Trong phòng làm việc của nhà thơ, doanh nhân Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty may Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam có bức thư họa được treo trang trọng "Trăm năm trước thì ta chưa có/ Trăm năm sau có cũng như không/ Cuộc đời có có không không/ Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi". Vị CEO từng vinh dự đứng trong tốp 100 doanh nhân tiêu biểu toàn quốc cười điềm đạm "Bức thư họa này vốn là của nữ giám đốc tiền nhiệm công ty để lại, mình đã giữ gìn, hy vọng người kế nhiệm sẽ vẫn thuộc nằm lòng như chúng mình".
Nhà thơ, doanh nhân Nguyễn Xuân Dương bên cán bộ, công nhân Công ty may cổ phần Việt Ý
Chuyện tình của người mẹ bị bệnh phong
Thế gian không thiếu câu chuyện cảm động về người mắc bệnh phong, nhưng ít ai biết rằng, thân mẫu của nhà thơ, doanh nhân Nguyễn Xuân Dương cũng mắc phải căn bệnh quái ác đó. Không còn vẻ hóm hỉnh, linh hoạt như thường lệ, khi kể về mẹ, ánh mắt của vị doanh nhân rưng rưng, giọng thì nghèn nghẹn, khắc khoải.
Cũng như bao cô gái xinh đẹp và hoạt bát nức tiếng của vùng đất Trai Trang (Yên Mỹ), mẹ ông về nhà chồng trong mộng đẹp thanh xuân. Song mọi ước mơ bỗng chốc vỡ tan khi bà phát hiện mình bị bệnh phong. Quá đau buồn và tủi phận vì bị nhà chồng hắt hủi, xua đuổi về nhà đẻ, trong phút cùng quẫn, quẩy gánh lên vai, bà bước chân đi tìm nơi giải thoát số phận nghiệt ngã. Run rủi làm sao bà bỗng gặp một cụ lang chuyên bốc thuốc cứu người. Cảm thương cô gái nhỏ xấu số, cụ thuyết phục cô theo về nhà mình chữa bệnh. Từ đây, bà gặp được mối lương duyên trời định với người con trai của cụ lang. Vượt qua bao đàm tiếu, thị phi, ông bà đến bên nhau và lần lượt sinh ra 3 người con.
Trận càn khủng khiếp của Pháp năm 1949 khiến cơ sở cách mạng ở Khoái Châu bị vỡ tan tác, bà cùng chồng ôm các con chạy loạn, lần nữa trở về nhà đẻ tá túc. Một mình bà gồng gánh, tảo tần hàng xáo nuôi 3 con thơ khi chồng bị địch bắt, rồi được bảo lãnh ra khỏi bốt nhưng phải phiêu dạt lên tận Hà Nội làm ăn, buôn bán.
Nguyễn Xuân Dương ra đời vào cuối xuân năm Quý Tỵ (1953). Vì thương vợ hồng nhan vất vả, khuya sớm một mình, cha ông yêu thương chọn cho cái tên "Xuân Dương" với thật nhiều hy vọng, mong ước, trong đức tính mềm mại, ôn nhu, thái âm của rắn, có tràn đầy năng lượng ấm áp, tích cực của ánh nắng mùa xuân, thái dương. Và như thế, định mệnh cuộc đời ông đã được sắp sẵn, cất giấu những ủy mị, yếu mềm, khát khao tìm về bản ngã, để vươn lên phía trước, tỏa ánh sáng dẫn đường, chăm lo, dẫn dắt cho biết bao số phận, cuộc đời, nhất là những người phụ nữ vốn yếu thế, dễ bị tổn thương, được bình yên, hạnh phúc.
Thăng trầm cùng ngành May
Sau 4 năm rèn luyện trong quân đội, Nguyễn Xuân Dương tiếp tục hoàn thành khóa học Chế tạo máy (Đại học Cơ điện Bắc Thái) và khóa đào tạo sĩ quan dự bị. Năm 1982, theo nguyện vọng cá nhân, anh được phân công về công tác tại Xí nghiệp May Hải Hưng. Quãng thời gian này, biết bao thử thách của cuộc sống dồn dập đổ ập lên vai anh, từ việc người con trai thứ hai không may đổ bệnh nặng, chịu di chứng suốt đời, tới việc vợ chồng anh quyết định sinh thêm con, chấp nhận những "án phạt" do vỡ kế hoạch, mà điều khiến anh tiếc nuối, buồn bã nhất là không được chuyển đảng chính thức. Không đắm chìm trong cảm xúc tiêu cực, anh quyết tâm làm trụ đỡ vững chắc của gia đình bằng cách vừa học thêm chuyên ngành may ngoài giờ để nâng cao chuyên môn, vừa mua máy may về nhà làm thêm. Tại công ty, lúc ở Phòng Tổ chức, khi ở Phòng Kỹ thuật, lăn xả, sâu sát với công việc giúp anh phát hiện ra những bất cập trong quản lý sản xuất và kỹ thuật trong các chuyền cắt may, từ đó đề xuất những phương án cải tiến được Ban Giám đốc và công nhân hoan nghênh nhiệt liệt.
Hai năm được rút về làm Trợ lý Giám đốc càng khiến Nguyễn Xuân Dương bộc lộc tốt năng lực và sự quyết đoán của mình. Với sự tín nhiệm cao, anh được bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc Xí nghiệp khi mới 35 tuổi (năm 1989). Niềm vui đến cùng lúc với những lo toan và trách nhiệm nặng nề trước sứ mệnh chung vai gánh vác, chăm lo đời sống cho hơn 1.000 công nhân trong cơn lốc sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Như một hiệu ứng đôminô, toàn bộ thị trường của những khách hàng truyền thống Liên Xô và các nước Đông Âu không còn. Công nghệ sản xuất thì lạc hậu, ngoài sản xuất hàng bảo hộ lao động, công nhân gần như không biết một kỹ thuật nào khác. Đứng bên bờ vực phá sản, lại thêm một số ý kiến trên Bộ Công nghiệp đề xuất giải tán Xí nghiệp, Phó Giám đốc trẻ Nguyễn Xuân Dương cùng Ban Giám đốc buộc phải có lời giải sớm. Cuộc cân não thật khốc liệt, nếu chỉ là số phận một, hai gia đình những thành viên cấp cao của Xí nghiệp thì đơn giản biết bao, nhưng đằng này là cuộc sống áo cơm thường nhật và tương lai của gia đình hàng nghìn công nhân, bấy lâu gắn bó với nghề may, nếu nay không còn Xí nghiệp thì chưa biết sẽ đi đâu, làm gì để sinh sống? Phương án khơi thông, phát triển thị trường về phía Bắc tỉnh đặt ra rồi lại khép lại trong những bất đồng quan điểm giữa Ban Giám đốc và Đảng ủy Xí nghiệp. Ngay từ đó, trong Nguyễn Xuân Dương đã có một suy nghĩ nung nấu, phải tìm được tiếng nói chung thực sự giữa cấp ủy đảng với lãnh đạo Xí nghiệp, có như vậy mới tạo được sức mạnh đồng lòng, vươn cao, vươn xa.
Cơ may đã đến khi dự họp tổng kết ngành May toàn quốc năm 1990, nghe Giám đốc Công ty May Hữu nghị phát biểu về tình trạng thiếu lao động tại các công ty may mặc ở trong Nam, trực giác nhanh nhạy đã giúp ông tìm ra lối thoát cho cả Công ty. Rất nhanh chóng, ông tiếp cận và đặt vấn đề hợp tác giữa hai công ty. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, 100 công nhân ở Hưng Yên được điều động, bố trí vào miền Nam vừa làm vừa học nâng cao kỹ thuật cắt may. Lúc này, ông như con thoi vào Nam ra Bắc, vừa chỉ đạo công việc, vừa động viên anh chị em. Khi công nhân đã thành thục với yêu cầu kỹ thuật của các mặt hàng may mặc mới, ông lại thuyết phục được Ban Giám đốc mời chuyên gia trong Nam ra khảo sát, tư vấn cho xí nghiệp. Ông lao tâm khổ tứ để đạt được sự đồng thuận trong Ban Giám đốc về quyết định "chơi lớn", dốc toàn bộ vốn liếng dự trữ để mua sắm, cải tiến thiết bị, nhà xưởng, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất theo công nghệ mới. Thành quả đạt được tốt đẹp hơn cả mong đợi khiến toàn Xí nghiệp càng tin tưởng vào năng lực, tâm huyết của ông hơn.
Khó khăn trước mắt đã vượt qua, hướng đi mở rộng, phát triển thị trường lại tiếp tục được ông đưa ra bàn bạc trong Đảng ủy và Ban Giám đốc. Trước sự nỗ lực và nhiệt huyết của ông, chủ trương mở thêm cơ sở sản xuất ở trục Quốc lộ 5 thuộc huyện Mỹ Hào, Hưng Yên để tiếp cận nhanh với khách hàng, mở rộng thị trường vào Tây Âu và Nhật Bản cuối cùng cũng thành hiện thực. Lại một lần nữa ông tự nguyện bứt phá, văng mình khỏi địa bàn thân quen, cùng cộng sự lăn lộn, xây dựng từ đầu, từ các thủ tục ban đầu xin dự án, đến san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng và đào tạo công nhân…
Khi Công ty May Hưng Long đã nên vóc, nên hình, làm ăn suôn sẻ cũng là lúc có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Bó đũa chọn cột cờ, Hưng Long là cái tên được xướng lên trong danh sách những đơn vị được chọn làm thí điểm cổ phần hóa. Cái tên Nguyễn Xuân Dương lại gắn liền với quá trình tìm đường phát triển mới của Công ty cổ phần May và dịch vụ Hưng Long. Từ sản xuất kế hoạch hóa tập trung, nay sản xuất theo cơ chế mới, không còn dựa vào bầu sữa ngân sách nhà nước mà phải tự hạch toán, cân đối sao cho vừa phát triển sản xuất, vừa đảm bảo chăm lo tốt đời sống công nhân. Bài toán được ông giải gọn gàng, xuất sắc trong sự thán phục của bao người. Không chỉ vậy, đây còn là tiền đề, là cơ sở để thực hiện cổ phần hóa trong toàn Công ty, đến năm 2005, Công ty cổ phần May Hưng Yên chính thức hoạt động, đánh dấu bước chuyển mình, lớn mạnh không ngừng trong giai đoạn tiếp theo dưới sự dẫn dắt của doanh nhân tài hoa, tâm huyết Nguyễn Xuân Dương.
Gần 10 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty (2005 - 4/2014); tới khi nghỉ chế độ, chỉ giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên - Hugaco (2014 -2019), thấu hiểu sâu sắc đặc thù của một tổ chức đảng ở doanh nghiệp, lại là doanh nghiệp cổ phần, vấn đề lợi nhuận được quan tâm hàng đầu, để gắn kết công tác xây dựng Đảng, tạo sự đồng thuận cao giữa cấp ủy đảng, Ban lãnh đạo và người lao động thì “Tiền lương và thu nhập người lao động là thước đo năng lực và đạo đức của người quản lý”. Thế nên, dù không hề dễ dàng, ông vẫn luôn triệt để thi hành đồng thời 5 hướng chiến lược: làm tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn thể; đào tạo nhân sự cấp cao; đi tắt đón đầu công nghệ; giữ người lao động bằng những ưu việt từ chế độ tiền lương, thưởng, an sinh xã hội; thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội. Trái ngọt cho những kiên trì, nỗ lực của ông và Tổng Công ty, đó là dù giữa cơn lốc chảy máu chất xám, khó khăn giữ chân người lao động, Hugaco vẫn vững vàng và không ngừng phát triển, mở rộng thị trường, là một trong những lá cờ đầu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Từ vốn điều lệ ban đầu khi công bố hoạt động của Công ty cổ phần May Hưng Yên tháng 1/2005 là 13,5 tỷ đồng, đến hết năm 2018, vốn điều lệ của Hugaco đã lên tới 135,5 tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu của 13 công ty trong toàn hệ thống Hugaco đã tăng lên trên 500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 380 triệu USD, doanh thu đạt 1.750 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đạt mức 320 tỷ đồng; thu nhập bình quân của công nhân đạt mức 9 triệu đồng/người/tháng. Đảng bộ Tổng công ty luôn giữ vững truyền thống là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu của Đảng bộ tỉnh.
Nắng xuân ấm áp
Trong đời, Nguyễn Xuân Dương đau đáu hai lời hứa với hai người phụ nữ có ảnh hưởng quan trọng tới ông, đó là mẹ ông, người phụ nữ đảm đang, vất vả, và người lãnh đạo tiền nhiệm của ông, nữ giám đốc Lương Thị Hữu. Với mẹ, ngày nối ngày vác chục cân đường trên vai bán đổi kiếm tiền thời thơ ấu đã cho ông nỗi khâm phục nghị lực vĩ đại của mẹ và lời hứa sẽ sống tốt, sẽ "kinh doanh" rất giỏi để mẹ được nở mày nở mặt, gột cho mẹ nỗi đau đớn, tủi phận tuổi trẻ. Với "chị Hữu", cách mà ông vẫn trân trọng gọi về "bông hồng thép", 2 năm là trợ lý, 10 năm là Phó giúp việc cho bà khiến họ như cặp bài trùng hoàn hảo để ông được cống hiến và khẳng định năng lực, ông nợ bà một lời hứa song trùng - tiếp tục gìn giữ và phát triển Hugaco; quan tâm bồi dưỡng, dìu dắt lao động nữ.
Ngày ông tròn 60 tuổi, được nhà nước cho nghỉ chế độ, chính thức bàn giao chức vụ Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy cho nữ lãnh đạo Phạm Thị Phương Hoa trong ngập tràn hoa và nồng nhiệt lời chúc mừng ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước phân công, ông mỉm cười thật nhẹ nhõm, ông đã giữ tròn chữ Tín. Đến nay, trên bệ phóng ông đã dày công xây dựng, hàng chục nghìn chị em trong tổng số trên 15.000 công nhân của ngôi nhà chung Hugaco có việc làm ổn định, thu nhập cao so với mặt bằng chung, yên tâm công công tác; hàng trăm chị em có năng lực, uy tín được quan tâm, phát hiện và bồi dưỡng, bố trí làm trưởng tổ, trưởng xưởng; nhiều chị em từ người thợ đã trưởng thành, đảm nhiệm các vị trí quan trọng của hệ thống như chị Trịnh Thị Bích Ngọc, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tiên Hưng; chị Phạm Thị Lan Hương, Tổng Giám đốc Công ty May xuất khẩu Ninh Bình… Còn nữa, hai con gái của ông sau một thời gian học tập, đúc rút kinh nghiệm tại Hà Nội cũng đã trở về quê hương, nối nghiệp bố, tự lập gây dựng sự nghiệp với Công ty cổ phần may Việt Ý, tạo việc làm cho trên 1.200 lao động.
Rút khỏi công tác quản lý trực tiếp, dù quỹ thời gian không hề dư dả, song vị Chủ tịch Hội đồng quản trị đầy nhiệt huyết của Hugaco vẫn sẵn sàng gánh lên vai những công việc "tù và hàng tổng": Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên; Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Thơ, Hội Văn học - Nghệ thuật Hưng Yên… Chỉ cần "ke" được khoảng thời gian phù hợp, ông đều vui vẻ đến dự, động viên mọi hoạt động của cộng đồng như tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; gặp mặt, chúc thọ, trao học bổng; ra mắt tác phẩm nghệ thuật mới. Mỗi năm, cùng với số tiền thuế thu nhập cá nhân đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 1 tỷ đồng, con số ủng hộ, hỗ trợ quỹ hoạt động cho các tổ chức, địa phương, cá nhân của ông cũng lên tới hàng trăm triệu. Năng lượng tích cực của ông cuốn trôi những rụt rè, ngại ngần của mọi người, khiến các thành viên xích lại gần nhau hơn, tự tin thể hiện và bứt phá hơn.
Tháng chín này, Nguyễn Xuân Dương liền lúc ra mắt bạn đọc 2 tập thơ dày dặn, rất chắc tay "Sóng vẫn vọng về" và "Vui cùng con chữ", nghĩa là chưa đầy một năm sau ngày công bố tập thơ đầu tay "Đêm trắng". Nếu tính cả 4 tập thơ in chung, thì gia tài của "nhà thơ trẻ" không hề nhỏ và sức sáng tạo của ông thật đáng nể. Nếu bảo rằng đây là lúc ông có quyền sống cho những đam mê cá nhân cũng đúng, mà nói rằng, đây lại là một "trận tuyến mới" của Nguyễn Xuân Dương thì cũng không sai. Bởi lẽ, trong huyết quản tràn đầy tình yêu đời, yêu người của ông, làm gì cũng phải hết mình, trọn vẹn, như những ánh nắng đầu tiên của mùa xuân xua đi mây mù ảm đạm, như con tằm rút ruột nhả tơ, dâng đời kén vàng óng ánh.
Thanh Mai