Sinh ra trong một gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng ở xã Hùng Cường (huyện Kim Động, nay là thành phố Hưng Yên), ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Thị Vách đã bị thu hút bởi các hoạt động tập thể do các tổ chức đảng, đoàn thể ở địa phương phát động. Bởi vậy, bà nhanh chóng hòa mình và trưởng thành trong các phong trào cách mạng của xã, từ hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ đến hoạt động của dân quân tự vệ sẵn sàng chiến đấu chống lại sự phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ quê hương, đặc biệt là trong phong trào thủy lợi giai đoạn 1958 - 1962.
Ngày ấy, Hùng Cường quê bà là vùng đất thuộc bãi giữa sông Hồng, xung quanh đều là nước, quanh năm sống chung với lũ, lụt, hạn hán. Tuy nguồn nước từ sông Hồng, sông Đuống, sông Luộc, sông Thái Bình giúp cho đất đai mầu mỡ nhưng lại đem đến cảnh lũ lụt triền miên “mưa ba ngày đã úng”, “nắng ba ngày đã hạn” khiến sản xuất nông nghiệp vô cùng khó khăn. Chống hạn, tháo úng là nguyện vọng thiết tha của bao thế hệ người dân nơi đây. Chính vì vậy, năm 1958, khi Đảng, Chính phủ và Bác Hồ chủ trương xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng- Hải, công trình thủy lợi quy mô lớn nhất miền Bắc, khởi công tại cống Xuân Quan (huyện Văn Giang) phục vụ việc tưới tiêu và thoát úng cho cả vùng, nhân dân khắp các địa phương đều hăng hái góp công, góp sức. Khí thế hăng hái, sôi nổi thi đua lao động trên các công trình giữa các đội thủy lợi và giữa các cá nhân với nhau đã lan tỏa và tác động sâu sắc tới tinh thần cô gái trẻ tuổi 18 Phạm Thị Vách. Cả xã Hùng Cường chia thành các nhóm làm theo đợt gối nhau, nhóm này làm xong theo thời gian quy định, nhóm khác lại lên thay. Riêng Đội phó Đội Thủy lợi Phạm Thị Vách thì ở suốt trên công trường Bắc - Hưng - Hải, hết đợt này đến đợt khác. Chính vì vậy, Đội của bà luôn dẫn đầu bởi năng suất lao động bao giờ cũng vượt hơn các đội khác, có khi vượt gấp đến 3, 4 lần định mức được giao. Hồi đó máy móc ít chủ yếu dùng sức người, nhưng kết quả đạt được thì thật kỳ diệu. Chỉ trong 7 tháng, từ 1/10/1958 - 1/5/1959, công trình được hoàn thành với khối lượng công việc khổng lồ như xây đúc 7.500 m3 bê tông, xây lát đá 226.000 m3, đào gần 3 triệu m3 đất - một kết quả kỳ diệu, không phải từ sức máy móc mà chủ yếu là do sức người… Đội Thủy lợi xã Hùng Cường được mọi người yêu mến gọi là “Đội Tên lửa”, còn bà được bầu là Chiến sĩ Thi đua 02 năm 1958, 1959 và vinh dự được nhận Huy hiệu của Bác Hồ vào cuối năm 1958.

Bà Phạm Thị Vách (đứng thứ tư từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các điển hình tiên tiến tỉnh Hưng Yên dự
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua yêu nước cấp Trung ương
Huy hiệu Bác trao càng nhân thêm sức trẻ và nhiệt tình cho Phạm Thị Vách, để cô gái trẻ cùng Đội Tên lửa tiếp tục phát huy khí thế của thanh niên Hưng Yên “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”, “Vắt đất ra nước”, “Thay trời làm mưa” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đắp con đê bối Hùng Cường dài 7,5 km bao quanh hai xã nằm ở bãi giữa sông Hồng. Năm 1960, lá cờ đầu của Đội Thủy lợi Tên lửa được Bác trực tiếp trao tặng Huy hiệu của Người. Hai năm liên tiếp nữa (1960, 1961), Phạm Thị Vách vẫn giữ vững danh hiệu Chiến sĩ Thi đua. Năm 1962, trong Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba, cô gái 22 tuổi Phạm Thị Vách đã được vinh dự tuyên dương là “Kiện tướng trên công trường Bắc - Hưng - Hải”, rồi sau đó được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nông nghiệp và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất…
Từ những thành tích trong phong trào thủy lợi, khắc cốt ghi tâm lời Bác dặn: “Cháu đã làm tốt rồi, phải học tập để làm tốt hơn nữa, phải gần gũi, học nhân dân để làm”, nữ Anh hùng Phạm Thị Vách đã quyết tâm phấn đấu học văn hóa tại Trường Cán bộ quản lý kỹ thuật của tỉnh, rồi học lý luận chính trị tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, đồng thời học hỏi kinh nghiệm, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tập thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bằng sự cố gắng không ngừng, luôn thi đua vượt lên chính mình, từ một cô gái thôn quê chân lấm tay bùn, Phạm Thị Vách ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn trên mỗi cương vị công tác. Năm 1961, bà là Xã Đội Phó dân quân, Phó Bí thư Đoàn xã, rồi lần lượt giữ chức vụ: Hội trưởng Phụ nữ xã, Đảng ủy viên, Chủ nhiệm Hợp tác xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Cường khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau thời gian công tác ở xã, bà được điều lên huyện công tác. Từ năm 1976 đến khi nghỉ hưu, năm 1990, bà đã đảm nhiệm qua nhiều chức vụ: Giám đốc trường Đảng huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ Kim Động; Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Thi; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Kim Thi; Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Kim Thi, đại biểu Quốc hội khóa III, IV, V. Ở vị trí nào, bà cũng làm tròn nhiệm vụ với Đảng với nhân dân.
Về nghỉ hưu, vui vầy bên con cháu nhưng nữ kiện tướng thủy lợi năm xưa vẫn thường xuyên quan tâm đến các sự kiện chính trị của đất nước, tham gia đóng góp ý kiến cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Ở tuổi 78, bà vẫn minh mẫn, tinh tường khiến người đối diện phải ngưỡng mộ. Trong câu chuyện chia sẻ tại các buổi tọa đàm, giao lưu với các thế hệ đương thời, “bé Vách” năm nào không chỉ là nhân chứng sống mà còn luôn là nhịp cầu truyền lửa để mọi người thấm thía sâu sắc “trước đây, thế hệ bà có thể làm được những điều mà mọi người cho là kỳ tích như công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, đó là nhờ tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, tinh thần yêu nước, đoàn kết, đồng lòng, tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của mỗi tập thể, mỗi cá nhân. Sống trong một đất nước hòa bình và phát triển như ngày hôm nay, mỗi chúng ta cần sống và làm việc theo lời Bác dạy, giữ gìn đoàn kết, hăng hái thi đua, thì dù khó khăn đến đâu cũng nhất định sẽ vượt qua, giành lấy những thành công to lớn”. Hai chiếc Huy hiệu Bác Hồ trao tặng vẫn được bà gìn giữ, nâng niu như báu vật. Với bà, đó không chỉ là giữ gìn kỷ vật thời thanh xuân đầy sôi động và ý nghĩa của thế hệ bà, mà quan trọng hơn, nó luôn nhắc nhở bà tiếp tục phấn đấu sống có ích hơn nữa, để mỗi phút giây trong cuộc đời đều thắp sáng, nhân thêm ngọn lửa thi đua yêu nước, yêu quê hương.
Thanh Mai