KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 20/01/2015 - Lượt xem: 612
NHỮNG QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA, VĂN NGHỆ

Phần III: Những nội dung cơ bản của sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn nghệ
III.1. Những nội dung cơ bản và con đường đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện như sau:
III.1.1. Đảng lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, trước hết và quan trọng nhất là thông qua và bằng đường lối và những quan điểm chỉ đạo của mình đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đây là vấn đề cốt lõi và chính yếu nhất của sự lãnh đạo. Đường lối và các quan điểm đó được thể hiện tập trung trong các nghị quyết, văn kiện chung của Đảng và trong các nghị quyết, văn bản riêng, có tính chất chuyên đề về văn hóa, văn nghệ. Tất nhiên, đường lối, quan điểm này không phải ý muốn chủ quan của Đảng áp đặt cho văn hóa, văn nghệ mà bao giờ cũng là kết quả tổng hợp của sự nhận thức những đòi hỏi, mục tiêu của cách mạng, của sự phát hiện, vận dụng những quy luật khách quan của đời sống xã hội, của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và của sự tổng kết thực tiễn bản chất, đặc trưng của văn hóa, văn nghệ dân tộc trong tiến trình lịch sử.
Đường lối, quan điểm đúng, phù hợp với quy luật khách quan, với yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng, với quy luật phát triển của bản thân văn hóa, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu tinh thần của quảng đại quần chúng sẽ là nhân tố quyết định đảm bảo sự phát triển tốt đẹp, phong phú của nền văn hóa mới. Chệch hướng hoặc sai lầm trong đường lối và quan điểm là nguyên nhân có sức phá hoại mạnh mẽ nền văn hóa, từ đó gây tác hại xấu đến bản thân sự nghiệp và mục tiêu của cách mạng.
Lịch sử đã cho chứng ta không ít những kinh nghiệm sâu sắc về sự chệch hướng hoặc sai lầm trong việc xác định đường lối và quan điểm chỉ đạo đối với văn hóa, văn nghệ. Đại cách mạng văn hóa ở Trong đuốc những năm 60 của thế kỷ XX là một dẫn chứng tiêu biểu. Để xây dựng đường lối, quan điểm chỉ đạo nền văn hóa, văn nghệ nước ta qua từng thời kỳ cách mạng, Đảng ta bao giờ cũng xuất phát từ ba cơ sở sau đây: chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về cách 15 mạng, về văn hóa, văn nghệ, thực tiễn cách mạng Việt Nam và truyền thống, đặc điểm của nền văn hóa dân tộc. Vì thế, trong đường lối đó bao giờ cũng là sự thống nhất của tính nguyên tắc chung, tính sáng tạo và tính đặc thù, hay nói cách khác, nó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển đường lối, quan điểm mác xít về văn hóa, văn nghệ vào thực tiễn nước nhà.
Thành quả lý luận trên đây được thể hiện rất rõ rệt trong quá trình hơn 80 năm vận động văn hóa cách mạng và lãnh đạo, xây dựng nền văn hóa mới. Một dẫn chứng tiêu biểu về quá trình tìm tòi không mệt mỏi khoảng gần 50 năm của Đảng trong việc xác định đường lối, quan điểm văn hóa, văn nghệ là luận điểm về nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đã phân tích ở trên.
Khoảng gần 50 năm, các từ ngữ và từng vế của luận điểm được bổ sung, thay thế, điều chỉnh, tưởng rằng chỉ là những thao tác ngôn ngữ, nhưng thực ra đó là một quá trình tìm tòi sâu sắc, gian khổ, gắn chặt với sự vận động và phát triển của thực tiễn và của bản thân tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ.
III.l.2. Lãnh đạo bằng đường lối, quan điểm nhằm định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn hóa, văn nghệ, song trong từng thời kỳ lịch sử nhất định, xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ đó, Đảng chỉ ra những nhiệm vụ lớn cho văn hóa, văn nghệ, đồng thời đề ra hệ thống những giải pháp cơ bản mang tính chỉ đạo để giúp cho những người quản lý và hoạt động văn hóa triển khai các mặt công tác như kế hoạch, chương trình, thể chế hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa cụ thể. Về phương diện này, Đảng ta có nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong việc xác định các nhiệm vụ cụ thể của văn hóa, văn nghệ gắn chặt với từng giai đoạn lịch sử, từ đó tạo điều kiện cho nó đóng góp với hiệu quả cao vào sự nghiệp chung của dân tộc.
III.1.3. Chú trọng thường xuyên và nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa cũng là một nội dung quan trọng của sự lãnh đạo. Kiểm tra để nắm chắc thực chất của tình hình, đanh giá chính xác mức độ đi vào đời sống của các đường lối quan điểm và đặc biệt để chỉ đạo kịp thời, sắc bén, giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình thực liễn, đồng thời khi cần thiết, tiến hành uốn nắn, đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc, sai lầm trong quan điểm xây dựng văn hóa.
Kiểm tra là một trong những con đường hiệu quả nhất thực hiện sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
III.1.4. Sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn nghệ thông qua hệ thống các tổ chức của Đảng, thông qua cơ quan tham mưu của Đảng ở các cấp, thông qua việc phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và thông qua toàn bộ đảng viên của Đảng công tác, hoạt động trong hệ thống chính trị và các tổ chức khác. Ớ đây cơ quan tham mưu của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa luôn luôn giữ vai trò nòng cốt, có nhiệm vụ liên kết, phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham mưu giúp Đảng chỉ đạo, kiểm tra hoạt động văn hóa, văn nghệ. Để thực hiện tốt nội dung trên, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trở nên cực kỳ quan trọng, Thực tiễn đang đòi hỏi phải nâng cao trình độ, tiêu chuẩn, phẩm chất toàn diện của đội ngũ này, trước hết là bản lĩnh chính trị, sự hiểu biết thực sự về văn hóa, văn nghệ, sự gắn bó mật thiết với đời sống, đạo đức trong sáng và sự am hiểu, đồng cảm với người hoạt động văn hóa, biết coi trọng tài năng và nhân cách, biết cách làm việc thích hợp, linh hoạt, chân tình với văn nghệ sĩ.
Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng có nhấn mạnh và chỉ ra một nội dung mới của sự lãnh đạo của Đảng, đó là: "Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước như Bác Hồ đã dạy "Đảng ta là đạo đức, là văn minh ", từ đó Nghị quyết cho rằng: “Gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng”.
III.2 Tính đặc thù của sự lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực văn hóa, văn nghệ
III.2.1. Do nắm bắt và hiểu biết sâu sắc bản chất xã hội và tính đặc thù của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nên ngay sau khi khẳng định sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận khăng khít của công tác có tổ chức, có kế hoạch, thống nhất, của Đảng dân chủ - xã hội, "mang nguồn nhựa sống của sự nghiệp đầy sức sống của giai cấp vô sản vào trong toàn bộ công tác đó”.15
Lênin đã nhấn mạnh tính đặc thù của hoạt động văn học, đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng phải luôn tuân thủ tính đặc thù đó: "sự nghiệp văn học ít thích hợp nhất đối với một sự cào bằng máy móc, đối với sự san bằng, đối với việc số đông thống trị số ít. Đương nhiên, trong sự nghiệp đó tuyệt đối phải đảm bảo phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho khuynh hướng cá nhân, cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung”16.
Không hiểu biết được hai nội dung trên đây trong quan điểm của Lênin về sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn nghệ sẽ dẫn tới những thiếu sót, sai lầm nghiêm trọng và thực chất không thể thực hiện được sự lãnh đạo đó trong thực tiễn. Các căn bệnh giản đơn, nông cạn, hẹp hòi, máy móc, hành chính, mệnh lệnh, thiếu hụt tri thức về văn hóa, lạnh lùng, thiếu sự đồng cảm với hoạt động này… là những dấu hiệu khá phổ biến, bám khá sâu vào nếp nghĩ, phong cách của một bộ phận những người làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa, văn nghệ.
Nói đến tính đặc thù trong lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa, văn nghệ, không được coi đó là thủ thuật lãnh đạo mà phải xác định đó là một yêu cầu, một đòi hỏi khách quan nằm ngay trong bản chất, nội dung và tạo nên hiệu quả của sự lãnh đạo đó. Bản thân đặc trưng riêng biệt, độc đáo của đối tượng được lãnh đạo là nguyên nhân sâu xa quy định tính đặc thù của sự lãnh đạo, hay nói cách khác, khi nhấn mạnh và thấu hiểu đặc trưng của lĩnh vực văn hóa thì tất yếu phải có những giải pháp đặc trưng phù hợp trong quá trình quản lý toàn bộ lĩnh vực đặc thù đó. Trong quá trình lãnh đạo lĩnh vực này, Đảng ta thường xuyên chỉ ra các đặc trưng của nó, vì thế chúng ta đã vượt qua những khó khăn, hạn chế, ngày càng nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo. Quan điểm sau đây được trình bày trong Văn kiện Đại hội VI của Đảng ( 1986) về vị trí đặc biệt của văn học, nghệ thuật đã có tác dụng thực sự sâu sắc đối với quá trình lãnh đạo, quản lý từ khi công cuộc đổi mới bắt đầu khởi xướng: "Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của cơn người"17.
III.2.2. Tính đặc thù trong sự lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ được thể hiện trong toàn bộ quá trình lãnh đạo, trong các khâu cơ bản của quá trình văn hóa, từ sản xuất (sáng tạo), bảo quản (lưu giữ) đến phân phối (truyền bá) và tiêu dùng (sử dụng). Ở đây, cần nhấn mạnh một số nội dung chính của tính đặc thù đó.
Mục tiêu lớn nhất của sự lãnh đạo quản lý văn hóa, văn nghệ là phát huy mọi tiềm năng, khả năng sáng tạo của nó để văn hóa, văn nghệ phát triển thuận lợi, đóng góp được nhiều nhất, hiệu quả nhất cho sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Điều đó có nghĩa là, thói quen và quan niệm cũ, coi lãnh đạo và quản lý thường đồng nghĩa với nỗ lực đưa văn hóa, văn nghệ vào khuôn khổ, “khuôn phép”, dùng các mệnh lệnh hành chính máy móc… phải bị bác bỏ, gạt bỏ ra khỏi nội dung và phương pháp lãnh đạo, quản lý.
Điều đó cũng có nghĩa là, chiều sâu, sức sống và nghệ thuật của sự lãnh đạo thể hiện đầy đủ ở khả năng khai thức mạnh mẽ mọi tiềm năng sáng tạo, khuyến khích tất cả những người hoạt động văn hóa, tất cả nghệ sỹ tìm tòi sáng tạo, bảo đảm trong thực tiễn quyền tự do, dân chủ cá nhân cho mọi người sáng tạo, trân trọng nhân cách, trọng dụng tài năng và sự độc đáo của văn nghệ sỹ, chu đáo chân tình trong quan hệ, có cách làm việc thích hợp với từng cá nhân sáng tạo./.

Nguồn Tài liệu nghiệp vụ công tác văn hóa, văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương


            15 V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, t.12, trang 124.
            16 V.I..Lênin: sđd, t.12, trang 123-124.
            17 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, trang 129 – 130.

 

Tin liên quan