Hiện nay, trà lúa xuân của tỉnh đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đây cũng là thời điểm bị chuột phá hoại nhiều. Bên cạnh áp dụng các phương pháp diệt chuột an toàn, một số hộ dân trong tỉnh vẫn sử dụng điện để bẫy chuột, tiềm ẩn nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của người dân.
Tháng 7/2020, ở thôn Lã Xá, xã Cẩm Ninh (Ân Thi) có 2 người bị tử vong do mắc vào dây điện dùng để bẫy chuột của người dân trong thôn. Tháng 3/2021, tại cánh đồng thuộc thôn Hoan Ái, xã Tân Việt (Yên Mỹ) cũng đã xảy ra 1 vụ dùng xung điện bẫy chuột khiến 1 người tử vong. Mặc dù đã từng xảy ra những vụ việc đau lòng từ việc sử dụng xung điện để bẫy chuột; ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền tác hại của việc sử dụng điện để bẫy chuột, chế tài xử phạt nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho con người.
Sử dụng điện để bẫy chuột ở xã Văn Nhuệ (Ân Thi)
Trên cánh đồng lúa ở xã Hoàng Hoa Thám (Ân Thi) hiện nay có nhiều thửa ruộng đang được người dân dùng điện để bẫy chuột. Dây điện để bẫy chuột có chiều dài hàng chục mét, đã bóc lớp vỏ nhựa, để lộ rõ lõi dây đồng và được chủ ruộng kéo dài, bao xung quanh dưới ruộng lúa; dây điện cách mặt nước khoảng 2 – 3cm. Ở 4 góc ruộng có cắm các cọc tre và đấu điện “bóng quả nhót” màu đỏ để cảnh báo vào ban đêm. Thậm chí, có chủ ruộng chỉ lắp 1 “bóng điện quả nhót” để làm dấu hiệu cảnh báo cho cả khu ruộng rộng khoảng 1 sào. Theo chia sẻ của anh Lê Văn Huy, người dân trong xã, cánh đồng sử dụng điện để diệt chuột chủ yếu gần khu dân cư, gò, đống có tỉ lệ chuột gây hại cao. Đi đường vào ban ngày, có thể dễ dàng nhìn thấy những đoạn dây điện nằm trên mặt nước được nối vào cọc tre chạy dọc theo bờ ruộng. Vào buổi tối, lúc chủ ruộng cắm điện thì dễ dàng phát hiện bởi có tín hiệu đèn ở dưới ruộng. Mặc dù lúc cắm điện diệt chuột có người trông coi nhưng vẫn rất nguy hiểm. Trời tối, không may ngã xuống thì không lường trước được chuyện gì.
Để bảo vệ mùa màng, hiện nay, một số hộ dân ở xã Văn Nhuệ (Ân Thi) cũng sử dụng điện để bẫy chuột. Theo nhận định của người dân trong xã, ngoài việc chăng, quây ni lông xung quanh ruộng để ngăn chuột không vào ruộng phá hoại lúa, một số hộ dân có ruộng gần nhà còn chăng dây điện để tăng “hiệu quả” của việc diệt chuột. Thời gian kích hoạt nguồn điện để diệt chuột thường từ 18 đến 23 giờ.
Chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có khả năng sinh sản nhanh, nhiều, nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Để hạn chế mức thấp nhất tác hại do chuột gây ra, hằng năm, ngành nông nghiệp và PTNT có văn bản hướng dẫn các địa phương giải pháp diệt chuột kịp thời, hiệu quả; tổ chức đợt cao điểm diệt chuột đồng loạt bằng biện pháp hóa học, sinh học kết hợp với thủ công. Một số xã còn thành lập tổ, nhóm đánh bắt chuột chuyên nghiệp, an toàn như: Xã Đình Cao (Phù Cừ), Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên)…
Sử dụng điện để bẫy chuột là hành vi vi phạm pháp luật. Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có quy định: Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định pháp luật. Ngoài ra, nếu gây ra hậu quả chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự…
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, bảo vệ mùa màng, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương phải thực hiện diệt chuột thường xuyên nhưng cần xác định các đợt cao điểm để phát động chiến dịch diệt chuột nhằm đạt hiệu quả cao. Diệt chuột bằng nhiều hình thức, kết hợp nhiều biện pháp (hoá học, sinh học, thủ công); trong đó, biện pháp sinh học và thủ công là chủ yếu. Thời điểm cây lúa đẻ nhánh đến đứng cái, làm đòng, người dân nên sử dụng biện pháp bẫy, căng ni lông, đào hang bắt chuột, tuyệt đối không dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người để bắt chuột.
Nguồn: https://baohungyen.vn