KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 02/04/2025 - Lượt xem: 17
Tham vấn tâm lý học đường: Chìa khoá xây dựng trường học hạnh phúc

Hội thảo với chủ đề “Nhà tâm lý học đường và vai trò nâng cao cảm nhận hạnh phúc trong trường học” không chỉ là cơ hội để các nhà tâm lý học đường nâng cao kiến thức và kỹ năng, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống hỗ trợ tâm lý bền vững trong trường học.

Các diễn giả đã giải đáp nhiều câu hỏi thực tiễn về cách triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ tâm lý trong trường học.

Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Nhà tâm lý học đường và vai trò nâng cao cảm nhận hạnh phúc trong trường học” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà tâm lý học đường trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe tinh thần cho học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường, Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Linh khẳng định: Các chuyên viên phòng tâm lý học đường không chỉ đóng vai trò hỗ trợ cá nhân mà còn góp phần xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, hòa nhập, giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và cảm xúc.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Linh cũng cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn quan trọng như phương pháp đánh giá sức khỏe tinh thần, đo lường hạnh phúc, thang đo phổ sức khỏe tâm thần và các chương trình phát triển trí tuệ cảm xúc. Những chia sẻ này giúp các nhà tâm lý học đường nâng cao năng lực chuyên môn, áp dụng hiệu quả các phương pháp khoa học vào thực tiễn công việc.

Quang cảnh hội thảo.

Phân tích những thách thức mà Ban Giám hiệu các nhà trường đang gặp phải trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chuyên viên tư vấn tâm lý như những “vitamin hạnh phúc”.

Đây là chất xúc tác giúp gắn kết Ban Giám hiệu, giáo viên, học sinh và phụ huynh, từ đó nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường, tạo nền tảng vững chắc cho một môi trường giáo dục an toàn, tích cực.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh cũng nhấn mạnh vai trò của hiệu trưởng trong việc hiện thực hóa 12 tiêu chí về trường học hạnh phúc do UNESCO đề xuất. Chỉ khi các tiêu chí này được triển khai đồng bộ, nhà trường mới thực sự trở thành một môi trường hạnh phúc, nơi mỗi cá nhân được tôn trọng, thấu hiểu và có cơ hội phát triển toàn diện.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh lý thuyết sách vở rất nhiều, nhưng thực tế mới là quan trọng. Các nhà giáo đảm nhận công tác tâm lý học đường cần tiếp tục phát huy nội lực, sự chủ động tích cực để thực hiện công tác này.

“Hạnh phúc là rất quan trọng. Các thầy giáo, cô giáo phải hạnh phúc thì mới lan tỏa được hạnh phúc đến mọi người. Chúng ta đi 'chữa lành' cho các em, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao để các em phát triển bản thân. Tham vấn tâm lý học đường phải làm sao để học sinh có thể tự giải quyết được vấn đề bên trong của mình”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhắn nhủ.

Tại hội thảo, nhiều giáo viên đã chia sẻ về các hoạt động thực tiễn được triển khai tại các trường học ở Hà Nội nhằm xây dựng môi trường học đường hạnh phúc.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi thực tiễn về cách triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ tâm lý trong trường học, đồng thời chia sẻ tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục chú trọng hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của học sinh.

Với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà giáo dục và nhà quản lý, khái niệm “trường học hạnh phúc” không còn là một ý tưởng xa vời mà đang dần trở thành hiện thực, nơi mỗi học sinh được thấu hiểu, an toàn và phát triển toàn diện.

Những kết quả đạt được từ hội thảo sẽ là nền tảng để lan tỏa mô hình hoạt động của cộng đồng nhà tư vấn tâm lý học đường Hà Nội đến các tỉnh thành trên cả nước, mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường ở Việt Nam.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan