KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Di tích lịch sử văn hóa
Đăng ngày: 21/12/2018 - Lượt xem: 391
Những giá trị cơ bản phục vụ khai thác du lịch tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến

Với những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật phong phú và đa dạng Khu di tích Phố Hiến là nơi để tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống cho người dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Đặc biệt, ngày 25/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-TU thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc ban hành Kế hoạch số 60/KH-TU là bước ngoặt mang tính đột phá mở hướng đi hoàn toàn mới trong phát triển du lịch của tỉnh, được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại yếu kém, giúp du lịch Hưng Yên phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và mong đợi của xã hội. Đồng thời, khai thác tối đa các giá trị lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích là động lực phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung.

1. Giá trị lịch sử
Lịch sử Phố Hiến là một quá trình dài, trong đó các di tích là bằng chứng xác thực, tin cậy, phong phú, phản ánh về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội... của Phố Hiến. Đây là kho tàng thông tin, là nguồn cứ liệu lịch sử xác minh và đáng tin cậy khi tìm hiểu về Phố Hiến cổ.
Khu Di tích Phố Hiến hình thành và phát triển là thành quả kết tinh từ quá trình đô thị hoá của Phố Hiến cổ. Vào thế kỷ XVII - XVIII, Phố Hiến trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá với nhiều mối giao lưu quốc tế, nơi đây trở thành điểm trung chuyển và là cửa ngõ của mọi tuyến giao thương đường sông từ vùng biển Bắc Bộ đi sâu vào đất liền tới Kinh thành Thăng Long, thông qua sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình. Cùng với các tuyến giao thương đường sông, các tuyến giao thương ven biển đã nối liền Phố Hiến với các thị trường xa hơn. Từ thời nhà Trần, các thương nhân người Hoa ở Xích Đằng đã có những mối liên hệ với các cảng Hội Triều (Thanh Hóa), Càn Hải và Hội Thống (Nghệ An). Các quan hệ thương mại giữa Phố Hiến và vùng Sơn Nam với các phố cảng Đàng Trong, thông qua các khách buôn nước ngoài càng được tăng cường. Nhờ đó, quan hệ buôn bán với các nước trong khu vực cũng như với các nước phương Tây ngày càng được mở rộng.
Ngoài vị trí trung tâm chính trị của trấn Sơn Nam, Phố Hiến còn mang diện mạo của một đô thị kinh tế. Kết cấu của nó bao gồm: một bến cảng sông, một tập hợp chợ, khu phường phố và hai thương điếm phương Tây (Hà Lan và Anh). Mạch máu giao thương của Phố Hiến là sông Xích Đằng - đoạn sông Nhị Hà chảy sát Phố Hiến. Đây là nơi trung chuyển và là điểm tụ hội của những đoạn đường sông từ biển Đông vào tới kinh thành Thăng Long như tuyến Đàng Ngoài và nhiều tuyến sông khác. Bến cảng Phố Hiến là nơi các tàu thuyền ngoại quốc lưu đỗ để làm thủ tục kiểm soát và xin giấy phép đi tiếp tới Kinh đô. Cùng với bến cảng sông là một các khu chợ khá sầm uất như chợ Vạn ở bến Xích Đằng, chợ Hiến bên cạnh lị sở Sơn Nam, chợ Bảo Châu... Những chợ này đã vượt khỏi khuôn khổ những chợ địa phương để chở thành các chợ liên vùng. Thuyền bè từ Thăng Long - Kẻ Chợ và các trấn gần xa trong nước cũng như nước ngoài đã đến đây buôn bán, trao đổi hàng hoá. Khu phường phố là khu định cư của người Việt và các kiều dân ngoại quốc (chủ yếu là người Hoa) sản xuất và buôn bán với tính chất cố định ở Phố Hiến. Dựa theo các văn bia ở chùa Hiến (1709) và chùa Chuông (1711), Phố Hiến thời đó có khoảng hơn 20 phường. Qua các bia ký có thể đọc được 13 phố và 32 tên cửa hiệu buôn bán như Tân Thị, Tân Khai, Tiên Miếu, Hậu Trường... Trong thế kỷ XVII, có hai thương điếm phương Tây đã được dựng lên ở Phố Hiến: thương điếm Hà Lan (1637 - 1700) và thương điếm Anh Quốc (1672 - 1683). Đây là văn phòng đại diện kiêm nhà kho của các Công ty Đông Ấn của Hà Lan và Anh. Đây là một quần thể kiến trúc được xây bằng gạch, nằm ở phía dưới Phố Hiến, quãng gần thôn Nễ Châu và Vạn Mới. Từ thế kỷ XVIII, quần thể kiến trúc này đã bị huỷ hoại trở thành đồng ruộng[1].
Cũng trong quá trình suy thoái về kinh tế, Phố Hiến đã mất dần đi vai trò quan trọng về chính trị. Bến cảng Phố Hiến do sự bồi lở của sông Hồng ngày càng trở nên bất tiện, làm Phố Hiến ngày càng cách xa dòng sông. Vì vậy, năm 1726, chính quyền Lê - Trịnh đã chuyển trấn lị Sơn Nam sang bên hữu ngạn sông Hồng thuộc huyện Duy Tiên (Hà Nam ngày nay). Năm 1741, trấn Sơn Nam được tách thành Sơn Nam thượng và hạ, trọng tâm chính trị đã chuyển xuống mạn dưới, ở Vị Hoàng (Nam Định). Cũng trong thế kỷ XVII, nhiều biến động xã hội - chính trị dã diễn ra tại địa bàn Phố Hiến. Năm 1730, đê Mạn Trù vỡ, dân của nhiều vùng ở Sơn Nam trở nên nghèo đói, phải tha phương cầu thực. Tiếp đến là những cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu cầu đã tàn phá vùng này, càng làm cho tiềm lực kinh tế của Phố Hiến kiệt quệ. Rồi sau đó là cuộc chiến giữa Tây Sơn và chúa Trịnh. Sang đến thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, vai trò một đô thị kinh tế, một thương cảng quốc tế của Phố Hiến ngày nào giờ đây không còn nữa. Năm 1804, dưới thời Gia Long, trấn lị Sơn Nam thượng từ Phố Hiến đã được di chuyển về Châu Cầu (Phủ Lý). Năm 1831, với cuộc cải cách của vua Minh Mạng, tỉnh Hưng Yên được thành lập, thành tỉnh được xây dựng trên địa bàn Phố Hiến cũ, mang nhiều chức năng quân sự, nhưng đã mất đi hoàn toàn vai trò kinh tế của một trạm hải quan.
Mặc dù bị suy tàn nhưng những dấu tích còn lại của Phố Hiến cho đến nay là cả một quần thể di tích có giá trị về mặt kiến trúc và lịch sử. Đây là nguồn sử liệu vô cùng quý báu, là bằng chứng chân thực nhất minh chứng cho sự hình thành và phát triển của Phố Hiến xưa (nay là thành phố Hưng Yên). Đó là các công trình tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân hơn 50 vùng quê rải rác khắp miền đất nước và cư dân nước ngoài. Trong số đó nhiều công trình còn mang dấu ấn kiến trúc thế kỷ XVII - XVIII. Nét kiến trúc mỹ thuật của từng di tích đều góp phần vào việc chứng nhận làm sáng tỏ các giai đoạn, các thời kỳ lịch sử, là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật, dân tộc, xã hội của Việt Nam nói chung và Phố Hiến nói riêng.
Hoạt cảnh chèo do các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hưng Yên biểu diễn tại Lễ đón nhận di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (2014)
2. Giá trị văn hoá
Khu di tích Phố Hiến là quần thể các đình, đền, chùa, văn miếu,... là nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của các cộng đồng dân cư. Trong lịch sử, đây không chỉ là một đô thị thương cảng, Phố Hiến còn thể hiện dấu ấn của sự cộng cư, hợp cư, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa nhiều dân tộc, thể hiện qua văn hóa vật thể và phi vật thể, qua tín ngưỡng và lễ hội, đặc biệt qua sự hòa nhập của hai cộng đồng cư dân Việt và Hoa ở một giai đoạn nhất định, mà dấu ấn của nó vẫn còn bảo lưu đến ngày nay.
Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, Phố Hiến cũng mang những nhu cầu tâm tinh văn hoá của nhiều cộng đồng người khác nhau, điều này thể hiện qua các công trình kiến trúc. Trong đó, nổi bật là phong cách kiến trúc Việt Nam và phong cách kiến trúc Trung Hoa (với sắc thái vùng Phúc Kiến, phía Nam Trung Quốc). Trong lịch sử, Phố Hiến là một đô thị đa quốc tịch, chiếm tỉ lệ lớn nhất là người Việt và người Hoa. Những kiều dân ngoại quốc khác ở đây là Nhật, Xiêm La, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... Phần lớn người Việt cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác đổ về sinh sống làm ăn, đó là một cộng đồng cư dân tứ xứ. Bên cạnh cộng đồng người Việt sinh sống và xây dựng, tu sửa các công trình văn hoá, tín ngưỡng đình, đền, chùa đền thờ Phật, nhân và thiên thần là người bản địa như: Tướng quân Đinh Điền, Phạm Bạch Hổ, Cao Sơn Đại Vương... Các công trình đó bao gồm: chùa Chuông, đền Trần, đình An Vũ, đền Mây, đền Kim Đằng... Ngoài ra, đông đảo người Hoa đã đến cư trú tại Phố Hiến. Địa điểm tụ cư đầu tiên của người Hoa ở Phố Hiến là Hoa Dương, sau gộp thêm các xã Hoa Điền (Lương Điền), Hoa Cái (Phương Cái) hợp thành Tam Hoa. Các cửa hiệu của Hoa Kiều được tập trung ở Phố Khách, phố Bắc Hoà, Nam Hoà; nhiều nhà xây gạch ngói. Họ xây dựng, tu sửa nhiều đình, đền, chùa, miếu, quảng hội như: Võ Miếu, Đền Thiên Hậu, Đông Đô Quảng Hội, Đền Mẫu, Đình - chùa Hiến, chùa Phố... thờ các vị nhân thần, thiên thần bảo hộ người Trung Quốc như: Quan Vân Trường, Dương Quý Phi, Lâm Tức Mặc, Thái Giám họ Du và thờ Tam Thánh,... Khi việc buôn bán giữa phương Tây và Phố Hiến bị sa sút thì các Hoa thương vẫn trụ lại, gần như nắm giữ độc quyền các hoạt động ngoại thương, họ xây dựng vùng này như một quê hương thứ hai của mình, họ chuyển hoá thành người Minh Hương và đến nay đã Việt hoá hoàn toàn. Rất nhiều người vẫn gìn giữ dòng tộc Trung Hoa, nhưng không còn nói được tiếng Hoa nữa như: họ Ôn, Tiết, Hoàng, Lý, Trần, Bạch, Quách, Mã, Thái, Hà, Hứa, Từ, Lâm, Khu.... Chính cha, ông của họ là những người ngoại quốc đầu tiên đến lập nghiệp ở đây, một cốt lõi để vùng đất này được mở cửa, một yêu cầu thuận lợi cho người phương Tây đến đây buôn bán được thoải mái. Đó cũng chính là điều kiện hết sức quan trọng để Phố Hiến trở thành một trung tâm kinh tế thương mại, mở đầu vào thế kỷ XVI và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XVII - XVIII sau đó.
Khu Di tích Phố Hiến là quần thể di tích về một đô thị, một thương cảng lớn, phát triển rực rỡ trong các thế kỷ XVI - XVII, cũng là một quần thể các công trình kiến trúc tiêu biểu, phản ánh diễn trình kiến trúc - nghệ thuật với những dấu ấn riêng.
Phố Hiến trong thời kỳ phát triển ở thế kỷ XVI - XVII, dân bản địa cũng như các thương nhân nước ngoài đã xây dựng rất nhiều các công trình kiến trúc ở đây như bến cảng, các thương điếm, khu dân cư với khoảng hơn 20 phố, phường sầm uất buôn bán tấp nập. Bên cạnh việc xây dựng các công trình kiến trúc dân sự, trong giai đoạn này, nhiều công trình tín ngưỡng, tôn giáo cũng được trùng tu và xây dựng mới để thờ cúng các vị thần là người bản địa và người nước ngoài. Phố Hiến tập chung chủ yếu là người Việt và người Hoa cho nên các di tích tôn giáo đều mang bản sắc văn hoá của người Việt cũng như người Hoa. Ngoài ra, còn có một số công trình kiến trúc là của nước khác như Nhật Bản và các nước Châu Âu.
Khi Phố Hiến bị suy tàn, kéo theo đó là các công trình kiến trúc cũng dần mai một theo. Dấu tích của Phố Hiến cổ hầu như không còn, hiện hữu tới ngày nay chỉ là những công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo. Song những công trình này lại là thành quả, minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rõ của Phố Hiến - Hưng Yên, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá của dân tộc. Nó không chỉ là tài sản văn hoá của một địa phương hay một quốc gia mà nó còn là một bộ phận cấu thành di sản văn hoá của nhân loại, vẻ đẹp của các công trình tín ngưỡng, tôn giáo trong Khu di tích Phố Hiến là sự kết tinh của nền kiến trúc thuần Việt, kiến trúc Trung Hoa và các nền kiến trúc phương Tây thế kỷ XVI - XVII.
Những công trình kiến trúc thuần Việt như: Chùa Chuông, chùa Nễ Châu, đình - chùa Hiến, đền Mẫu, đền Trần, đền Mây, đền Kim Đằng, đình An Vũ, Văn Miếu. Đây là các công trình kiến trúc do chính người Việt tạo dựng lên. Điểm chung của nó là cách chạm khắc hoa văn chủ yếu là tứ linh, tứ quý, hoa cúc dây, vân xoắn, đầu rồng, rồng cách điệu. Tuỳ theo từng thời mà cách chạm trổ hoa văn khác nhau. Căn cứ vào hoa văn chạm khắc có thể nhận biết được di tích thuộc thời nào. Chùa chuông, đình An Vũ được làm kiểu bốn mái mang nét đặc trưng của kiến trúc thời Lê. Chùa Nễ Châu, đình - chùa Hiến đã được tu sửa nhiều cho nên các mảng chạm khắc chủ yếu là tứ linh, tứ quý, vân xoắn, đầu rồng khoẻ khoắn... mang dáng dấp của nghệ thuật chạm khắc thời Lê - Nguyễn đan xen. Đền Mây, đền Mẫu, đền Trần, đền Kim Đằng, Văn Miếu mang đặc trưng của kiến trúc Nguyễn với kiểu dáng tường hồi bít đốc, các mảng chạm khắc chủ yếu là đề tài tứ linh và tứ quý đan xen.
Những công trình kiến trúc Trung Hoa đan xen kiến trúc bản địa như: Đông Đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, chùa Phố,... Các công trình kiến trúc này do người Hoa ở Phố Hiến xây dựng lên. Nguyên liệu vật để xây dựng được làm sẵn và vận chuyển từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) sang. Mái của các công trình kiến trúc trong di tích chủ yếu là lợp ngói ống. Các mảng chạm khắc tập chung từ Tam quan vào đến khu nội tự. Đề tài chạm khắc chủ yếu được lấy trong các tích cổ và trong dân gian như: Kết nghĩa vườn đào trong chuyện Tam quốc (Võ Miếu), Thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh (Chùa Chuông), Bát mã quần phi, các chép hoá rồng, hoa sen úp, lân hý cầu [4, tr.86]…. mang đậm nét văn hoá Trung Hoa. Trong các công trình kiến trúc này vẫn có sự kết hợp cả kiến trúc Việt. Nguyên nhân là trong quá trình xây dựng các nghệ nhân người Việt cùng được tham gia.
Những công trình kết hợp cả truyền thống kiến trúc Đông - Tây như nhà thờ thiên Chúa giáo được xây dựng từ thế kỷ XVII với dáng vẻ của kiến trúc gô-tích vòm theo kiểu vòng cung ba thuỳ, hình dấu ngoặc. Bên trong các vì đều tạo bằng gỗ chạm và ghép mộng hình vòm 3 thuỳ như phía ngoài nhưng lại có kẻ và bảy tạo dáng và điêu khắc rất Việt. Võ Miếu, tam quan đền Thiên Hậu, nhà Thờ họ Ôn là những công trình kết hợp hài hoà giữa kiến trúc Phúc Kiến và Việt, biểu hiện trên các bộ vì. Cụ thể như con dư vốn là một bộ phận gia cố dưới câu đầu được nghệ thuật hoá, trong kiến trúc đình, đền của Việt Nam, đầu quay vào nhà thì tại tam quan Thiên Hậu hình dạng con dư được tạo dánh thuần Việt thời Lê, nhưng lại đặt dưới quá giang và đầu hướng ra ngoài. Nhiều công trình của kiều dân đã được lợp ngói mũi hài hay ngói vẩy cá của người Việt [4, tr.87].
Ngoài ra, còn có các công trình kiến trúc hầu hết đã bị phá huỷ bởi nhiều nguyên nhân như: Bến Đá là bến cảng chính của Phố Hiến được kè đá để việc bốc xếp hàng được thuận lợi đã bị cát vùi lấp, một số phiến đá bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Chợ Hiến và các chợ từng được ghi trong lịch sử cũng không còn kiến trúc trên mặt đất. Nghĩa địa người nước ngoài nằm trên một khu đất rộng có diện tích tới vài héc ta, một số mộ nhiều năm vô chủ nên mộ chí phần lớn bị vùi lấp hoặc hư hại. Đền thờ Lê Đình Kiên - Trấn thủ trấn Sơn Nam hơn 40 năm vào cuối thế kỷ XVII, người có công gìn giữ an ninh cho Phố Hiến cũng bị phá huỷ, nay chỉ còn dấu tích là tấm bia đá đặt trong khuôn viên khu doanh trại bộ đội ở phường Hồng Châu. Thành Hưng được xây dựng từ sau khi thành lập tỉnh (1831) đã bị phá huỷ vào cuối thế kỷ XIX nay chỉ còn dấu vết mờ nhạt, những dinh thự của Thành Hưng cũng không còn, ở trung tâm Thành Hưng năm 1937 mọc lên một nhà dòng đồ sộ mà nay quen gọi là nhà Thành.
3. Giá trị kinh tế
Khu di tích Phố Hiến được dòng sông Hồng chảy qua bồi đắp, cho nên ngay từ xa xưa, cũng như thời kỳ phát triển và suy tàn, Phố Hiến đã mang trong mình những nét đặc trưng về dân cư, văn hóa với cây đa, giếng nước, sân đình, triền đê quanh co bao quanh những xóm làng. Ngay từ thời Lê Cảnh Hưng (khoảng thế kỷ XVI - XVII) Phố Hiến từng là thương cảng lớn nhất của Đàng Ngoài, với sức mạnh về kinh tế, văn hóa nơi đây được ví “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, tàu buôn của các nước Châu Âu, Châu Á cập cảng tấp nập vào ra. Song do sự chuyển dòng của sông Hồng, Phố Hiến dần đánh mất đi vị thế của mình.
Tuy nhiên, Phố Hiến xưa vẫn còn để lại một quần thể di tích lớn với nhiều tiềm năng phát triển du lịch:
1. Khu di tích Phố Hiến là hệ thống di tích phong phú về đô thị nổi tiếng trong lịch sử. Trong đó có những di tích lịch sử văn hóa hết sức tiêu biểu với Văn Miếu, đền Mẫu, chùa Chuông, đền Trần, Đông Đô Quảng Hội, Thiên Hậu Thượng - Hạ Phố... góp phần hình thành nên hình ảnh thành phố Hưng Yên hiện đại nhưng vẫn lưu giữ được những giá trị nhân văn sâu sắc.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, khoa học thẩm mỹ của Phố Hiến. Thủ tướng Chỉnh phủ đã ký Quyết định số 744/QĐ-TTg, ngày 27-5-2010, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến (Hưng Yên) đến năm 2020 gắn với phát triển du lịch. Quyết định nêu rõ, thông qua quy hoạch sẽ hoàn thiện không gian kiến trúc về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Phố Hiến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch của tỉnh, xây dựng Hưng Yên giàu mạnh, văn minh, trở thành tỉnh khá trong cả nước. Theo đó, phạm vi nghiên cứu của Quy hoạch khoảng 1.883ha, theo ranh giới Phố Hiến cổ và nằm trong giới hạn thành phố Hưng Yên phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thành phố Hưng Yên đến năm 2020. Đây chính là tiền đề để Hưng Yên phát huy giá trị lịch sử, tiềm năng du lịch của mình sau một thời gian dài bị lãng quên.
Đầu tiên là cần thực hiện chi tiết các hạng mục trong quy hoạch phát triển du lịch chung đã được Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt. Thiết nghĩ nếu Hưng Yên có thể khôi phục thành công khu Phố Hiến cổ như phố cổ Hội An thì đó sẽ là một bước đột phá lớn cho ngành du lịch tỉnh nhà, du khách sẽ được thấy lại một Phố Hiến xưa sầm uất “trên bến dưới thuyền”.
2. Khu di tích Phố Hiến, Hưng Yên còn lưu giữ những giá trị du lịch văn hóa phi vật thể khá to lớn, những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phong phú, gắn kết cộng đồng, thể hiện qua các lễ hội truyền thống tiêu biểu như lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, lễ hội tại các di tích (đền Mẫu, đền Trần, đền Thiên Hậu,...)
3. Khu di tích Phố Hiến là nơi lưu giữ những bằng chứng về quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa không chỉ giữa các cộng đồng cư dân Việt, mà còn cả với các cộng đồng cư dân trên thế giới (người Hoa, người Nhật, các nước phương Tây). Điều này dễ nhận thấy thông qua dấu ấn kiến trúc mang phong cách Việt - Hoa đan xen (như đền Thiên Hậu, Đông Đô Quang Hội - Thiên Hậu cung,...) cũng như phong tục thờ cúng tại các di tích này.
4. Khu di tích Phố Hiến tọa lạc trong lòng thành phố Hưng Yên - một đô thị vừa cổ kính, hòa trộn nét mới về phát triển kinh tế bên bờ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây nổi tiếng với những làn điệu truyền thống của quê hương như hát chèo, hát ca trù, hát trống quân; với những vườn nhãn, vườn hoa, cây cảnh, các làng nghề truyền thống… Với những tiềm năng to lớn đó sẽ tạo đà cho ngành du lịch Hưng Yên cất cánh và có vị thế nhất định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Có thể nhận thấy rằng, Khu di tích Phố Hiến là nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quan trọng, sự độc đáo, phong phú, đa dạng của hệ thống các di tích nơi đây tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách, nhằm tìm hiểu vùng đất, con người và yếu tố tâm linh là yếu tố quan trọng, nguồn tài nguyên văn hóa để phát triển ngành du lịch từ đó nâng cao trình độ dân trí, đời sống của người dân địa phương, tạo tiềm lực để phát triển kinh tế của tỉnh.
Xuân Trường
 
 
 

[1] Ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên (2014) “Lý lịch Khu di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên”, Hưng Yên, Tr. 83.

 

Tin liên quan