Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia là sân chơi trí tuệ dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước, nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo, nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Đây cũng là dịp để các em học sinh thể hiện niềm đam mê khám phá và giao lưu, học hỏi bạn bè có chung sở thích.

Nhóm học sinh Đỗ Hà Phương, Nguyễn Đức Thái, Trường trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đoạt Giải nhất Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.
212 dự án tranh tài ở 22 lĩnh lực
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2024-2025, Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông có sự tham gia của 62/63 Sở Giáo dục và Đào tạo cùng 12 đơn vị thuộc các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có các trường phổ thông và các trường phổ thông trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.
Tổng số dự án dự thi là 212, trong đó có 190 dự án của học sinh cấp trung học phổ thông và 22 dự án của học sinh cấp trung học cơ sở. Có 401 học sinh tham gia, trong đó có 358 học sinh cấp trung học phổ thông và 43 học sinh cấp trung học cơ sở.
Các dự án dự thi năm nay thuộc 22 lĩnh vực bao gồm: Khoa học động vật, hóa sinh, y sinh và khoa học sức khỏe, khoa học xã hội và hành vi, hóa học, khoa học trái đất và môi trường toán học, vi sinh, vật lý và thiên văn, khoa học thực vật, rô-bốt và máy thông minh, phần mềm hệ thống...
Nhận xét về các dự án dự thi năm nay, Trưởng ban Giám khảo, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà nhận định, các đề tài nghiên cứu đa dạng, phong phú, phản ánh rõ nét sự sáng tạo và tinh thần ham học hỏi của học sinh.
Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, nhiều công trình về hóa học, hóa sinh, vật lý và thiên văn tập trung phát triển vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, cảm biến sinh học và các giải pháp tối ưu hóa quy trình hóa học. Đáng chú ý, một số đề tài đã ứng dụng công nghệ nano nhằm nâng cao hiệu suất xúc tác và khai thác vật liệu thân thiện môi trường.
Trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ thông tin, nhiều dự án nghiên cứu xoay quanh rô-bốt, hệ thống nhúng, phần mềm hệ thống, bắt kịp xu thế chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính, và mạng lưới vạn vật kết nối. Các đề tài tập trung vào tối ưu hóa thuật toán xử lý dữ liệu, phát triển các mô hình AI có khả năng học và thích nghi theo thời gian thực; đồng thời, xây dựng hệ thống tự động hóa thông minh phục vụ sản xuất và đời sống.
Còn lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi phản ánh mối quan tâm của học sinh đến các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và tác động của công nghệ đến đời sống...
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà nhận định, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, cô giáo, các đề tài không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn cho thấy tinh thần nỗ lực, kiên trì của học sinh. Nhiều nhóm nghiên cứu đã tự tìm tòi, thử nghiệm, kiên trì vượt qua thất bại để hoàn thiện đề tài. Điều này khẳng định giá trị của cuộc thi trong việc tạo ra một môi trường giúp học sinh được trải nghiệm, khám phá và làm khoa học thật sự.
Sáng tạo khoa học từ thực tiễn
Là một trong những dự án xuất sắc đoạt Giải nhất Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, dự án Vật liệu oxy hóa hiệu năng cao lithium vanadium oxide xử lý môi trường của nhóm học sinh Đỗ Hà Phương, Nguyễn Đức Thái, Trường trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không chỉ gây ấn tượng bởi tính ứng dụng thực tiễn mà còn thể hiện sức sáng tạo và nỗ lực nghiên cứu của các em.
Em Đỗ Hà Phương, đại diện nhóm chia sẻ: “Khi biết dự án của mình đoạt Giải nhất, chúng em vỡ òa trong hạnh phúc. Khoảnh khắc ấy không chỉ là niềm vui mà còn là sự khẳng định cho những nỗ lực bền bỉ suốt chín tháng nghiên cứu”. Ưu điểm lớn nhất của dự án là có thể giải quyết đồng thời hai vấn đề: ô nhiễm nước và ô nhiễm từ pin thải.
Quá trình tìm hiểu cho thấy nhu cầu sử dụng pin lithium trong đời sống ngày càng tăng, trong khi việc tái chế loại pin này tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và chi phí cao. Nhận thức được điều này, nhóm quyết định hướng đến giải pháp tái chế và tận dụng lithium từ pin thải, vừa giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường, vừa mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực xử lý chất thải công nghệ. Ngoài ra, nhóm rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là tình trạng nước thải màu từ các làng nghề dệt lụa thủ công.
Theo dõi thực tế và qua các nguồn thông tin, nhóm nhận thấy lượng chất thải này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. “Chính vì vậy, chúng em đã tìm cách sử dụng lithium tái chế để tạo ra vật liệu mới có khả năng xử lý nước màu bị ô nhiễm. Chúng em hy vọng trong tương lai, nghiên cứu này có thể được ứng dụng thực tế, góp phần giải quyết những vấn đề môi trường cấp thiết hiện nay” - Đỗ Hà Phương chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Khi tham gia Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, nhà trường xác định đây không chỉ là một sân chơi để học sinh thể hiện niềm đam mê mà còn là cơ hội để các em phát huy năng lực và vận dụng những kiến thức đã tích lũy.
Sân chơi này đòi hỏi sự toàn diện, không chỉ về khoa học, kỹ thuật mà còn về khả năng sử dụng tiếng Anh của học sinh để nghiên cứu tài liệu và trình bày sản phẩm. Những học sinh tham gia sẽ có được nhiều lợi ích, từ việc nâng cao hiểu biết khoa học, phát triển tư duy phản biện đến cải thiện kỹ năng ngoại ngữ, giúp các em tiếp cận kho tàng tri thức phong phú hơn.
Thực tế cho thấy, khi vào lớp 10, nhiều học sinh có xu hướng né tránh các môn khoa học tự nhiên và tập trung chủ yếu vào các môn xã hội. Nhà trường nhận thấy, nếu không khuyến khích sự cân bằng giữa hai nhóm môn học, nền tảng khoa học cơ bản sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp sau này. Vì vậy, để bảo đảm sự phát triển bền vững và khuyến khích học sinh hứng thú với các môn khoa học tự nhiên, nhà trường có hệ thống câu lạc bộ STEM, tổ chức nhiều sân chơi và cuộc thi học thuật...
Ngoài ra, học sinh có thể tham gia các câu lạc bộ của trường đại học hoặc những cơ sở giáo dục khác, giúp các em được tiếp xúc các hoạt động nghiên cứu thực tế. Với tinh thần ham học hỏi, yêu thích khám phá khoa học, học sinh sẽ luôn nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ nhà trường.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, trong những năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, giáo dục STEM ngày càng phát triển sâu rộng và đạt nhiều kết quả tốt đẹp, phù hợp với chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ông Phạm Ngọc Thưởng mong rằng năm học 2025-2026, số lượng dự án tham gia cuộc thi sẽ lớn hơn nữa, chất lượng hơn nữa, và ở đó có nhiều hơn nữa đam mê sáng tạo, niềm vui của học sinh...
Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, cuộc thi không chỉ tạo ra một sân chơi học thuật bổ ích mà còn góp phần thúc đẩy phương pháp học tập chủ động, sáng tạo theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cuộc thi không chỉ dừng lại ở việc tìm ra các dự án xuất sắc mà còn tạo động lực giúp học sinh tiếp tục theo đuổi nghiên cứu lâu dài, góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, để cuộc thi thật sự trở thành bệ phóng cho tài năng trẻ, cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các dự án đoạt giải với doanh nghiệp, viện nghiên cứu để ứng dụng vào thực tế. Các nhà trường cần tiếp tục tạo điều kiện để học sinh có môi trường nghiên cứu, phát triển ý tưởng.
Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học. Năm 2025, từ 212 dự án dự thi, Ban Giám khảo đã lựa chọn trao 12 Giải nhất, 36 Giải nhì, 36 Giải ba, 36 Giải tư cho các dự án xuất sắc. Những dự án đoạt giải cao nhất và đáp ứng đủ điều kiện sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn để tham gia Hội thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2025 tại Mỹ.
(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
|
Nguồn: https://nhandan.vn/