Huyện Ân Thi có 12.998 ha đất tự nhiên, là huyện có diện tích đất tự nhiên lớn thứ hai của tỉnh, riêng diện tích đất trồng lúa có khoảng 7,1 nghìn ha đứng đầu của tỉnh. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Ân Thi đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp vào địa bàn, khai thác và phát huy tối ưu nguồn lực đất đai hiện có cùng với vị trí địa lý và mạng lưới giao thông kết nối vùng khá đồng bộ và hiện đại, từ đó tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động, ngành nghề, việc làm và thu nhập của người lao động thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của huyện.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định hai khâu đột phá, trong đó sản xuất nông nghiệp vẫn là hướng đi chủ đạo và bền vững của huyện trong những năm tiếp theo. Cùng với chú trọng làm tốt quy hoạch, điều chỉnh diện tích đất phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ thì quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp vẫn đảm bảo trên 3.000 ha, dư địa cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô, hiệu quả kinh tế vẫn còn khá lớn và tiềm năng trong sự phát triển hài hòa, đồng bộ của địa phương với sự dịch chuyển từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang phát triển công nghiệp kết hợp với nông nghiệp.
Cùng với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tác động tích cực từ công tác dồn ô đổi thửa, chỉnh trang, quy hoạch đồng ruộng, tích tụ ruộng tạo đà cho sự phát triển của nông nghiệp, nhất là những năm vừa qua thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang mô hình trồng cây, chăn nuôi theo hướng gia tăng về giá trị, hiệu quả kinh tế đang được các hộ nông dân của huyện Ân Thi tích cực triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt.
Giai đoạn 2016 - 2020 mỗi năm toàn huyện có trên 13.400 lượt hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Số hộ đạt tiêu chí bình quân hằng năm đạt khoảng 9.500 hộ, chủ yếu là những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở, số hộ đạt tiêu chí cấp huyện khoảng 690 hộ và 280 hộ nghèo vượt khó bình quân mỗi năm.
Đồng hành với phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi có vai trò quan trọng của Hội nông dân các cấp trong huyện. Những năm qua các cấp hội đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa hội viên đi tham quan nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh tại các địa phương trong và ngoài huyện. Được tận mắt thấy những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, cách thức làm ăn hiệu quả đã thôi thúc hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư giống vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh. Hội nông dân các cấp trong huyện là cầu nối để hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mua và sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi từ những công ty, doanh nghiệp có uy tín, cơ sở tin cậy. Toàn huyện có 133 tổ tiết kiệm vay vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ duy trì trên 115 tỷ đồng; khai thác và sử dụng hiệu quả vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số vốn trên 8,5 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, với ý chí vượt khó, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Đáng mừng là nhiều hộ từ chỗ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ đã mạnh dạn góp vốn đầu tư, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản phẩm, hàng hóa, vật tư thành lập các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp như mô hình máy cấy, máy cày, máy gặt tại các xã Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trãi và Thị trấn Ân Thi; mô hình mây tre đan xuất khẩu tại xã Hoàng Hoa Thám, mô hình trạm bạc Huệ Lai xã Phù Ủng, mô hình trồng ổi tại xã Cẩm Ninh, trồng dưa tại xã Bãi Sậy. Hợp tác xã Đồng Vàng tại xã Nguyễn Trãi có 20 hộ tham gia với tổng số vốn trên 320 triệu đồng; huyện đã thành lập 6 tổ hội nghề nghiệp, 4 tổ hợp tác diện tích trên 35 ha, số vốn trên 18 tỷ đồng.
Từ mô hình liên kết, góp vốn, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, nhiều hộ đã cho doanh thu từ 250 - 500 triệu đồng, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Điển hình phong trào này là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phóng (thôn Ấp Đòng, xã Bãi Sậy) với mô hình trồng cây ăn quả, dưa hấu, dịch vụ máy cày cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm; ông Đào Văn Quang (xã Hoàng Hoa Thám) với mô hình VAC chăn nuôi lợn lái, lợn thịt cho thu nhập 800 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi tổng hợp gia đình ông Đinh Văn Cầu (thôn Bình Xá, xã Cẩm Ninh) với diện tích 2.000m2 trồng cây ăn quả, 1ha nuôi trồng thủy sản kết hợp dịch vụ thu mua sấy thóc, cấy 10 mẫu lúa cho thu nhập từ 700 - 750 triệu đồng/năm...
Từ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo ra diện mạo mới, sức sống mới ở nông thôn huyện Ân Thi. Từ đây ngày càng xuất hiện nhiều hơn những triệu phú nông dân trẻ từ hai bàn tay trắng với sự cần cù, năng động, sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên, những hộ sản xuất kinh doanh ở Ân Thi đã từng bước khẳng định được giá trị của bản thân, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội. Dù chưa có thật nhiều những mô hình quy mô đủ lớn song hiệu quả và lợi ích từ những phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, góp phần đẩy mạnh hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Ân Thi, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây.
Dương Đình Hiệu