KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đăng ngày: 20/12/2018 - Lượt xem: 525
Phép dùng người trong tư tưởng Hồ Chí Minh (phần 1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra vấn đề con người là vấn đề lớn, được đặt lên hàng đầu và là vấn đề trung tâm, xuyên suốt trong toàn bộ nội dung tư tưởng của Người; thấm nhuần quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo quản lý sẽ có những quyết định “hợp ý Đảng, lòng dân”. 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi giành được chính quyền, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; coi đó là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu. Để góp phần vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là một vấn đề nhạy cảm liên quan đến việc sử dụng con người, đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải có một cái nhìn sâu sắc, toàn diện để đem lại hiệu quả cao trong quá trình triển khai và thực thi Nghị quyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra vấn đề con người là vấn đề lớn, được đặt lên hàng đầu và là vấn đề trung tâm, xuyên suốt trong toàn bộ nội dung tư tưởng của Người; thấm nhuần quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo quản lý sẽ có những quyết định “hợp ý Đảng, lòng dân”.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người
Trong hệ thống tư tưởng chính trị và văn hóa chính trị của Hồ Chí Minh thì quan điểm về con người là một bộ phận rất đặc sắc và quan trọng: “Vô luận việc gì, đều do người làm ra”.
Hồ Chí Minh quan niệm con người không bao giờ là phương tiện của các nhà chính trị mà ngược lại nhà chính trị, đảng chính trị… phải nhất quán trong nhận thức và hành động rằng: nhân dân là người chủ sở hữu của chính quyền lực lượng chính trị, con người vừa là mục đích vừa là động lực, là lực lượng, là sức mạnh của sự nghiệp chính trị.
Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều khi đường lối, chính sách đúng nhưng “hoặc làm chưa được, hoặc làm được nửa chừng rồi lại nguội… vì chúng ta quên một lẽ rất giản đơn dễ hiểu: tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả[1].
Công việc Nhà nước bao gồm nhiều lĩnh vực đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, công chức tốt để thi hành công vụ. Hồ Chí Minh khẳng định: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là chân lý nhất định”[2]. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. vì sao như vậy? Vì Nhà nước được thể hiện ở các văn bản do Nhà nước ban hành như: Hiến pháp, các bộ luật, các luật, các pháp  lệnh, … Tất cả các văn bản ấy đề do tập thể hoặc cá nhân quyết định. Những cán bộ công chức có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc định đoạt mọi công việc quốc gia.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo giỏi có vai trò quyết định đối với toàn bộ sự hoạt động của đất nước, nó xuất phát điểm của sự thành bại, hư vong… Từ trước đến nay có không ít quyết sách chính trị và các quyết định hành chính tuy rằng đúng đắn nhưng việc thực hiện kém hiệu quả bởi vì thiếu cán bộ kiểu mẫu để quản lý, điều hành, thiếu người thực hiện và kiểm tra. Hồ Chí Minh đã nêu ra một ví dụ: Chúng ta thường kêu gọi làm làng kiểu mẫu, nhà máy kiểu mẫu…khẩu hiệu đó rất đúng. Nhưng đến nay, hoặc chưa làm được, hoặc làm được nửa chừng rồi lại nguôi. Sở dĩ như vậy vì chúng ta không biết trước hết “Phải tạo ra những người kiểu mẫu, để làm cán bộ cho làng đó, đội đó. Làm được một làng, một đội rồi lấy đó làm kiểu mẫu để khuyến khích và cổ động nơi khác. Từ trước đến nay chúng ta làm trái ngược lại. Chúng ta nghĩ ra một làng, một kiểu mẫu trong tư tưởng, mà không bắt đầu từ một làng, một đội sẵn có, cho nên kế hoạch không ăn khớp với những hoàn cảnh thiết thực (khách quan)”[3]. Hồ Chí Minh gọi đó là bệnh nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Tất cả đều do thiếu cán bộ, công chức có năng lực và đạo đức.
Muốn cho công việc được tiến hành thuận lợi, muốn biết các chỉ thị, nghị quyết, quyết định đã được thi hành như thế nào thì một trong những yêu cầu lãnh đạo là quản lý, kiểm tra. Không kiểm tra coi như không lãnh đạo và quản lý công tác kiểm tra đòi hỏi phải có người kiểm tra. Những người đó phải là người có đạo đức tốt, phải biết việc và hiểu nghĩa. Do đó, mà lãnh đạo phải biết sửa chữa sai lầm, uốn nắn công việc, biết chọn người và thay người.
Tóm lại, xuất phát từ quan điểm “vô luận việc gì, đều do người làm ra”, cùng nhiều luận điểm đúng đắn, Hồ Chí Minh đã để lại cho đời sau một hệ thống các tư tưởng chiến lược về cán bộ. Đó là phép dùng người của Hồ Chí Minh.
2. Động cơ dùng người cao cả, đúng đắn
Ai cũng hiểu rằng, Hồ Chí Minh là người đa tài, là người tiềm ẩn những khả năng để có thể trở thành những tên tuổi lớn trong một số lĩnh vực: thi ca, văn học, báo chí, kịch và hội hoạ... Nhưng động cơ thôi thúc Người là ở lĩnh vực chính trị-xã hội, là tiến hành sự nghiệp giải phóng vĩ đại, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người, trong đó độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phức cho đồng bào, làm cho mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành đã trở thành ngọn lửa bất diệt trong trái tim của Hồ Chí Minh.
Chính động cơ ấy đã trở thành triết lý nhân sinh, thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ thực tiễn dùng người của Hồ Chí Minh. Động cơ mang tư tưởng, khắc đậm chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh đã gặp gỡ những mong mỏi và lợi ích đời thường của tất cả mọi kiếp người lao khổ. Động cơ dùng người của Hồ Chí Minh cho ta cảm nhận tư tưởng của cha ông từ mấy ngàn năm trước. Xưa “các vua Hùng đã có công dựng nước” thì nay “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Một chân lý của muôn đời, đó là, nhân nào quả ấy. Dùng người vì chính lợi ích của mọi người thì đó chính là bí quyết của sự thành công.
3. Kính cẩn, thành kính và khoan dung trong dùng người
Người lãnh đạo ở bất cứ thời kì nào muốn tuyển chọn, sử dụng được nhân tài thì phải được quần chúng yêu mến, tin cậy. Nhưng đúng như Khổng tử đã từng nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) và ngược lại mình phải trân trọng ý muốn của đại đa số nhân dân.
Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi ngay một bức thư tới uỷ ban nhân dân các cấp phê phán thói kiêu ngạo, “tưởng mình ở trong cơ quan chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của chính phủ”[4].
Hồ Chí Minh là ngọn cờ tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, Người không những có sức cảm hoá, thu phục những người cùng chí hướng, những tầng lớp, giai cấp cách mạng và những người có cảm tình với cách mạng mà còn cả những người không cùng chính kiến quan điểm, thậm chí cả những kẻ thù của mình. Sở dĩ như vậy là bởi vì ở Người luôn luôn toát ra sự thẳng thắn, trung thực, tôn trung lẽ phải, tôn trọng con người và luôn luôn ứng xử với thái độ, lý lẽ phân minh, nghĩa tình đầy đủ, luôn luôn giải quyết công việc “có lý có tình”, luôn luôn xuất phát từ đời sống hiện thực.
Hồ Chí Minh có sức mạnh đến như vậy bởi vì Người là một người cộng sản cầm hoa đến tặng tất cả mọi người[5], bởi vì Người là mác xít - lêninnít với quan niệm “hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau sao cho có tình, có nghĩa”, “phải có tình đồng chí thương yêu nhau”, bởi vì Người luôn tin rằng việc nước là việc chung của mọi người chứ không phải việc của riêng ai, bởi vì Người tin rằng, “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước... Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.[6]
4. Muốn dùng được người thì phải hiểu mình và hiểu người, có thủ pháp đúng đắn
Xưa nay các vĩ nhân, những người anh hùng làm nên sự nghiệp lớn đều có chung một tư tưởng “biết mình biết người”, “biết địch biết ta”. “Biết” chính là bí quyết của sự thành công. Có biết người mới dùng đúng người. Nhưng để biết được người thì trước hết phải tự mình biết. “Biết người cố nhiên là khó… tự biết mình, cũng không phải là dễ”. Đã không biết mình thì khó biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái của người khác, thì trước hết phải biết sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái thì chắc không thể nhận rõ con người cán bộ tốt hay xấu.
Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số căn bệnh cơ bản làm cho người cán bộ không tự biết được mình. Đó là: Bệnh cậy thế và kiêu ngạo; bệnh ưa người phải nịnh mình. Ai khen, tâng bốc mình thì vừa lòng, còn người thẳng thắn, bộc trực, không vừa lòng thì đẩy ra ngoài; bệnh “tư túng”, kéo bè kéo cánh; Bệnh chủ nghĩa, máy móc, giáo điều, lúc nào ở đâu cũng cho rằng các quy tắc, phương pháp đã định ra đều là đúng cả, không biết linh hoạt, năng động, biến đổi theo phương pháp “dĩ bất biến ứng vạn biến” không biết lắng nghe ý kiến người khác, khiến cho người tốt, người có khả năng sáng kiến xa lánh, không muốn cộng tác với mình. 
Người cán bộ lãnh đạo, quản lý mắc những bệnh tật ấy, không hiểu được chính cái mạnh, cái yếu của mình, do vậy không thể hiểu được người khác, tựa “như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông. Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”[7].
Trên cơ sở tự hiểu mình, cần phải có phương pháp xem xét để hiểu cán bộ một cách thấu đáo. xem xét cán bộ, không phải xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ. Có hiểu kỹ cán bộ mới thấy chỗ tốt, chỗ xấu của họ để biết “khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”.
Do mắc vào những khuyết điểm nêu trên nên khi sử dụng cán bộ, người lãnh đạo thường phạm vào “ba ham”:
- Ham dùng bà con, anh em quen biết, bạn bè cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.
- Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trục.
- Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Chính vì "ba ham"nên nảy sinh tình trạng “ô dù”, “che chắn”, “phe cánh”, "trù dập”, tóm lại là “yêu nên tốt, “ghét nên xấu”. “Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh tính của người lãnh đạo”.
Thế nào là dùng cán bộ đúng? Theo Hồ Chí Minh, muốn dùng cán bộ đúng thì người cán bộ lãnh đạo cần:
Một là, “mình phải có độ lượng, vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ không bị bỏ rơi”.
Hai là, “phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi những người mình không ưa”.
Ba là, “phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ”.
Bốn là, “phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”.
Năm là, “phải có thái độ vui vẻ thân mật, các đồng chí mới vui lòng gũi mình”.
Khéo dùng cán bộ xuất phát từ việc tập hợp được sức lực và tài năng mọi người vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung. Nếu dùng cán bộ mà họ “hoang mang, sợ hãi, buồn rầu, uất ức hoặc công tác không hợp, chắc không thành công được. Vì vậy, muốn cán bộ làm được việc, phải khiến cho họ yên tâm làm việc, vui thú làm việc”.
Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến hoạt động thực tiễn của người cán bộ. Người cho rằng, không chỉ tin vào việc hay, nói giở mà phải xem một tổ chức, một cán bộ, bất cứ người cấp bậc nào, họ có “nói đi đôi với làm” hay không. Đây là một tư tưởng đã trở thành nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh.
5. Có quy hoạch bồi dưỡng cán bộ
Trong thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng, vấn đề mấu chốt đều do cán bộ tốt hay kém. Nhưng muốn có cán bộ tốt thì “Đảng phải nuôi dậy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”[8]
Muốn dùng người thì phải quan tâm săn sóc, giúp đỡ nghĩa là phải nâg cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, làm cho cán bộ ngày càng “lớn lên” cùng với sự nghiệp cách mạng.
Trước hết, phải tạo những điều kiện vật chất để cán bộ có thể an tâm sống và làm việc. Ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi đề cập vấn đề sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ thị: phải giúp cán bộ, “phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau có thuốc thang. Tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ”.[9]
Thứ hai, phải thường xuyên huấn luyện cán bộ để nâng cao trrình độ giác ngộ, phương pháp tư tưởng, phẩm chất đạo đức và năng lực làm việc cho cán bộ, làm cho cán bộ thành thục về chuyên môn, nghề nghiệp; làm cho bất cứ cán bộ nào cũng đều phải “vững về chính trị, giỏi về chuyên môn”. Hồ Chí Minh coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là gốc của Đảng”.
Người còn phê bình việc huấn luyện hình thức, năng lực về lý thuyết chung chung ít mang tính thực hành, kém khả năng tác nghiệp. “Huấn luyện cho cán bộ trong cơ quan hành chính mà không đụng đến công việc hành chính. Còn dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được”[10].
Trước sau Hồ Chí Minh vẫn lưu ý một vấn đề cốt tử của công tác cán bộ là: Cán bộ, công chức phải là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Nhưng thế nào là đầy tớ trung thành? Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: đó là những người làm việc cho nhân dân và phải làm thật tốt.
Một vấn đề quan trọng, trong mấy thập niên gần đây Đảng và Nhà nước ta đã làm, đang làm và làm rất nhiều nhưng hiệu quả còn hạn chế, đó là việc giáo dục lý luận chính trị. Hồ Chí Minh nói: “Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách lầu lầu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia nhưng nhiệm vụ của mình được giao cho quét nhà lại để cho nhà đầy rác. Đó là điều thứ nhất cần rõ… Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là điều thứ hai cần phải rõ”[11].
(Còn tiếp)
NĐ (sưu tầm, tổng hợp)

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.214, 240
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.214, 240
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.241
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, tr.57-58
[5] Năm 1946 Tại Pari, một Nhà báo Pháp  muốn làm giảm thiện cảm của những người Pháp đối với người cộng sản nói chung và đối với Hồ Chí Minh nói riêng, đã nêu ra một câu hỏi: Thưa chủ tịch, Ngài có phải là cộng sản không? Hồ Chí Minh mỉm cười đi đến lãng hoa bày trên bàn, vừa rút ra từng bông tặng mỗi người, vừa vui vẻ nói: “Tôi là người cộng sản như thế này này”.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.171-172
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.277-278
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.54, tr.273-277
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.54, tr.273-277
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.269
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, tr.465

 

Tin liên quan