Thực hiện việc sắp xếp ĐVHC, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức (CB,CC), người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) ở cấp xã thực hiện sáp nhập đó là việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với CB,CC dôi dư thế nào cho thỏa đáng.
Xã Nhuế Dương (Khoái Châu) triển khai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính
Chị Trần Thị Thu hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nhuế Dương (Khoái Châu), đây là 1 trong 10 xã, thị trấn của huyện Khoái Châu thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025. Dù rất hiểu, đồng tình với chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về việc sắp xếp ĐVHC nhằm tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC của hệ thống chính trị, góp phần xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả song, chị Thu vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng cho mình và đồng nghiệp ở những nơi sáp nhập 2, thậm chí 3 ĐVHC, điều đó đồng nghĩa sẽ dôi dư 1 - 2 bộ máy quản lý, điều hành ở những ĐVHC sau sáp nhập. Cán bộ trẻ, có bằng cấp chuyên môn phù hợp với nhu cầu thị trường lao động có thể tìm việc làm mới, cán bộ cao tuổi có thể chấp nhận khó khăn, thiệt thòi một chút để nghỉ chế độ hưu trí sớm. Nhưng với không ít người trung tuổi, thời gian đóng bảo hiểm xã hội khoảng hơn chục năm như chị, nếu tiếp tục công việc thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải khó khăn trong việc cân nhắc, lựa chọn, bố trí cán bộ, còn nếu bắt đầu một công việc mới cũng chẳng hề đơn giản.
Suy nghĩ của chị Trần Thị Thu cũng là boăn khoăn của không chỉ những CB,CC,NHĐKCT ở các xã, phường, thị trấn thực hiện sắp xếp ĐVHC mà được đông đảo Nhân dân quan tâm. Theo thống kê của Sở Nội vụ, dự kiến toàn tỉnh sẽ có khoảng 400 CB,CC,NHĐKCT dôi dư do sắp xếp ĐVHC. Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của đội ngũ cán bộ dôi dư, ngày 3/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế. Theo đó, người nghỉ hưu trước tuổi, sẽ không bị trừ tỉ lệ lương hưu; được trợ cấp 3 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định; được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương. Đối với người thôi việc ngay, được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đối tượng CB,CC dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định còn không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu; được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương. Đối với nữ CB,CC cấp xã dôi dư nghỉ công tác có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu mà có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định còn không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được hưởng trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân, được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định... Nghị định còn quy định rõ chế độ, chính sách đối với CB,CC,VC cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp; chế độ, chính sách đối với NHĐKCT dôi dư do sắp xếp ĐVHC. Ngoài ra, mức hỗ trợ của tỉnh đối với NHĐKCT dôi dư được quy định tại Nghị quyết số 439/2023/NQ-HĐND ngày 7/12/2023 của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với NHĐKCT cấp xã, thôn, tổ dân phố (T,TDP); mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, T,TDP. Để bảo đảm cân đối, phù hợp với các chế độ, chính sách đối với đối tượng thực hiện phương án sắp xếp ĐVHC, Sở Nội vụ đang tham mưu với UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với CB,CC cấp xã, viên chức, NHĐKCT ở cấp xã dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp ĐVHC cấp xã; NHĐKCT ở T,TDP và người trực tiếp tham gia hoạt động ở T,TDP, lực lượng bảo vệ dân phố dôi dư, nghỉ công tác do sáp nhập T,TDP trên địa bàn tỉnh Hưng Yên để trình HĐND tỉnh trong thời gian tới.
Giờ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính
của UBND xã Dị Chế (Tiên Lữ) Ảnh minh hoạ
Thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 nhằm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị. Việc thành lập ĐVHC mới trên cơ sở sắp xếp các ĐVHC cũ sẽ khiến tổ chức bộ máy, cán bộ thay đổi. Để làm tốt công tác tổ chức cán bộ sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần đánh giá, phân loại cán bộ công tâm, khách quan; lựa chọn cán bộ thực sự đủ năng lực, uy tín để giao nhiệm vụ; tổ chức bộ máy và tập thể lãnh đạo ĐVHC mới phải đan xen hài hòa giữa các đơn vị cũ. Nhưng, quan trọng nhất là lựa chọn được cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín để đảm nhận tốt nhiệm vụ mới. Chính sách hỗ trợ CB,CC,NHĐKCT dôi dư sau sáp nhập là để CB,CC,NHĐKCT yên tâm nghỉ việc, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. Với trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, mỗi CB,CC,NHĐKCT ở các địa phương cũng cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các quy định của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Quan điểm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh là bảo đảm tối đa quyền lợi cho CB,CC,NHĐKCT dôi dư, không để cán bộ “dôi dư” băn khoăn khi thực hiện sắp xếp ĐVHC.
Nguồn: https://baohungyen.vn