Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch của Cục Hải quan về tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, thời gian qua, Chi cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng.

Cục Hải quan đang tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. (Ảnh: CHQ)
Trong đó, đáng chú ý là 3 vụ việc liên quan đến hàng hóa gắn tem nhãn “Made in Viet Nam” nhưng có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận xuất xứ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu quốc gia.
Nhằm triển khai hiệu quả Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 3362/KH-CHQ của Cục Hải quan về kiểm tra, kiểm soát chống chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Chi cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ động xây dựng và thực hiện Chuyên đề số 66/CĐ-ĐTCBL ngày 17/4/2025. Trên cơ sở đó, công tác thu thập, phân tích thông tin, xác định trọng điểm và kiểm tra thực tế đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Kết quả đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, điển hình là ba vụ việc.
Cụ thể vụ thứ nhất, ngày 24/4/2025, tại Bãi kiểm tra thực tế hàng hóa khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Tổ công tác thuộc Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 1) phối hợp với Chi cục Hải quan khu vực VI tiến hành kiểm tra 1 lô hàng quá cảnh từ Trung Quốc đi Lào có dấu hiệu vi phạm khai báo hải quan.
Theo khai báo, lô hàng gồm 35 mục hàng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy chỉ có 2 mục hàng phù hợp với khai báo, còn lại 33 mục hàng vi phạm, trong đó: 11 mục hàng sai lệch về số lượng, 1 mục không rõ nhãn hiệu và xuất xứ, 16 mục không có hàng thực tế và 5 mục khai sai nhãn hiệu, tên hàng. Đặc biệt, lực lượng chức năng còn phát hiện 91 mục hàng không khai báo, trong đó có 23 mục hàng (gồm hơn 5.000 sản phẩm như giày dép, áo thể thao, túi xách, đồng hồ…) nghi vấn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Gần 2.000 sản phẩm đã dán sẵn tem nhãn “Made in Viet Nam”, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường khu vực.
Vụ thứ hai, tiếp tục triển khai chuyên đề, ngày 13/5/2025, tại khu vực kiểm tra, giám sát hàng hóa cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Tổ công tác của Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 1) phối hợp với Chi cục Hải quan khu vực VIII tiến hành kiểm tra một lô hàng quá cảnh từ Trung Quốc đi Campuchia do Công ty X đứng tên.
Theo khai báo, hàng hóa gồm 11 mục hàng, nhưng kiểm tra thực tế chỉ có 2 mục phù hợp với khai báo, 9 mục còn lại bị khai thiếu số lượng. Ngoài ra, cơ quan Hải quan còn phát hiện thêm 25 mục hàng không khai báo. Trong số đó, có 1 mục dán sẵn tem “Made in Vietnam” và 03 mục hàng có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm: 3.200 đôi dép sục nhựa gắn nhãn Crocs, 1.720 áo thun dài tay mang nhãn Chanel, Dior, Loewe (trên nhãn thể hiện “Made in Thailand”). Các sản phẩm này đều không có trong hồ sơ khai báo, đang được tiếp tục xác minh để xử lý nghiêm theo quy định.
Vụ thứ ba, ngày 10/5/2025, tại khu vực kiểm tra hàng hóa thuộc Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), Tổ công tác Chi cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Hải quan khu vực VI tiến hành kiểm tra một lô hàng nhập khẩu theo loại hình E31 (nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu) của một doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại Hà Nội.
Theo khai báo, lô hàng gồm 57 mục hàng. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế phát hiện 53/57 mục hàng không ghi rõ xuất xứ trên bao bì, dù có đầy đủ tên hàng, nhà sản xuất và thông số kỹ thuật. Do không có tài liệu đi kèm chứng minh xuất xứ, cơ quan Hải quan đã xử phạt vi phạm hành chính và buộc doanh nghiệp đưa toàn bộ hàng hóa vi phạm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Từ những vụ việc trên cho thấy, những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trong việc lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển, gắn mác “Made in Viet Nam” để hợp thức hóa hàng hóa có xuất xứ từ nước khác, đặc biệt là các mặt hàng có nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là hành vi không chỉ gây tổn hại đến uy tín của hàng Việt mà còn đe dọa đến vị thế thương mại quốc tế của Việt Nam nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Chi cục Điều tra chống buôn lậu khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, đẩy mạnh thu thập thông tin, kiểm tra trọng điểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm góp phần bảo vệ thương hiệu quốc gia, thực thi nghiêm các cam kết quốc tế về phòng vệ thương mại.
Nguồn: https://nhandan.vn/