi cho mình, đó phải là công nghệ, thiết bị do chính mình tạo ra. Vì vậy, anh đã tập hợp một nhóm gồm 3 bạn trẻ cùng đam mê bắt tay vào thiết kế, sản xuất công nghệ và thiết bị phục vụ cho ngành chăn nuôi của người nông dân.
Bước đi đầu tiên để người nông dân bứt phá chính là việc họ sẽ sử dụng công nghệ để quản lý, giám sát môi trường tiểu khí hậu trong chuồng nuôi và được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi. Đây là 2 yếu tố vô cùng quan trọng quyết định tới năng suất và chất lượng trong chăn nuôi. Cụ thể, hệ thống thiết bị của FAGO giúp người nông dân quản lý tối ưu các chỉ số về độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, gió… và cảnh báo kịp thời tới người nông dân qua điện thoại thông minh hoặc giao diện Web. Rồi từ đó ứng dụng nâng dần thêm các tính năng khác như quản lý thiết bị ngoại vi từ xa, kênh chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối chuyên nông nghiệp, đơn vị thu mua, đơn vị cung cấp…
Từ ý tưởng thành hiện thực, dự án FAGO của anh Sơn đã đến với các trang trại lợn không chỉ ở Hưng Yên mà còn trên cả nước. Từ trang trại chăn nuôi gia súc, FAGO tiếp tục có những nghiên cứu và đưa ứng dụng thích nghi cả với môi trường chăn nuôi gia cầm. Chỉ với những thiết bị nhỏ gọn nhưng FAGO đã giúp người nông dân mang cả trang trại vào “túi” của mình. Mọi lúc và ở mọi nơi người nông dân vẫn quản lý được độ ẩm, nhiệt độ, gió…; tự động bật, tắt các thiết bị trong chuồng nuôi; được cảnh báo bệnh tật vật nuôi; liên kết với các chuyên gia kỹ thuật tại các tập đoàn thú y lớn…Tất cả thông qua một ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Hiện nay, sản phẩm về nông nghiệp của dự án FAGO đã lắp đặt cho hơn 630 trang trại trên 28 tỉnh, thành phố; giám sát khoảng 700 nghìn con lợn; là đơn vị tư vấn chiến lược cho GRAFT chương trình chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp của Chính phủ Úc cho khu vực Châu Á. Sau khi lắp đặt và sử dụng, FAGO đã có những con số bình quân đánh giá tổng quan từ các trại: giảm 60% vật nuôi chết đột tử, tăng 5,3% trọng lượng xuất bán, quản lý từ xa 24/7 và nhận cảnh báo kịp thời. Để quản lý thông tin tốt nhất, FAGO đã thiết lập tọa độ các trang trại khách hàng, đưa vào bản đồ số. Về lâu dài, đây cũng là yếu tố quan trọng để người dân được thông tin thị trường chính xác, từ đó có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, kết nối người nông dân với thị trường, đơn vị thu mua hiệu quả nhất.
Sau nhiều nỗ lực, dự án FAGO do anh Phạm Hồng Sơn sáng lập đã được ghi nhận: Giải Ba Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức, năm 2019; là một trong 10 ứng dụng có giải pháp đột phá được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn triển lãm, năm 2020; Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Made in Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, năm 2021. Thông qua công nghệ để góp phần nâng tầm, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là lý tưởng mà Phạm Hồng Sơn và các cộng sự đang theo đuổi để giúp người nông dân bứt phá; và hơn cả, là những giá trị về sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi của Việt Nam.
Theo Bản tin Thông báo nội bộ
Tin liên quan