Những ngày đất trời sang xuân, tôi ghé thăm một ngôi nhà gỗ truyền thống mới dựng ở xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên). Khoảng sân rộng lát gạch đỏ như làm nổi bật thêm ngôi nhà lợp mái ngói ta, dựng hoàn toàn bằng gỗ với những đường chạm trổ, điêu khắc khéo léo, tinh tế. Và đây chỉ là một trong số rất nhiều ngôi nhà gỗ truyền thống được dựng lên bởi anh Đoàn Bá Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất gỗ, nông sản Ngọc Anh (xã Liên Phương) và những người thợ của mình.
Một trong những công trình nhà gỗ truyền thống do công ty của anh Nguyễn đang xây dựng
Xuất thân từ nghề thợ mộc, anh Nguyễn đã không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và tay nghề để trở thành người xây dựng nhà gỗ tài hoa, nổi tiếng không chỉ trong vùng, trong tỉnh mà còn trong cả nước.
Anh Nguyễn chia sẻ: Gắn bó với nghề mộc gần 20 năm nay, tôi đặc biệt thích nhà gỗ truyền thống. Tôi đi khắp các tỉnh nổi tiếng về nghề mộc như: Nam Định, Hải Dương... để học hỏi kỹ thuật dựng nhà gỗ tốt nhất, đẹp nhất. Đến khi đã tự tin với nghề, năm 2017 tôi thành lập doanh nghiệp rồi tập hợp riêng đội thợ cả trong và ngoài tỉnh cho doanh nghiệp của mình, nhận hợp đồng xây dựng nhà gỗ truyền thống và các công trình gỗ trong cả nước như: Đình, đền, chùa... Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp của tôi xây dựng được 6 – 7 căn nhà gỗ truyền thống.
Xưởng mộc của anh Nguyễn được đặt tại xã Liên Phương, nơi luôn có những người thợ chăm chỉ và giỏi tay nghề làm việc quanh năm. Tiếng máy rộn rã, những hình chạm khắc hoa văn đẹp mắt, từ “tứ linh”, “tứ quý” đến cỏ cây, hoa lá, mây trời... đều như sống động hiện lên trên thớ gỗ, kèo, cột, trở thành một phần của ngôi nhà. Sự tài hoa và ham học hỏi của người thợ đã biến thân gỗ vô tri đơn thuần thành đủ hình dáng đẹp mắt, bền bỉ với thời gian, là niềm tự hào của gia chủ. Mỗi căn nhà gỗ truyền thống phải xây dựng từ 3 đến 6 tháng, trong điều kiện đã được chuẩn bị nguyên liệu từ trước. Những ngôi nhà lớn, cầu kỳ cần thời gian lâu hơn, có thể là vài năm, mặt khác còn tùy thuộc vào địa hình, thời tiết, chất liệu.
Theo anh Nguyễn, làm nhà gỗ không đơn giản như xây nhà bê tông, cốt thép. Quá trình làm việc đòi hỏi sự am hiểu phong thủy và sự tỉ mỉ, khéo léo, đặc biệt là tài hoa của người thợ. Bởi, một ngôi nhà gỗ theo kiến trúc cổ không chỉ cần kiến trúc, sự hài hòa, thẩm mỹ mà còn chứa đựng hồn cốt, nét văn hóa truyền thống. Mỗi khi nhận công trình, anh thường hội ý với thợ giỏi để không bỏ qua những chi tiết quan trọng. Một nếp nhà gỗ dù là 5 gian hay 3 gian đều phải qua nhiều công đoạn: Lựa chọn loại gỗ, tạo hình, thiết kế, điêu khắc trang trí, gia công đục đẽo, lắp ráp, dựng, cất nóc, tất cả đều đòi hỏi công phu, kỹ lưỡng.
Hiện nay, việc làm nhà gỗ truyền thống được hiện đại hóa bởi ngoài đồ nghề truyền còn có cả máy móc nên các công đoạn được rút ngắn nhiều. Nhưng thiết kế cơ bản và nghệ thuật tạo hình cho gỗ luôn đòi hỏi sự kỳ công, nhất là với cột cái, cột quân, xà, bờ, trụ... Ông Vũ Văn M., vừa dọn về ngôi nhà gỗ truyền thống ở huyện Văn Giang do công ty của anh Nguyễn xây dựng chia sẻ: Một ngôi nhà nhìn bình dị, gợi nhớ tuổi thơ, nhưng bên trong lại tiện nghi, không gian ấm cúng, khoáng đạt... tôi thật sự hài lòng.
Nhiều năm qua, anh Nguyễn vừa làm nhà mới cho các gia đình yêu thích vẻ đẹp cổ điển, lại vừa phục dựng, làm mới nhiều ngôi nhà gỗ cổ truyền thống, đảm nhận các công trình và phục chế các di tích lịch sử, đình, chùa... Thông qua tiếp xúc, nghiên cứu nhà cổ và di tích lịch sử ở nhiều địa phương, anh Nguyễn có điều kiện mở rộng kiến thức, học hỏi kinh nghiệm và lĩnh hội tinh hoa của nghề, phục vụ cho quá trình xây dựng của mình. Trong quá trình tìm hiểu, anh Nguyễn đặc biệt hứng thú với những ngôi nhà gỗ có hoa văn cổ tinh xảo mang dấu ấn ở từng thời kỳ lịch sử của Việt Nam. Qua đó, giúp người dân có nhu cầu chọn được nếp nhà phù hợp, tâm đắc, vừa góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc trong thời hiện đại.
Tiếng lành đồn xa, từ những công trình đầu tiên ở quê nhà, nhiều người tìm đến anh để ký hợp đồng xây dựng, trong đó có nhiều hợp đồng lớn ở các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang... Với kinh nghiệm rút ra từ mỗi đơn hàng, anh Nguyễn tập trung nâng cao chất lượng, tìm kiếm những người thợ có tay nghề cao và tìm hiểu sâu hơn về kiến trúc nhà gỗ ở mỗi vùng miền, thiết kế phù hợp với văn hóa sinh hoạt và thời tiết để đem lại giá trị lâu bền cho người sử dụng.
Đến nay, những ngôi nhà gỗ mang thương hiệu công ty anh Nguyễn đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố, thậm chí ở nước ngoài như: Lào, Campuchia. Anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 30 – 35 lao động với mức thu nhập từ 8 triệu đồng/người/tháng trở lên và nhiều lao động thời vụ, lao động theo công trình khác. Say mê xây dựng nhà gỗ truyền thống không chỉ giúp anh thỏa lòng yêu thích trong công việc, đem lại nguồn thu nhập cao, mà mỗi ngôi nhà, mỗi công trình đậm nét đẹp truyền thống của người Việt được dựng lên còn tồn tại mãi với thời gian, gắn bó với các gia đình, với nhiều thế hệ, góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc.
Nguồn: https://baohungyen.vn