Nhân cách Hồ Chí Minh là nhân cách của Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, có tầm vóc vĩ đại mà bình dị. Trong đó được thể hiện ở đức dày; tâm lành sáng, năng lực dồi dào, thông tuệ; có ý chí, nghị lực phi thường, không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân, vươn tới chân- thiện- mỹ; suốt đời đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có những tác phẩm chuyên biệt bàn về nhân cách, nhưng từ trong di sản của Người, chúng ta có thể thấy Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề phát huy, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), Người yêu cầu về tư cách mạng (23 điều) đối với mình, với người, với việc. Đây thực chất là hình mẫu nhân cách của người Việt Nam mà Hồ Chí Minh xây dựng. Hình mẫu này lại được cụ thể hóa thành các phẩm chất như nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947) và các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính trong tác phẩm Cần kiệm liêm chính (1949). Hồ Chí Minh xem cần kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới và nếu “thiếu một đức thì không thành người”. Theo Người, cấu trúc nhân cách của con người bao gồm hai yếu tố “đức” và “tài”. “Đức” và “tài” là hai yếu tố cơ bản nhất trong cấu trúc nhân cách của con người, và mỗi con người luôn có thiên hướng phấn đấu để đạt được sự hoàn thiện về “đức” và “tài”.
Trong bài viết này, tìm hiểu nhân cách Hồ Chí Minh chúng ta nghiên cứu Người trên hai mặt nhân cách đạo đức và nhân cách trí tuệ để thấy được sự giản dị, gần gũi mà cũng rất cao thượng, vĩ đại của Hồ Chí Minh.
Ảnh tư liệu
Thứ nhất, về nhân cách đạo đức
Nhân cách đạo đức Hồ Chí Minh được biểu hiện ở trách nhiệm của công dân đối với tổ quốc, với bản thân mình, với cộng đồng xung quanh và với cộng đồng quốc tế. Nó chính là những phẩm chất nổi bật sau:
Tình thương bao la đối với nhân loại cần lao. Khác với các nhân sĩ, trí thức phong kiến, tình thương của Hồ Chí Minh không phải là tình thương chung chung, mơ hồ và cũng không phải là lòng thương hại, mà là tình thương thực sự dành cho tất cả những người lao động trong nước cũng như trên thế giới, từ người nô lệ, người tù đến người nông dân, công nhân cùng khổ dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, đặc biệt là đối với những lớp người yếu đuối, bị nhiều tổn thương như người bị tàn tật, phụ nữ, trẻ em... và đó là sự tôn trọng đối với con người, cảm thông với số phận những “người cùng khổ”. Điều đó được minh chứng bằng chính cuộc đời hoạt động của Người vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam và nhân dân lao động trên thế giới. Chính vì thương dân còn nghèo, vì “chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, nên dù đã ở cương vị lãnh tụ của đất nước, của một Đảng cầm quyền nhưng cuộc sống của Bác vẫn rất khiêm tốn, bình dị, trong sáng với chỉ một nếp nhà sàn nhỏ bằng gỗ, một đôi dép cao su, hai bộ quần áo kaki bạc màu...
Là tấm gương cao đẹp về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo Hồ Chí Minh, cần là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, kiên trì, bền bỉ, dẻo dai trong mọi công việc; đồng thời phải tăng năng suất lao động, là làm việc có kết quả tốt. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí; việc gì đáng chi phải chi, việc gì chưa đáng chi thì hoãn lại, việc gì không đáng chi thì dứt khoát không chi. Liêm là liêm khiết, trong sạch, không tham lam. Chính là thẳng thắn, không tà, việc gì tốt thì dù nhỏ cũng cố làm, việc gì xấu thì dù nhỏ cũng cố tránh. Hồ Chí Minh còn cho rằng, tự mình phải chính trước thì mới giúp được người khác chính; mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý. Còn chí công vô tư là hết mực công bằng, công tâm; không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị. Muốn có chí công vô tư phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân; bởi cuộc sống bị chủ nghĩa cá nhân hoành hành thì đạo đức bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Đây là một yêu cầu đối với nhân cách của người cách mạng, nó trái ngược với chủ nghĩa cá nhân.
Thứ hai, nhân cách trí tuệ Hồ Chí Minh
Nhân cách trí tuệ Hồ Chí Minh được thể hiện ở tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, tinh tường, sáng suốt trong việc nhận xét, đánh giá, phê phán các sự vật, sự việc xung quanh. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh là người ham học hỏi, nhạy bén với cái mới, có phương pháp biện chứng, có đầu óc thực tiễn, luôn khổ công học tập chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức của nhân loại. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã trở thành người tìm đường, mở đường và dẫn đường để dân tộc ta đi đến thắng lợi. Khi nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh các nhà khoa học đã rất chú ý đến quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, vì thông qua đó cho ta cái nhìn toàn diện và những bước tiến trong tư duy, tư tưởng của Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam, về tình hình quốc tế.
Với tầm nhìn trí tuệ của Hồ Chí Minh và những trải nghiệm thực tiễn vô cùng phong phú, sinh động, Người đã đề ra nhiều vấn đề mà đến nay thế giới đang từng bước thục hiện. Chẳng hạn như triết lý giáo dục, quan điểm về văn hóa, vấn đề trồng cây gây rừng, vấn đề môi trường…
Nhân cách Hồ Chí Minh đã ươm hạt, gieo mầm cho nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam hiện nay và mai sau. Nhân cách Hồ Chí Minh đã được ghi nhận bằng những giá trị thời đại và có tác động sâu sắc đến đời sống nhân loại, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ghi nhận những giá trị và cống hiến xuất sắc của Hồ Chí Minh, UNESCO đã ra nghị quyết công nhận Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Giá trị nhân cách Hồ Chí Minh là cơ sở, là nền tảng để Đảng ta nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong xây dựng và phát triển nhân cách con người Việt Nam – yếu tố quan trọng trong chiến lược “trồng người” của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời nó phản ánh mục tiêu giáo dục, nhằm hình thành và phát triển nhân cách thế hệ người Việt Nam mới phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Đại hội XIII của Đảng ta đã nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, có năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”1 . Với cái nhìn toàn diện, Đảng đã đề ra nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trên các mặt đạo đức, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, thể lực và biết đấu tranh phê phán, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, phản tiến bộ ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Khi chúng ta xây dựng được những mặt ấy, tức là chúng ta đã xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Giá trị nhân cách Hồ Chí Minh vẫn đang soi sáng vấn đề xây dựng nhân cách cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong tình hình mới. Kế thừa, phát triển giá trị nhân cách Hồ Chí Minh, qua các kỳ đại hội, Đảng ta đều quan tâm coi trọng công tác cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân luôn được đảng ta chú trọng. Tuy nhiên, xây dựng nhân cách cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Cũng tại Đại hội XIII, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”2 . Điều đó cho thấy, nhân cách của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang có vấn đề cần khắc phục và sửa chữa để Đảng ta “vừa là đạo đức, vừa là văn minh” và xứng đáng là lương tâm và danh dự của dân tộc.
Phát huy giá trị nhân cách Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay trong cán bộ đảng viên được thể hiện trên nhiều phương diện nhưng tựu chung lại ở hai mặt: “đức” và “tài”. Người cán bộ đảng viên phải có đầy đủ cả “đức” và “tài” thì mới đảm bảo được nhiệm vụ của mình và chỉ khi xây dựng được đội ngũ cán bộ đảng viên có đạo đức cao đẹp, có năng lực về chuyên môn, lãnh đạo, quản lý thì Đảng, Nhà nước ta mới thật sự trong sạch vững mạnh, đất nước mới mau chóng giầu đẹp và sánh vai với các cường quốc năm châu.
Có thể khẳng định, nhân cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh của các giá trị cao đẹp của dân tộc và nhân loại trong một con người với cái tâm trong sáng, hành động mẫu mực và trí tuệ thiên tài. Giá trị nhân cách Hồ Chí Minh không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, mà còn tác động tới phong trào giải phóng dân tộc cũng như phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam hiện nay, giá trị nhân cách của Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ soi sáng con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Với niềm tin sâu sắc vào nhân cách vĩ đại của Hồ Chí Minh, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao với nhân cách phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần giá trị nhân cách Hồ Chí Minh để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng cho mình phẩm chất đạo đức trong sáng và trí tuệ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, hoàn thành di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”3 .
TS. Lê Cao Vinh
Trưởng Bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh,
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
------------
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, tập 1, tr. 213
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, tập 1, tr. 92
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.13, Tr. 614
Nguồn: https://baohungyen.vn